GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Cung ở Washington, DC, vào ngày 7/2/2025

 

Tác giả,Shaimaa Khalil

Vai trò,Phóng viên thường trú tại Tokyo

10 tháng 2 2025

 

 

 

Nếu Nhật Bản cần được trấn an rằng họ vẫn là đồng minh và người bạn hàng đầu của Mỹ trong khu vực Á châu  - Thái Bình Dương ngày càng bất ổn, thì họ không chỉ nhận được điều đó mà còn hơn thế nữa.

 

Nhưng điều đáng chú ý về cuộc gặp giữa Trump và Ishiba tại Tòa Bạch Cung lại là những gì không xảy ra.

 

Không giống như hầu hết các động thái gây tranh cãi trong nước và quốc tế của Trump cho đến thời điểm hiện nay, cuộc gặp này không gây tranh cãi cũng không mang tính đối đầu.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nói với các phóng viên sau cuộc họp hôm thứ Sáu ngày 70/2 rằng, "Trên truyền hình, ông ấy trông rất đáng sợ,"

"Nhưng khi tôi gặp ông ấy, ông ấy rất chân thành, rất mạnh mẽ và có ý chí kiên định.”

 

 

Có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc giữa Washington và Tokyo. Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Mỹ trong năm năm liên tiếp, tạo ra hàng ngàn việc làm. Hiện có 54.000 quân nhân Mỹ đóng quân tại Nhật Bản.

 

Nhưng Tổng thống Donald Trump đã khiến cả bạn lẫn thù phải lo lắng về nhiều vấn đề: từ cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, Canada và Mexico, đến đề xuất "sở hữu" Dải Gaza của Mỹ và các lệnh trừng phạt của ông đối với Tòa án Hình sự Quốc tế.

 

Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda của Nhật Bản, nhận định, "Trump đã đưa ra một số quyết định thất thường đối với các quốc gia từng tin rằng họ là bạn của Mỹ,"

"Ở Tokyo, người ta lo sợ điều tương tự có thể xảy ra: rằng Trump có thể áp đặt thuế quan khổng lồ lên Nhật Bản hoặc khơi mào một xích mích. Nhưng điều đó đã không xảy ra.”

 

 

Những 'buổi học' về ông Trump

Mặc dù Trump không loại trừ khả năng áp thuế đối với Tokyo, nhưng đó không phải là trọng tâm chính của cuộc gặp giữa hai nguyên thủ.

 

Ishiba đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến Washington. Ông ấy đã đi học. Theo đúng nghĩa đen. Ông đã tổ chức các "buổi học" với nhân viên và tham khảo ý kiến từ người tiền nhiệm Fumio Kishida.

 

Ông cũng nhận được sự giúp đỡ từ góa phụ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người có mối quan hệ thân thiết với Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, được xây dựng trên sân golf.

 

Những nỗ lực của Ishiba đã mang lại kết quả.

 

Ngoại trừ việc Trump nhầm công ty thép Nippon Steel thành hãng sản xuất xe hơi "Nissan", cuộc gặp không có nhiều khoảnh khắc gây ngạc nhiên như những lần phát biểu trước đó của tổng thống Mỹ.

 

Thực tế, xét từ góc độ Nhật Bản, cuộc gặp này là một sự trấn an.

 

 

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Nhật Bản đang là nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ trong năm năm liên tiếp

 

 

Cả hai nhà lãnh đạo dường như đạt được sự đồng thuận trong kế hoạch thúc đẩy thương mại và quốc phòng, mở ra "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Mỹ - Nhật.

 

Ishiba tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng đầu tư vào Mỹ lên 1 ngàn tỷ USD, nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.

 

Ông cũng cho biết các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư, trong khi Tokyo sẽ tăng cường nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

 

Điều này hẳn là tin vui đối với Trump, đồng thời cũng củng cố thông điệp "khoan, khai thác, sản xuất" mà ông đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức.

 

Hai bên cũng tìm được tiếng nói chung về vấn đề gây tranh cãi liên quan đến Nippon Steel.

 

Trump cho biết Nippon sẽ "đầu tư mạnh" vào US Steel, công ty thép có trụ sở tại bang Pennsylvania của Mỹ, nhưng sẽ không nắm cổ phần chi phối.

 

Trước đó, thương vụ thâu tóm US Steel của Nippon đã bị Tổng thống Joe Biden chặn lại với lý do an ninh quốc gia.

 

 

Trao đổi đơn giản

 

Nhật Bản đã đạt được đủ những điều họ mong muốn để có thể thở phào nhẹ nhõm - nhưng mục đích chính của chuyến thăm của Ishiba mang tính cá nhân nhiều hơn.

 

Thủ tướng Nhật Bản đang ở vào tình thế chính trị khó khăn trong nước - chính phủ thiểu số của ông gặp nhiều bất ổn sau khi bị sỉ nhục trong cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2024, khi mất đa số ghế cầm quyền.

 

Ishiba rất cần một chiến thắng.

 

Bản thân ông không tạo được nhiều niềm tin rằng ông có thể đối phó với một Trump nổi tiếng khó lường.

 

Ông Hall nhận định, "Trong nhiều tuần, truyền thông địa phương liên tục nhấn mạnh rằng ông sẽ thất bại về mặt ngoại giao - rằng ông vụng về, không phải là người hòa đồng và rằng Trump sẽ 'ăn tươi nuốt sống' ông nếu ông đến Washington."

 

Nhưng ông Ishiba đã rời Washington với một kết quả được cho là thành công.

 

Ông Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, là một chính trị gia kỳ cựu, nổi tiếng với những bài phát biểu dài dòng trong quốc hội. Các chuyên viên quan sát cho rằng những bài phát biểu như vậy khiến một số đối thủ bối rối và làm những người khác thấy nhàm chán.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp "chiến lược đối phó Trump" với nhân viên, lời khuyên lớn nhất mà ông nhận được là: "Kết luận trước. Làm mọi thứ đơn giản."

 

Ông Hall nói, "Ishiba đã tuân theo chiến thuật tâng bốc Trump một cách cá nhân và đưa ra các khoản đầu tư vào Mỹ thay vì đối đầu với ông ấy."

 

 

Hạn chế đối đầu

 

Có nhiều vấn đề mà Mỹ và Nhật Bản có thể bất đồng, đặc biệt là đề xuất của Trump về việc Mỹ kiểm soát Dải Gaza, vốn đã vấp phải sự phản đối dữ dội trên toàn cầu.

 

Nhật Bản đã nhắc lại lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước từ lâu của mình.

 

Ngoại trưởng Takeshi Iwaya tuyên bố vào tuần trước rằng, "Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường."

 

Tokyo cũng đang theo dõi cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc với nhiều lo lắng.

 

Nhưng ông Hall cho rằng Nhật Bản sẽ tránh bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu có thể.

 

Khi nói đến Trung Quốc, Nhật Bản cần duy trì sự cân bằng một cách tinh tế.

 

Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Tokyo. Trung Quốc cũng là một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của các công ty Nhật Bản.

 

Về mặt quốc phòng và ngoại giao, cả Mỹ và Nhật Bản đều đang đối mặt với sự trỗi dậy và quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu.

 

Đặc biệt, quân đội Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái khiêu khích ở vùng biển gần Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

 

Năm 2022, Nhật Bản - một quốc gia có hiến pháp hòa bình - tuyên bố sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quân sự vào năm 2027, viện dẫn các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên, đồng thời cho biết họ sẽ có khả năng tấn công căn cứ đối phương.

 

Những thay đổi này đánh dấu sự chuyển mình lớn nhất trong chiến lược an ninh của Nhật Bản kể từ khi nước này thông qua hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai.

 

Với việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân, Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị, và căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài, Nhật Bản một lần nữa thể hiện mình là người bạn ít gây rắc rối và dễ đoán nhất của Mỹ trong khu vực.

 

Hall nhận định, "Nhật Bản sẽ tránh đối đầu với Trump khi có thể. Họ có lẽ sẽ trở thành một người bạn kiểu 'vâng dạ'".

 

 

(Theo BBC)