Một  đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả mẫu hạm Liêu Ninh (giữa), trong cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, vào ngày 2/1/2017. (STR / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

 

 

Ngày 3/2, bốn bộ trưởng của Vương quốc Anh và Nhật Bản đã có cuộc gặp trực tuyến để bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng"về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông và cùng phản đối những hành động hiếu chiến và những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực của Trung Quốc.

 

 

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, Ngoại trưởng Dominic Raab và những người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Nobuo Kishi đã thảo luận về kế hoạch triển khai hàm không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

 

 

Sau cuộc họp, bốn bộ trưởng đưa ra Tuyên bố chung và nhất trí rằng Nhật Bản và Vương quốc Anh là “đối tác chiến lược toàn cầu có chung cam kết cơ bản đối với các giá trị cốt lõi của nền tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền và là những đối tác an ninh thân thiết nhất của nhau ở châu Âu và Châu Á tương ứng".

 

 

Họ khẳng định cam kết duy trì an ninh khu vực và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như phản đối “nỗ lực ép buộc những người khác trong khu vực, kể cả bằng các biện pháp kinh tế”.

 

 

Các bộ trưởng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và “phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”, tuyên bố chung cho biết.

 

 

 

 

 

Hàng không mẫu hạm mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth rời bến cảng Portmouth, ở Anh, vào ngày 30/10/2017. (Matt Cardy / Getty Images)

 

 

 

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Wallace cho biết: “Nhật Bản và Vương quốc Anh đã thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, và sẽ đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới trong năm nay khi Đội tàu sân bay tấn công của Hải quân Hoàng gia Anh đến thăm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

 

Ông nói: “Việc triển khai Hải quân Hoàng gia có ý nghĩa quan trọng nhất trong một thế hệ thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc hợp tác với các đối tác của chúng tôi trong khu vực nhằm duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy nền an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng tôi”.

 

 

Ngoại trưởng Vương quốc Anh Raab nói rằng, Nhật Bản là “một đối tác an ninh quan trọng của Vương quốc Anh và là một người bạn thân thiết, lâu dài”. Ông cũng cho biết , chính sách "nghiêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Vương quốc Anh thể hiện “các ưu tiên chung và lợi ích chiến lược chung” của hai nước bao gồm an ninh hàng hải và tự do thương mại.

 

 

Theo Reuters, tuyên bố chung của bốn bộ trưởng "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện nguyên tắc tự kiềm chế và kiềm chế các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng”.

 

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như tất cả các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, nơi họ đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có yêu sách đối với các vùng biển.

 

 

Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một nhóm đảo nhỏ không có người ở do Nhật Bản kiểm soát, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương trong nhiều năm.

 

 

Bốn bộ trưởng cũng bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về tình hình gần đây ở Hồng Kông, đặc biệt là việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với thành phố, cũng như tình hình nhân quyền ở Tân Cương.

(Theo ntdvn.com)