Vilnius, Litva, ngày 12/7/2023, ông Yoon Suk-yeol (khi đó vẫn là Tổng thống Nam Hàn) tại lối vào hội nghị thượng đỉnh NATO 2023. (Ảnh: Gints Ivuskans / Shutterstock)
NAM HÀN - Hôm thứ Năm, ngày 10/7, sau 4 tháng được thả cựu Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk-yeol, lại bị bắt vì các cáo buộc mới như cản trở công vụ và lạm dụng quyền lực. Trong cùng ngày, ông Yoon Suk-yeol đã trở lại nhà giam. Đồng thời, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra dữ dội tại Seoul và các nơi khác. Đại sứ quán Trung Quốc hiếm hoi đưa ra cảnh báo công khai, cho thấy nghi ngờ trong nội bộ Nam Hàn về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thâm nhập và can thiệp đã lên đến mức cao mới, bầu không khí xã hội và chánh trị ngày càng căng thẳng.
Tòa án địa phương trung tâm Seoul trong tuyên bố cùng ngày cho biết, xét thấy có thể ông Yoon Suk-yeol tiêu hủy chứng cứ hoặc can thiệp nhân chứng, đã quyết định chấp thuận yêu cầu bắt giữ của viện kiểm sát, đưa ông trở lại Trung tâm giam giữ Seoul, giam giữ riêng để chờ giải quyết pháp lý tiếp theo. Viện kiểm sát khi xin lệnh bắt giữ cho biết ông Yoon có nguy cơ bỏ trốn.
Theo các viên chức trại giam và truyền thông đưa tin, ông Yoon Suk-yeol hiện đang bị giam trong phòng giam đơn khoảng 10 mét vuông, bên trong có tủ đựng đồ, bàn ăn gấp, tivi, bồn cầu và nệm gấp, cùng các tiện nghi cơ bản khác. Chế độ ăn uống của ông cũng giống như các phạm nhân khác, được cung cấp bữa sáng đơn giản gồm khoai tây hấp và bánh mì phô mai nhỏ.
Nghị sĩ phe đối lập Park Ji-won trong một chương trình trò chuyện trên YouTube cho biết, do nắng nóng đang hoành hành khắp cả nước, cơ sở vật chất trong trung tâm giam giữ lạc hậu, ông Yoon chỉ có thể dựa vào một chiếc quạt nhỏ tự động tắt ban đêm để chống chọi thời tiết nóng bức. Ông Park từng chấp hành án tại trung tâm này.
Ông Yoon Suk-yeol từng bị giam 52 ngày tại trung tâm này vào đầu năm nay, sau đó được thả vì tòa án nghi ngờ thủ tục giam giữ có thể vi phạm pháp luật. Sau đó, ông cùng vợ và 11 con thú cưng chuyển về sống tại một khu dân cư cao cấp ở Seoul, trong căn hộ diện tích khoảng 164 mét vuông. Theo khai báo với chánh phủ, tổng tài sản ròng của hai vợ chồng khoảng 7,5 tỷ won (khoảng 5,47 triệu USD).
Ông Yoon Suk-yeol đang đối mặt với cáo buộc phản loạn do ban hành lệnh thiết quân luật, nếu bị kết tội có thể đối mặt với tù chung thân hoặc án tử hình.
Ông Yoon Suk-yeol vắng mặt tại phiên điều trần
Vài giờ sau khi vào trại, tòa án đã tổ chức phiên điều trần xét xử vụ phản loạn vào sáng thứ Năm, nhưng ông Yoon không có mặt.
Theo Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, luật sư của ông Yoon trình báo với tòa rằng ông không thể tham dự phiên điều trần do vấn đề sức khỏe.
Kể từ khi Tổng thống mới Lee Jae-myung nhậm chức vào tháng Sáu, nhóm công tố đặc biệt đã bắt đầu điều tra ông Yoon Suk-yeol, đồng thời đưa ra thêm nhiều cáo buộc. Theo báo cáo, viện kiểm sát đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, tập trung làm rõ cáo buộc ông Yoon cố tình làm căng thẳng quan hệ liên Triều, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia Nam Hàn.
Phó tổ trưởng tổ công tố đặc biệt Park Ji-young ngày thứ Năm cho biết, viện kiểm sát dự kiến sẽ thẩm vấn ông Yoon Suk-yeol vào thứ Sáu (11/7), và đã gửi thư thông báo đến vợ và luật sư của ông về tình trạng giam giữ.
Ông Yoon ra tòa nhưng không trả lời chất vấn – Luật sư bác bỏ cáo buộc bắt giữ phi lý.
Ông Yoon Suk-yeol đã ra tòa vào ngày thứ Tư (9/7) để tham dự phiên xét xử lệnh bắt giữ. Ông mặc com-lê xanh đậm và đeo cà vạt đỏ, nhưng không trả lời các câu hỏi từ truyền thông. Luật sư của ông phủ nhận toàn bộ cáo buộc, cho rằng lệnh bắt giữ là hành động vội vàng, phi lý của viện kiểm sát trong quá trình điều tra.
Theo truyền thông địa phương đưa tin, trong ngày hôm đó, hơn 1.000 người ủng hộ đã tập trung gần tòa án, đội nắng nóng 35 độ C (tương đương 95 độ F), vẫy cờ, giương biểu ngữ và hô vang tên ông Yoon Suk-yeol.
Phản ứng xã hội và diễn biến tiếp theo
Việc ông Yoon liên tục bị bắt và điều tra khiến dư luận Nam Hàn chia rẽ. Một bộ phận cho rằng đây là biểu hiện của chống tham nhũng và thượng tôn pháp luật, cho thấy pháp quyền Nam Hàn ngày càng tiến bộ. Nhưng cũng có người nghi ngờ về thanh trừng chánh trị và sự lạm quyền của cơ quan thực thi pháp luật. Những dư chấn từ vụ luận tội, thiết quân luật và đấu đá chánh trị trước đó còn chưa kịp nguôi ngoai, thì việc bắt giữ một lãnh đạo cấp cao lại tiếp tục khiến cục diện chánh trị và lòng dân ở Nam Hàn thêm một phen chấn động.
Giới phân tích cho rằng: liệu ông Yoon có thể tự minh oan, liệu có thêm chánh khách nào khác bị điều tra, và liệu tư pháp Nam Hàn có thể độc lập giải quyết các vụ án nhạy cảm hay không — tất cả đều sẽ trở thành tâm điểm theo dõi của dư luận trong và ngoài nước. Khi vụ án bước vào giai đoạn xét xử chánh thức, cơn bão chánh trị ở Nam Hàn có thể tiếp tục leo thang.
Nghi ngờ ĐCSTQ thâm nhập và làn sóng chống Trung Quốc gia tăng
Cùng lúc đó, xã hội Nam Hàn gần đây dấy lên một làn sóng chống Trung Quốc mới. Ngày 9/07, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Hàn hiếm hoi ra cảnh báo công khai, cho biết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại các khu vực như Myeong-dong ở Seoul có thể phát sinh hành vi quá khích, đồng thời đã gửi công hàm nghiêm khắc cho phía Nam Hàn, nhắc nhở công dân Trung Quốc ở Hàn nên tăng cường cảnh giác. Đại sứ quán cũng chỉ trích một số thế lực chánh trị bịa đặt luận điểm “Trung Quốc can thiệp bầu cử Nam Hàn”, đồng thời kích động nghi ngờ và công kích Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc “kiên quyết phản đối”.
Theo khảo sát năm 2022 của Tổ chức nghiên cứu Nam Hàn, mức độ người dân Nam Hàn không tin tưởng Trung Quốc đã vượt qua cả Nhật Bản, và xu hướng này ngày càng nghiêm trọng. Liên Hiệp Quốc vào tháng Năm năm nay cũng từng cảnh báo rằng phát ngôn thù ghét người Trung Quốc và làn sóng chống Trung Quốc tại Nam Hàn đã tăng mạnh đến mức đáng lo ngại.
Vào tháng Hai năm nay, một người đàn ông Nam Hàn mặc trang phục “Captain America” đã cố xông vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul, đe dọa tấn công khủng bố. Người này bị cảnh sát bắt giữ ngay tại chỗ và bị kết án 18 tháng tù vào cuối tháng Năm. Vụ việc này đã làm leo thang sự đối đầu trong dân chúng giữa hai nước.
Theo hãng Yonhap, vào tối ngày 9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Hàn đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Hàn, phản ánh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng xung quanh Đại sứ quán, và kêu gọi Chánh phủ Nam Hàn lưu ý. Bộ Ngoại giao Nam Hàn đã gửi công văn cho cảnh sát Seoul, yêu cầu quản lý tình hình nghiêm túc và ngăn ngừa các hành vi quá khích.
Một loạt các cuộc biểu tình phản Trung Quốc và va chạm ngoại giao, cộng thêm bất ổn chánh trị do vụ ông Yoon bị bắt, đã đẩy xã hội Nam Hàn vào trạng thái cực kỳ nhạy cảm. Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng và sự thâm nhập của ĐCSTQ vào chánh trị, kinh tế, dư luận Nam Hàn đang trở thành tâm điểm tranh cãi ngày càng nghiêm trọng trong nội bộ Nam Hàn.
Việc ông Yoon Suk-yeol bị bắt lần nữa, cộng thêm làn sóng chống Trung Quốc và nghi ngờ sự thâm nhập của ĐCSTQ, đã khiến chánh trường và dân chúng Nam Hàn rơi vào tình trạng bất ổn nhiều mặt. Tương lai Nam Hàn làm sao cân bằng giữa công lý tư pháp trong nước, ổn định chánh trị và quan hệ đối ngoại sẽ là trọng điểm được theo dõi. Cộng đồng quốc tế cũng đang theo sát liệu Nam Hàn có thể giữ vững nguyên tắc pháp trị và dân chủ trong bối cảnh áp lực trong lẫn ngoài nước hay không, để vượt qua cơn khủng hoảng chánh trị hiện tại.