Vàng từ lâu đã được xem là biểu tượng của sự giàu có và là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư. (Shutterstock)
Phần 1: Trong rủi ro và hỗn loạn, giá vàng lập kỷ lục chưa từng có
Phần 2: Vòng xoáy: chiến tranh - chính phủ nợ nần và vàng
THẾ GIỚI - Cho tới nay, chưa một đồng tiền nào có thể thay thế vàng hoặc tốt hơn vàng trong vai trò tiền tệ. Kể từ khi tiền tệ không còn được bảo đảm bằng vàng, vòng xoáy lạm phát - suy thoái - khủng hoảng mang tính chu kỳ và trở thành thông lệ.
Dựa vào vàng, tiền tệ từng có trăm năm bình yên
Tác giả Ferdinand Lips trong “Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ” cho rằng tiêu chuẩn vàng của thế kỷ XIX “đại diện cho thành tựu tiền tệ cao nhất của thế giới văn minh và dường như là một phép lạ thời bây giờ”.
Tiền tệ của các quốc gia ở châu Âu cũng duy trì được tính ổn định cao độ như vậy, cụ thể là:
-
- Đồng francs của Pháp ổn định 100 năm, từ năm 1814 đến năm 1914.
- Đồng florin của Hà Lan ổn định được 98 năm, từ năm 1816 đến năm 1914.
- Đồng francs của Thụy Sĩ ổn định được 86 năm, từ năm 1850 đến năm 1936.
- Đồng francs của Bỉ ổn định được 82 năm, từ năm 1832 đến năm 1914.
- Đồng krona của Thụy Điển ổn định được 58 năm, từ năm 1873 đến năm 1931.
- Đồng mác của Đức ổn định được 39 năm, từ năm 1875 đến năm 1914.
- Đồng lira của Ý ổn định được 31 năm, từ năm 1883 đến năm 1914.
Chiến tranh là sát thủ của chế độ bản vị vàng
Câu hỏi là vì sao một đồng tiền ổn định như vậy, một chế độ tiền tệ bảo vệ gia sản của mỗi hộ gia đình cũng như không cho phép các chính trị gia tham vọng được phép can thiệp lại bị từ chối?
Chế độ bản vị vàng được mô tả là tiền tệ của mỗi quốc gia có thể được đổi thành vàng từ quốc gia khác (qua thương mại hoặc vay mượn) theo yêu cầu. Lý do là các nền kinh tế chỉ phát hành tiền nội tệ của họ dựa trên số vàng mà họ dự trữ được. Sau đó, khi vàng thế giới ồ ạt chảy về Mỹ sau thế chiến I và II, thì chế độ bản vị vàng ở phạm vi quốc tế được ấn định: Mỹ phát hành USD dựa trên vàng dự trữ, các nền kinh tế khác cố định tỷ giá nội tệ của họ theo USD (chi tiết xem tại Phần 2).
Chế độ tiền tệ theo bản vị vàng được áp dụng đầu tiên ở Anh vào năm 1717, trở nên phổ biến khắp châu Âu vào những năm 1890. Tại Hoa Kỳ, Alexander Hamilton - ông là tổ phụ, Bộ trưởng Tài chính của Hoa Kỳ - đã thành lập đồng tiền vào năm 1792 và đồng tiền vàng đầu tiên được phát hành vào năm 1795.
Nếu không có một chính phủ châu Âu hay thỏa thuận tiền tệ quốc tế nào, bản vị vàng là loại tiền quốc tế phổ quát nhất mà thế giới có được tính cho tới ngày nay. Tiền tệ được cố định với vàng và vàng cố định các loại tiền tệ với nhau. Kết quả là gần như loại bỏ hoàn toàn biến động tiền tệ giữa các loại tiền tệ chính trên thế giới.
Các quốc gia có thể phát hành tiền giấy, nhưng chỉ khi nó được đảm bảo bằng lượng vàng dự trữ tương ứng. Lịch sử tiền tệ chứng minh mạnh mẽ rằng chế độ bản vị vàng tạo ra sự ổn định mà bây giờ chúng ta chưa từng được chứng kiến. Ngoại trừ cuộc nội chiến (12/4/1861 - 9/5/1965), thời kỳ Mỹ phải bỏ chế độ bản vị vàng để có thể in tiền nhiều hơn số vàng họ có để ném vào cỗ máy chiến tranh, giá trị tương đối của đồng đô la Mỹ và bảng Anh không dao động quá 1% từ năm 1839 đến năm 1914. Việc thiết lập chế độ bản vị vàng giúp các quốc gia tái sử dụng tiền giấy dễ dàng hơn.
Đồng bảng Anh là tiền tệ quốc tế chính cho đến năm 1914. Trên thực tế, Ngân hàng Anh đã trở thành ngân hàng trung ương của thế giới và quản lý chế độ bản vị vàng quốc tế thông qua lãi suất, đồng thời đóng vai trò là tiền thân của Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày nay. Cơ chế dòng tiền duy trì hệ thống tỷ giá hối đoái. Nếu một đồng tiền bị định giá quá cao (tức là bị in quá nhiều so với số vàng mà quốc gia đó có), vàng sẽ chảy ra khỏi quốc gia đó và chảy vào các quốc gia khác, khôi phục tỷ giá hối đoái về mức bình thường.
Sau Thế chiến thứ Nhất (1914), Đức in tiền để trả nợ và mua hàng hoá, đồng mark của Đức đã mất giá lớn đến mức người dân lấy tiền làm giấy dán tường, hình ảnh chụp năm 1920. (Nguồn: Wikipedia)
Chế độ bản vị vàng hoạt động suôn sẻ cho đến tháng 8/1914 khi Thế chiến I bắt đầu. Lý do là những quốc gia tham chiến cần tiền và sau này khi thua cuộc phải bồi thường chiến tranh hoặc phục hồi kinh tế trong nước. Sau chiến tranh, cả kẻ thắng và người thua đều là các con nợ lớn. Chính phủ thua cuộc là Đức khi đó đã từ bỏ bản vị vàng, in tiền nhiều nhất có thể với hy vọng có thể nhanh chóng đổi tiền nội tệ (được in bừa bãi) lấy vàng theo tỷ giá cố định như luật chơi trước đó. Dĩ nhiên, điều này chỉ diễn ra khi các đối tác thương mại của họ (Mỹ, Anh, ...) chưa nhận thức được mức độ lạm phát của đồng mark Đức. Điều này làm tổn hại không chỉ tới nền kinh tế Đức, bị tàn phá bởi lạm phát phi mã, mà còn tổn hại tới các nền kinh tế là chủ nợ của Đức.
Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 1914, một đồng USD còn đổi 4,20 mark. Sau đó, đồng tiền Đức liên tục mất giá và từ mùa thu 1922 thì như rơi xuống một chiếc thùng không đáy. Vào tháng 11/1923, một USD đã đổi được 4.200 tỉ mark. Chi phí cho quân đội và vũ khí vượt qua mọi khả năng tưởng tượng, nước Đức ước tính đã chi 160 tỉ mark cho chiến tranh, một con số khổng lồ. Đế chế này chỉ có thể có được lượng tiền khổng lồ đó bằng cách kiếm được tiền bằng những biện pháp bất thường. Để làm điều này, ngày 4/8/1914, chỉ 3 ngày sau khi nước Đức tuyên chiến với nước Nga, Quốc hội Đức đã thông qua cái gọi là Luật tiền tệ, thay đổi một cách cơ bản thị trường tiền tệ Đức. Việc dùng vàng bảo đảm cho đồng mark đã bị hủy bỏ. Nói một cách khác, nước Đức tự do in tiền để lấy tiền chi phí cho chiến tranh mà không có gì bảo đảm cho giá trị đồng tiền.
Kết quả là, không chỉ Đức mà các quốc gia đối tác của Đức cũng từ bỏ bản vị vàng, tự do in tiền với hy vọng có thể bù đắp lại khoản thiếu hụt mà chính phủ không thể huy động được thông qua thuế. Lạm phát vì thế bùng phát khắp toàn cầu. Bất chấp nhiều nỗ lực khác nhau nhằm quay trở lại chế độ bản vị vàng trong những năm 1920, 1930 và sau đó là 1971, mọi thành công đều chỉ mang tính tạm thời.
Vì sao vàng lại là thước đo tiền tệ hoàn hảo nhất?
Tác giả Maurier cho rằng: “Cũng giống như tự do, vàng chưa bao giờ chịu khuất phục đến mức phải hạ thấp giá trị của nó”. Ngày nay, các nhà tài chính luôn nêu cao vấn đề ‘tiêu chuẩn hóa’, nhưng thế giới vốn đã không còn bất cứ chuẩn mực nào trong việc đo lường tiền tệ, điều này chẳng phải là mâu thuẫn và đáng cười?
Thật ra, tất cả các nền kinh tế nguyên thủy nhất đều dựa trên tiêu chuẩn đo lường là vàng. Vàng được công nhận bởi các quốc gia và dân tộc khác nhau trên thế giới. Theo “Tiêu chuẩn Vàng” của kinh tế học, nguồn cung tiền của một quốc gia được liên kết với vàng. Cán cân thanh toán quốc tế sẽ được giải quyết bằng vàng.
Vàng - với các đặc tính đặc biệt của mình là không thể làm giả, không dễ bổ sung thêm trữ lượng, không dễ biến đổi - sẽ được "định giá" tự nhiên theo sức sản xuất, tích lũy, tái đầu tư và sáng tạo của nền kinh tế. Giá trị cho mỗi đơn vị hàng hóa mà con người tiêu dùng, tích lũy, tái đầu tư tương ứng với một đơn vị vàng nhất định, tại các thời điểm nhất định.
Chẳng phải tiền tệ là để đo lường giá trị của của cải, hàng hóa, dịch vụ làm ra hay sao? Chỉ khi giá trị của cải được đo lường theo vàng, sự đo lường sẽ là công bằng, minh bạch và không dễ bị lòng tham của những người có quyền lực in tiền thổi phồng.
Vậy ai có quyền lực in tiền và vì sao họ phải làm thế? Đó là các ngân hàng trung ương, các chính phủ. Họ làm thế với niềm tin rằng mức lạm phát nhẹ sẽ tạo ra cho họ thành tích tăng trưởng để kiếm phiếu bầu. Nhưng đi kèm theo đó là tài sản của chúng ta bị phá huỷ ngày một tồi tệ sau mỗi đợt lạm phát bùng phát. 80% - 90% dân số toàn cầu, những người nắm giữ 5% của cải toàn cầu, đang nghèo đi, ngày một nghèo đi vì lạm phát.
So sánh thú vị về các loại tiền tệ mà thế giới đã và đang có
Tiền tệ bản chất là phương tiện thanh toán, sử dụng với mục đích trao đổi hàng hoá, dịch vụ của một khu vực (như khu vực kinh tế chung châu Âu, hay của một nền kinh tế). Bản thân tiền tệ không có giá trị. Giá trị của tiền được tạo ra bởi giá trị mà nó phụ thuộc và đại diện. Với loại tiền tệ như hiện nay, tiền đại diện cho của cải quốc gia, hàng năm sản xuất thêm được bao nhiêu (gọi là tổng sản lượng quốc gia) thì tiền được in thêm từng đó. Như vậy, nếu chính phủ tham nhũng, nợ nần hoặc bản thân chính trị gia muốn chia tiền cho dân (qua cái gọi là phúc lợi) để lấy phiếu bầu, thì họ có thể ra quyết định in thêm tiền. Lúc này, giá trị tiền đi xuống, mất mát.
Nếu như các chính trị gia buộc phải dựa vào khối vàng họ dự trữ để in tiền, các vấn đề lạm phát sẽ không xảy ra. Lý do là vàng không bị phong hoá, không bị oxy hoá, không thể làm giả, không thể tạo ra vàng từ cái gọi là "thuật giả kim". Với các đặc tính như vậy, vàng là lựa chọn hoàn hảo nhất để đại diện cho của cải quốc gia hoặc của cải của hành tinh này. Nó đáp ứng hoàn hảo tiêu chuẩn của một đơn vị đo lường: không co giãn, không thể làm giả, không thể sản xuất thêm, không phong hoá theo thời gian. Đó là lý do, vàng giống như tự do, nó kiêu hãnh đến mức không bao giờ hạ thấp giá trị của mình.
Về cơ bản, tiền tệ có ba chức năng cơ bản sau: (i) phương tiện tích luỹ; (ii) phương tiện thanh toán; (iii) phương tiện đo lường. Và bây giờ, chúng ta hãy xem xét các loại tiền chúng ta từng biết đáp ứng ở mức nào với các chức năng này, đâu là loại tiền tệ đáp ứng hoàn hảo nhất cả 3 yêu cầu ở trên.
Thứ nhất là tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành trên cơ sở xoá sổ hoàn toàn tiền giấy (hiện Trung Quốc đang triển khai).
Thứ hai là tiền ảo phi pháp định (các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ethereum,...)
Thứ ba là tiền giấy không có bản vị vàng (các đồng tiền bạn đang sử dụng hiện nay).
Thứ tư là tiền giấy in ấn dựa trên bản vị vàng.
Cuối cùng, vàng.
Có lẽ bạn đã có quan điểm của riêng mình về loại tiền và tài sản mà bạn sẽ tích trữ. Ít nhất, chúng ta sẽ cùng có một nhận thức chung, với sự hỗn loạn và rủi ro tài chính gia tăng như hiện nay, vàng sẽ còn tăng giá trong cả ngắn, trung và dài hạn.
(ntdvn.net; Thanh Đoàn)