Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Phi Châu 2024. Ảnh tại Bắc Kinh ngày 05/09/2024. AP - Greg Baker

 

 

Phi Châu không chỉ là kho dự trữ nguyên liệu cho Trung Quốc hay là nơi tiêu thụ hàng rẻ made in China mà còn là thị trường, phòng thí nghiệm của các công ty sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới và công nghiệp quốc phòng.

 

Diễn Đàn Hợp Tác FOCAC giữa Trung Quốc và Phi Châu 2024 vừa kết thúc. Là chủ nợ chính của Phi châu, Bắc Kinh cam kết « hỗ trợ tài chính » cho châu lục này 50 tỷ đô-la cho ba năm sắp tới. Với trên 280 tỷ đô-la tổng trao đổi mậu dịch hai chiều (năm 2023), Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng nhất của Phi châu. Từ hơn 20 năm nay thâm hụt mậu dịch của Phi châu với bạn hàng Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng rẻ cho 1,5 tỷ dân tại hơn 50 quốc gia châu Phi và đổi lại thì nhập cảng nguyên và nhiên liệu từ châu lục này để nuôi cỗ máy sản xuất.

 

 

Bắc Kinh cần Phi châu

 

Xavier Aurégan, đại học Công Giáo Lille, tác giả cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả năm nay « Chine, puissance Africaine - Trung Quốc, cường quốc tại Phi châu »- NXB Armand Colin, trên đài truyền hình Pháp France 24 nói rõ hơn :

« Kinh tế và công nghiệp Trung Quốc rất cần nguyên liệu để sản xuất và cung cấp khoảng 10 % thành phẩm, vật liệu cho thế giới. Phi Châu là kho nguyên liệu và khoáng sản của nhân loại và do vậy đã thu hút chú ý của Bắc Kinh ».

 

Nhưng Trung Quốc nay đã trở thành một nơi sản xuất hàng cao cấp như ô tô điện hay pin mặt trời… Trung Quốc cũng là nước cung cấp các dịch vụ và thiết bị viễn thông tên tuổi trên thế giới, làm chủ công nghệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử, công nghệ chế tạo xe lửa cao tốc và cả trong lĩnh vực quốc phòng. Đó là những lĩnh vực còn khó chen chân vào các thị trường phát triển của Âu Mỹ, Nam Hàn hay Nhật Bản và Nga. Chỉ còn lại Phi châu, một châu lục với tiềm năng lớn. Tiếp đón trọng thể các lãnh đạo Phi châu tại Bắc Kinh vào tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ giữa nền kinh tế thứ 2 toàn cầu và Phi châu chưa bao giờ « lành mạnh như hiện tại ».

 

Trả lời đài truyền hình Pháp-Đức, Arte, Valérie Niquet chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS nhắc lại 50 tỷ đô-la được ông Tập Cận Bình thông báo « hỗ trợ tài chính Phi châu » cho ba năm sắp tới trước hết là số tiền Trung Quốc cho Phi châu vay mượn và Bắc Kinh đã ít hào phóng hơn nhiều so với quá khứ :  

« Trước hết 50 tỷ đô-la viện trợ là số tiền thấp hơn nhiều so với những diễn đàn FOCAC trước đây. Tại Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc - Phi Châu hồi 2018, Bắc Kinh cấp 60 tỷ đô-la tín dụng cho Phi châu và tặng 60 tỷ cho châu lục này. (…) Kinh tế không còn tăng trưởng tốt như lúc trước, Trung Quốc không thể rộng rãi với các đối tác Phi  châu, nhưng vẫn tiếp tục nhắm tới một số dự án trong lĩnh vực năng lượng, vào hạ tầng cơ sở … »

 

 

Chuyên gia Xavier Aurégan đi sâu hơn vào chi tiết : Theo ông  thực ra trong số 50 tỷ đô-la Bắc Kinh hứa viện trợ cho Phi châu trong ba năm sắp tới bao gồm 30 tỷ được cấp dưới dạng tín dụng, 10 tỷ dành để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Phi châu và 10 tỷ đô-la còn lại, thuần túy là tiền viện trợ. Nhưng phần lớn trong số 10 tỷ viện trợ này được dùng vào việc « thanh toán nợ hay trả tiền lãi cho chính các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc ».

 

 

2 % tổng đầu FDI vào Phi châu

 

Một đặc điểm mà Xavier Aurégan lưu ý trong cuốn « Trung Quốc, cường quốc Phi  châu » là trái với điều mọi người lầm tưởng, Trung Quốc đầu tư không nhiều vào Phi châu. Tại châu lục này, đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm có 2 % FDI trong lúc tỷ lệ này là 63 % tại Á châu và 5 % ở Âu châu. Điều đó chứng tỏ, trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, Phi châu không là một điểm đến an toàn, mà chỉ là một nguồn cung cấp nguyên liệu, một thị trường mua vào hàng hóa « made in China ».

 

Như Valérie Niquet vừa nêu, do tăng trưởng bị chựng lại, Trung Quốc đang khóa dần van tín dụng với các nước châu Phi. Các số liệu chính thức của nước này cho thấy năm 2016 Trung Quốc cho Phi châu vay 28 tỷ đô-la, năm 2019 Phi châu chỉ còn nhận được 8 tỷ tín dụng, và đến 2022 thì chỉ còn có thể vay được 1 tỷ đô-la của Bắc Kinh mà thôi.

Tiêu thụ nội địa yếu kém, sản xuất dư thừa : đó là những lý do khiến Bắc Kinh lại càng « rất cần » Phi châu như Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp IRIS ghi nhận, đặc biệt là vào thời điểm mà Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Hoa Kỳ « từng bước đóng cửa thị trường với Trung Quốc » : Phi Châu trở thành một thị trường tiềm năng để tiêu thụ pin mặt trời, bình điện và ô tô điện mà Trung Quốc không thể bán sang Âu Mỹ.

 

 

Phi Châu và nhu cầu tiêu thụ hàng cao cấp

 

Vào lúc trang thiết bị viễn thông của Hoa Vi đã bị cấm cửa tại Hoa Kỳ và một số nước trong Liên Âu thì tập đoàn này phải đi tìm những thị trường khác, với những nhu cầu khác về chất lượng, về mức cung cấp dịch vụ … Phi Châu vẫn cần phát triển các hệ thống cầu đường, cần có thêm cơ sở hạ tầng để mở mang kinh tế. Chuyên gia Valérie Niquet ghi nhận một thay đổi lớn về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Phi châu :

« Đúng là Trung Quốc đã đáp ứng những nhu cầu thực sự của Phi châu vào thời điểm mà châu lục này bị Tây phương bỏ quên. Nhất là sau chiến tranh lạnh, không còn mấy ai thiết tha với Phi châu hay quan tâm đến nhu cầu phát triển của khu vực này nữa. Dù vậy Trung Quốc chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho họ. Những lĩnh vực đó gồm công nghệ viễn thông, đường sắt cao tốc … Giờ đây thì Bắc Kinh kỳ vọng rằng Phi châu là thị trường tiêu thu pin mặt trời, ô tô điện, bình điện … mà Trung Quốc sản xuất ».

 

 

Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 chuyên gia địa chính trị Xavier Aurégan có cùng quan điểm đồng thời ông nhấn mạnh đến mảng dịch vụ mà các tập đoàn Trung Quốc từ nhiều năm nay đã hướng tới :

« Trung Quốc dè dặt trong việc đầu tư vào Phi châu vì sợ rằng châu lục này có nhiều rủi ro, nhưng đã đẩy mạnh các hoạt động về thương mại với châu lục này và nhất là giành được nhiều hợp đồng bảo đảm dịch vụ cho Phi châu. Về kinh tế, mục tiêu của Bắc Kinh là gặt hái được nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ ở hải ngoại (...) Có một sự khác biệt giữa các khoản xuất nhập cảng và các hợp đồng bảo đảm dịch vụ do các công ty Trung Quốc tiến hành. Đó là những công ty Nhà nước hay của tư nhân. Tại Phi châu, Trung Quốc giành được 1 phần 3 các hợp đồng xây dựng, tức là nắm giữ một phần lớn của toàn thị trường, xây dựng từ hải cảng đến xa lộ, bệnh viện, trường học … cho châu lục này ».

 

 

« Rế rách cũng đỡ nóng tay »

 

Trong những lĩnh vực công nghệ mới Trung Quốc đã vươn lên thành một cường quốc, và đang cần xuất cảng những sản phẩm cao cấp. Phi Châu không chỉ là thị trường mua vào quần áo, hay tủ lạnh, máy vi tính của Trung Quốc, mà nay đã có điều kiện để nhắm tới ô tô điện hay mua vào thiết bị viễn thông cung cấp các dịch vụ internet trên cả một châu lục rộng lớn… 

 

Năm 2023 số lượng ô tô điện Trung Quốc xuất cảng sang Phi châu đã được nhân lên gấp ba lần so với hồi 2022. Pin mặt trời « made in China » bán sang Phi châu tăng 57 % … theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc. Đương nhiên trong những địa hạt này, Phi châu không đủ « lớn » hấp dẫn như các ở Âu châu hay châu Mỹ nhưng đó là những giải pháp tạm thời cho phép cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục sản xuất và tạo công việc làm cho người lao động Trung Quốc.

 

 

Thị trường vũ khí của các công ty sản xuất Trung Quốc

 

Bên cạnh mảng « hàng công nghệ cao » Phi châu còn là « một sân chơi » của các công ty sản xuất vũ khí Trung Quốc. Báo Hồng Kông South China Morning Post tháng 8/2023 ghi nhận Norinco, tập đoàn sản xuất vũ khí số 1 Trung Quốc « mở văn phòng đại diện » tại Senegal, trước khi « hiện diện thường trực » ở Mali, Côte d’Ivoire và nhiều nơi khác nữa tại Tây Phi.

 

Riêng trong vùng Phi châu ở phía nam sa mạc Sahara, Trung Quốc đứng thứ nhì trong danh sách các nguồn cung cấp cho khu vực này. Năm 2023 Cộng Hòa Dân Chủ Congo trang bị drone của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã cung cấp không ít chiến dấu cơ cho Phi châu theo thông tin từ tạp chí ADF chuyên theo dõi các hồ sơ quân sự, quốc phòng tại Phi châu.

 

Zambia hiện đã trang bị trực thăng Trung Quốc, Soudan thì mua các hệ thống phóng rocket của Trung Quốc. Algérie là khách hàng quan trọng nhất của Bắc Kinh trên các thị trường mua bán vũ khí, đứng trên Tanzania, Maroc và Soudan.

 

Một nhân vật quan sát ghi nhận : Từ đầu thập niên 1980 Trung Quốc không trực tiếp tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào, nhưng nền công nghiệp quốc phòng của nước này không ngừng phát triển. Phi châu là « sân chơi », là « phòng thí nghiệm » cho các công ty sản xuất Trung Quốc. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng về ngoại giao và chiến lược của Bắc Kinh đối với châu lục này vào lúc mà Bắc Kinh muốn hình thành một trật tự thế giới mới và lãnh đạo « khối các nước phương nam ».

 

Tất cả các yếu tố vừa nêu cho thấy, có lẽ ông Tập Cận Bình đã thành thật khi tuyên bố bang giao giữa Bắc Kinh và Phi châu « chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại ».

 

(Theo RFI Việt ngữ)