Chuyên gia phân tích rằng, cuộc đấu đá nội bộ của Trung Nam Hải đã được đặt lên bàn cân. (Lintao Zhang/Getty Images)

 

 

 

 

Những hành động gây hấn ở eo biển Đài Loan có thể chỉ là “diện”, còn “điểm” hay chiến trường trọng điểm lại là Trung Nam Hải, là cuộc thống nhất quyền lực đầy rẫy nguy hiểm của Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị 20 vô vàn sóng gió.

 

 

 

Tiếng phi cơ gầm trên eo biển Đài Loan

 

Chỉ trong vòng 3 ngày từ 1/10 đến 3/10/2021, liên tiếp gần 100 chiến đấu cơ của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan, một kỷ lục mới về số lượng xâm nhập không phận Đài Loan của quân đội Trung Quốc (PLA). 

 

 

Đáp lại, nhiều chiến đấu cơ của quân đội Đài Loan đã xuất kích để cảnh báo đội bay của Trung Quốc, đồng thời Đài Loan cũng sử dụng hệ thống phòng không để giám sát đội bay này.

 

 

Chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc. (Ảnh: 81.cn)

 

 

 

 

Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố: “Khi đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc, chính phủ [Đài Loan] của chúng tôi đã đang luôn luôn tự cam kết cải thiện khả năng tự vệ của mình và kiên quyết bảo vệ nền tự do, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng của Đài Loan”.

 

 

Còn xướng ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 3/10 tuyên bố: “Mỹ rất quan ngại về hoạt động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Động thái này [của Bắc Kinh] đang gây bất ổn, tạo rủi ro tính toán sai, và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.

 

 

Chuyện gì đang xảy ra?

 

Một hành động chào mừng ngày lập quốc 1/10 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chăng?

 

Hay là một âm mưu “chuyển lửa” chính trị nội bộ ra bên ngoài?

 

Hay là chiến tranh đã thực sự cận kề ở eo biển Đài Loan?

 

Chúng ta hãy phân tích từ nội tình hiện tại của chính quyền ĐCSTQ và tìm căn cứ cho những luận đoán từ trong lịch sử.

 

 

 

Đấu đá nội bộ ác liệt, xã hội rối bời

 

Sự kiện nóng hổi nhất hiện nay ở xã hội Trung Quốc là vụ bê bối tài chính của tập đoàn bất động sản Evergrande, còn gọi là Hằng Đại, của doanh nhân nhà họ Hứa có tên Hứa Gia Ấn. Số nợ của tập đoàn này hiện lên đến 305 tỷ Mỹ kim. Vấn đề được ngoại giới quan tâm nhất đó là chính quyền Trung Quốc liệu có cứu Evergrande để ngăn chặn một thảm họa sụp đổ về kinh tế của Trung Quốc, kéo theo sự liên lụy đến nền kinh tế thế giới vốn có quá nhiều ràng buộc với Trung Quốc hay không?

 

 

Tuy vậy, Evergrande lại đang nằm trên bàn cờ đấu đá chính trị vì nó là doanh nghiệp có sự đỡ đầu của các chính trị gia thuộc “Đoàn phái” - một trong ba phe phái trên chính trường của ĐCSTQ. Những chính trị gia này đi lên từ tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản, trong đó nhân vật tiêu biểu là cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. “Đoàn phái” không thuộc về phe “Thái tử Đảng” gồm những hậu duệ của các lão công thần thời kỳ đầu của ĐCSTQ trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đương nhiệm Tập Cận Bình.

 

 

Và Evergrande cũng nhận được sự giúp đỡ của “Giang phái” hay “Phái Thượng Hải”, đứng đầu là cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, qua vai trò của “cánh tay phải” Giang là Tăng Khánh Hồng.

 

 

Những mối quan hệ này giải thích lý do vì sao Evergrande là doanh nghiệp tư nhân mà có thể phình to cỡ đại đến thế.

 

 

Trong cái tên tiếng Hán là “Hằng Đại” của Evergrande thì “Hằng” có nghĩa là “lâu bền”, “Đại” tức là “to lớn”. Rõ ràng, Evergrande sẽ không thể giữ được chữ “Hằng” trong cuộc đấu sinh tử nhiều bên hiện nay, với tình trạng tài chính suy kiệt của Trung Quốc lúc này; Nó lại còn là một doanh nghiệp tư nhân, vốn đang bị thất sủng trong chủ trương ưu tiên doanh nghiệp nhà nước của chính quyền đương nhiệm. Chính chữ “Đại” hay quy mô quá lớn mới tạm giữ mạng cho nó, và cho cả CEO Hứa Gia Ấn. Có nghĩa rằng cuộc đấu chính trị chưa ngã ngũ này sẽ còn khốc liệt.

 

 

Một sự kiện khác có vẻ ít nhận được chú ý hơn là sự trở về của bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei (hay Hoa Vi). Nhưng đằng sau nó có thể là những kế hoạch động trời trên chính trường Trung Quốc.

 

Sau khi đáp xuống sân bay Thâm Quyến, bà Mạnh đã được đón tiếp bằng nghi thức đặc biệt và có bài phát biểu với lời thề trung thành với đất nước. (Ảnh tổng hợp)

 

 

 

 

Đối với phía Hoa Kỳ thì bà Mạnh Vãn Chu không còn nhiều ý nghĩa, vì bà ta đã nhận tội thực hiện kế hoạch lừa đảo các tổ chức tài chính toàn cầu, theo như tuyên bố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 26/9. Hoa Kỳ đã thông qua bà này mà quy trách nhiệm cho chính quyền ĐCSTQ.

 

 

Giới quan sát suy đoán rằng ông Tập đích thân chỉ thị đón bà Mạnh trở về cũng không phải nhắm đến việc giải cứu tập đoàn Huawei, vốn đã không còn gì để cứu, mà bởi vì muốn nắm “quân bài tẩy” là cả hai cha con Nhậm Chính Phi - Mạnh Vãn Chu, để đấu với “Giang phái”.

 

 

Hoa Vi đã được phe Giang đỡ đầu từ lâu. Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc một thời gian dài trước khi gia nhập tập đoàn này. Đứng sau Hoa Vi là quân đội và Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc, và đứng sau Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc vào thời điểm đó là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng - Chủ tịch và Phó chủ tịch nước.

 

 

Ông Tập đã tự tin với đại chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” khi nắm trong tay thân tín Diệp Tuyển Ninh - người chỉ huy hệ thống an ninh nội chính gồm 3.000 đặc vụ ngầm, nằm trong đảng, chính quyền, quân đội để thu thập tin tình báo. Nhiều “hổ” đã sa lưới nhờ hệ thống tình báo này. Nhưng khi Diệp Tuyển Ninh chết năm 2016 thì hình như ông Tập chỉ diệt được “ruồi”, thậm chí còn có nguy cơ bị phản đòn vì hệ thống an ninh nội chính này lúc đó chuyển sang nằm dưới quyền kiểm soát của phe Giang - Tăng.

 

 

Trong tình thế ấy, ông Tập có thể rất hoang mang vì không biết trong hệ thống Đảng, chính quyền, quân đội, an ninh quốc gia hiện nay… ai là người có thể tin cậy được. Và đó là lúc ông cần đến hai cha con Nhậm, Mạnh vốn nắm được rất nhiều bí mật của phe Giang, và cần nhất là “xì” ra những đặc vụ mà “Giang phái” cài vào. Nếu vậy, buộc phải đón bà Mạnh trở về mới ăn chắc để khai thác, tránh bị thủ tiêu nhân chứng. Và lúc đó có thể ông Tập lại nắm trong tay sức mạnh “Võ Tòng” để tiếp tục “đả hổ”.

 

 

Suy đoán ấy có thể là hợp lẽ, vì ngay sau khi bà Mạnh Vãn Chu trở về, vào ngày 30 tháng 9, Tôn Lực Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Chủ nhiệm Văn phòng 610 của ĐCSTQ, đã bị "khai trừ kép" (khai trừ đảng và cách chức), đồng thời lập hồ sơ nghi ngờ phạm tội chuyển sang cơ quan kiểm sát để xem xét, truy tố theo quy định của pháp luật.

 

 

Tiếp đó, ngày 2 tháng 10, Phó Chính Hoa, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Phòng 610 của ĐCSTQ bị cách chức. Bản thân Phó trước đây đã “trở cờ” từ phe Giang, giúp ông Tập bắt Cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Chu Vĩnh Khang. Cũng có thể đó chỉ là một hư chiêu, một kế trá hàng của Phó Chính Hoa theo kiểu Sái Trung Sái Hòa bên quân Tào trá hàng Đông Ngô.

 

 

Người ta nói rằng hai cựu quan chức của phòng 610 khét tiếng - tổ chức được Giang Trạch Dân lập ra để chuyên đàn áp phong trào tín ngưỡng Pháp Luân Công - là những quan chức kế tiếp ứng nghiệm với lời nguyền phòng 610. Đã có một danh sách dài những cái chết, hoặc tai nạn đến với những quan chức hoặc quan thầy của phòng 610, trong đó có cả những cái tên tai tiếng như Lý Đông Sinh, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch v.v. như trong bài viết này.

 

 

Dẫu thế nào, thì trên “đả lôi đài” của ĐCSTQ lúc này đang diễn ra những cuộc so gươm quyết liệt giữa các phe phái chính trị.

 

 

Vấn đề Đài Loan, cần phải đặt vào bối cảnh đó để luận đoán, vì nó đã có tiền lệ từ trong lịch sử, ít nhất là từ thời Mao.

 

 

“Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị”

 

Đó là phát ngôn nổi tiếng của Mao Trạch Đông - trùm lý thuyết gia, có thể gọi là “tổ nghề” của ĐCSTQ. Thực chất thì đối với ĐCSTQ, Mao chưa bao giờ chết bởi vì sâu trong xương tủy của tổ chức này vẫn là sự tiếp nối ý chí của Mao, dù mỗi lãnh tụ thuộc “thế hệ hạt nhân” của ĐCSTQ có thể chọn những chiến thuật trên bề mặt có tính cách giai đoạn để tạo một ấn tượng khác biệt cần thiết đối với ngoại giới. Nhưng bất kể con tắc kè có đổi màu bao nhiêu lần, nó vẫn là con tắc kè ấy. Và nay, Tập Cận Bình thấy rằng đã đến lúc quay trở lại với màu sắc thời Mao.

 

 

Mao cho rằng, cần hướng ra thế giới bên ngoài để tạo hỗn loạn mỗi khi muốn ổn định nội bộ Trung Quốc, hoặc nội bộ ĐCSTQ. Có lần, Mao nói rằng: “Một số đồng chí của chúng ta không hiểu tình hình. Họ muốn vượt qua eo biển, đánh chiếm Đài Loan. Tôi đã bác bỏ, cứ để yên, đừng đụng đến Đài Loan. Đài Loan đang gây sức ép chúng ta, vì thế nội bộ chúng ta đoàn kết. Hết sức ép bên ngoài, có thể nội bộ ta sẽ mất đoàn kết.” (Trích: “Đời tư Mao Trạch Đông”)

 

 

Mao chưa bao giờ có ý muốn tiến chiếm Đài Loan, vì nó sẽ khiến ông ta mất đi một con bài để ổn định nội bộ, một nội bộ luôn bị xáo trộn bởi chính cuộc chiến của Mao chống lại các “đồng chí” từng vào sinh ra tử với mình như là Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu, Chu Đức, Hạ Long v.v.

 

 

Nhưng điều đó cũng không ngăn cản Mao tấn công Đài Loan để “nắn gân” các cường quốc, thời đó là Liên Xô và Mỹ. Năm 1958, Mao quyết định cho pháo kích hai đảo Kim Môn và đảo Mã Tổ của Đài Loan đến hàng tuần liền. Mao muốn thể hiện rằng ông ta chẳng cần nghe lệnh của Khrushchev - Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, khi ông này muốn Trung Quốc không tấn công Đài Loan để Liên Xô có thể cải thiện quan hệ hòa bình với Mỹ. Mao cũng muốn thách thức xem Mỹ có thể theo đuổi việc đối đầu với Trung Quốc hay không. Thậm chí, “Mỹ có thể nổi điên khùng ném một trái bom nguyên tử vào Phúc Kiến, sẽ có mười hay hai muơi triệu người chết...” cũng được (Trích: “Đời tư Mao Trạch Đông”). Mao không quan tâm.

 

 

 

"Mao và Đặng sẵn sàng hy sinh tính mạng nhiều triệu người Trung Quốc để đạt được mục đích của mình". (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

 

 

 

Chiêu bài “thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị” tiếp tục được sử dụng bởi Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam vào năm 1979. Quân đội Trung Quốc gây hấn ở các tỉnh gần biên giới Việt - Trung rồi rút về. Và cũng tương tự như vụ pháo kích hai đảo Mã Tổ và Kim Môn của Đài Loan, ĐCSTQ xác thực được rằng Liên Xô sẽ không can thiệp vào cuộc chiến. Đằng sau sự gây hấn này chính là cuộc đấu đá nội bộ trên thượng tầng chính trị ĐCSTQ. Bởi vì động binh là cách mà Đặng Tiểu Bình tập trung binh quyền vào trong tay, từ đó có đủ sức mạnh để lật đổ Hoa Quốc Phong - Chủ tịch ĐCSTQ, người kế nhiệm Mao Trạch Đông lúc đó. Và Đặng đã đạt được mục đích của mình, bất cần quan tâm đến sự tổn thất nặng nề sinh mạng của người lính Trung Quốc trong cuộc chiến này. Rõ là “nhất tướng công thành, vạn cốt khô”.

 

 

Những cuộc gây hấn của Trung Quốc với các quốc gia khác có thể vừa là để “dằn mặt” các cường quốc và ngoại giới, vừa là biểu hiện ra bề mặt cuộc nội chiến chốn thâm cung của ĐCSTQ.

 

 

Hay nói cách khác, tiếng gầm rú của những phi cơ chiến đấu của PLA trên vùng trời Đài Loan mấy ngày qua có thể là tiếng vọng gươm đao trên “đả lôi đài” của các chính trị gia Trung Nam Hải.

 

 

 

Trung Quốc liệu có đánh Đài Loan hay không?.

 

Bằng việc điều phi cơ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan, có thể Trung Quốc đang cùng một lúc mà gửi đi nhiều thông điệp.

 

 

Theo tờ The Epoch Times, vào ngày 3/10 cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan Zhang Yanting đã tuyên bố rằng quyết định này của ĐCSTQ có bốn mục đích: thể hiện sự cứng rắn chống lại Đài Loan trong nội bộ; đáp trả nhóm máy bay tấn công của Hoa Kỳ đang ở các hàng không mẫu hạm Reagan và USS Carl Vinson trên vùng biển gần đó; thiết lập phạm vi ảnh hưởng trên trường quốc tế; thể hiện sự bất mãn khi Đài Loan tham gia vào cộng đồng quốc tế và được nhiều nước đón nhận.

 

 

Đây cũng là hành vi khiêu khích Đài Loan trước ngày quốc khánh 10/10 của nước này.

 

 

Hoặc có thể là Trung Quốc cố tình quấy nhiễu Đài Loan để gây mệt mỏi, tốn kém, khiến đối thủ dần dần lơ là để có thể tập kích bất cứ lúc nào.

 

 

Hoặc có thể hành động này chỉ là để che dấu cho tình cảnh rối bời trên mọi phương diện trong xã hội Trung Quốc hiện nay và nhất là cuộc chiến phe phái đang căng thẳng quyết liệt.

 

 

Trung Quốc có thể đánh Đài Loan để “dằn mặt”, có thể không. Nhưng có lẽ dấn sâu vào việc “thống nhất” Đài Loan không phải là lựa chọn ưu tiên của Bắc Kinh trong thời điểm này. Những hành động gây hấn ở eo biển Đài Loan có thể chỉ là “diện”, còn “điểm” hay chiến trường trọng điểm lại là Trung Nam Hải, là cuộc thống nhất quyền lực đầy rẫy nguy hiểm của Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị 20 vô vàn sóng gió.

 

Nguyên Vũ

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

(Nguồn: ntdvn.com – Nguyên Vũ)