Xe hơi chạy trên đường phố ở trung tâm thành phố ở Stockholm, Thụy Điển, Thứ Năm, ngày 12 tháng 10 năm 2023. Thủ đô của Thụy Điển có kế hoạch cấm xe hơi chạy bằng xăng và dầu diesel khỏi các khu vực của Stockholm, dần dần bắt đầu từ một khu thương mại trung tâm thành phố ít kẹt xe, trong một nỗ lực hạn chế ô nhiễm và giảm tiếng ồn mà còn thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật hướng tới nhiều phương tiện chạy điện hơn. (Ảnh AP/Karl Ritter) Nguồn: AAP / Karl Ritter/AP

 

 

THỤY ĐIỂN - Xe hơi chạy xăng và dầu diesel hiện đối mặt với lệnh cấm lưu thông, ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Hội đồng thành phố Stockholm đã vạch ra kế hoạch, cấm các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, khỏi khu thương mại ở trung tâm thành phố từ đầu năm 2025. Mục đích là giảm ô nhiễm nhưng một số chính trị gia đối lập cho rằng, chiến lược này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

 

Hội đồng thành phố Stockholm ở Thụy Điển muốn tạo ra một vùng cấm trong khu vực thương mại trung tâm thành phố, với kế hoạch cấm xe hơi chạy bằng xăng và diesel từ đầu năm 2025.

 

Lệnh cấm sẽ bao gồm một khu vực 20 dãy nhà của thành phố, với mục đích cắt giảm ô nhiễm, giảm tiếng ồn và thúc đẩy việc sử dụng xe hơi điện.

 

Ý tưởng là tạo ra một ‘khu vực môi trường sạch’, nơi chỉ cho phép xe điện lưu thông mà thôi.

 

Sẽ có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như đối với xe cấp cứu và phương tiện vận chuyển cho người khuyết tật.

 

Trong khi đó một Ủy Ban phụ trách vấn đề lưu thông ở Thành Phố Sydney, cũng có kế hoạch cấm bán ra các loại xe hơi chạy xăng hay dầu diesel vào năm 2027, trong một cố gắng nhằm đạt được mức thải ròng bằng không vào năm 2050.

 

Theo dữ liệu mới thì cư dân Sydney không đi đúng hướng, để đạt được mục tiêu có khí thải ròng bằng không, vào năm 2030 hoặc 2050 của tiểu bang.

 

Ủy ban Sydney, một tổ chức tư vấn chính sách đô thị do một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đứng đầu, cho biết cần phải có hành động triệt để để cắt giảm khí thải.

 

Báo cáo có tiêu đề ‘Giảm carbon ở Sydney’ đề nghị tăng nhanh việc sử dụng xe điện và đóng cửa thêm các nhà máy phát điện chạy bằng than.

 

Báo cáo cho biết. ‘Nếu phần lớn xe điện đạt được mục tiêu vào năm 2030, thì 100% doanh số bán xe hơi sẽ phải là xe điện vào năm 2027, dẫn đến có khoảng 850 ngàn xe điện chở khách trên đường vào năm 2030."

 

Kế hoạch đề nghị cũng nêu rõ, không có thiết bị sử dụng khí đốt mới nào vào năm 2030 và không có kết nối khí đốt mới nào từ năm 2035.

 

Được biết Sydney hiện là nơi góp vào 36% tổng lượng khí thải của New South Wales, kế hoạch này được cho là sẽ cắt giảm lượng khí thải của thành phố xuống 43% vào năm 2030 và 80% vào năm 2050.

 

Trở lại thành phố Stockholm của Thụy Điển. Phó Thị trưởng phụ trách về Giao thông và Môi trường Đô thị ở Stockholm, là ông Lars Strömgren, cho biết "Lý do tại sao chúng tôi đang làm điều đó, là để tạo ra chất lượng không khí tốt hơn trong khu vực này".

"Ngoài ra chúng tôi đã tìm thấy một vị trí cho giai đoạn đầu tiên, nơi có rất nhiều người đi bộ và xe đạp".

"Chúng tôi cũng muốn giảm ô nhiễm âm thanh trong lãnh vực này và một lý do khác, là để tạo ra những ưu đãi phù hợp cho các ngành công nghiệp và cho các doanh nghiệp muốn tiếp tục thay đổi này, để có được sân chơi phù hợp cho sự thay đổi liên tục đó".

 

Ông coi lệnh cấm nầy là động lực, để mọi người, khám phá khu vực này của thủ đô Thụy Điển.

Ông nói “Có rất nhiều thành phố trên thế giới nói về chất lượng không khí, cũng như kết hợp với chất lượng đô thị".

"Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc dành thời gian ở trung tâm thành phố và chúng ta cần thu hút họ ở đó, để họ muốn làm điều đó".

"Những gì chúng tôi muốn làm ở đây, là thực hiện loại khu vực không phát thải tiên tiến và tiến bộ nhất, bao gồm xe hơi, xe van và xe vận tải".

 

Thế nhưng một số đối thủ chính trị của ông không bị thuyết phục.

 

Ông Nike Örbrink đến từ Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cho biết.

"Tôi thực sự ủng hộ Stockholm và các thủ đô khác đóng vai trò dẫn đầu trong việc chuyển đổi sang các thành phố xanh hơn, trong khi những chính sách cụ thể này không dẫn đến bất kỳ tác động tích cực nào".

"Nó chỉ gây hại cho các doanh nghiệp địa phương, khi cần nguồn lực của cảnh sát để thực thi lệnh cấm và cũng gây khó khăn hơn cho những người sống trong thành phố, cũng như bên ngoài thành phố không có hoặc không đủ khả năng thay đổi phương tiện”.

 

Còn Báo cáo mới phù hợp với Chiến lược xe điện năm 2021 của Chính phủ New South Wales, hướng tới mục tiêu phát triển đội xe chở khách chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030.

 

Mô hình hóa dữ liệu từ phúc trình cho thấy, đến năm 2050 xe điện có thể tiết kiệm trung bình một gia đình lên tới 1.250 đô-la chi phí nhiên liệu mỗi năm.

 

Ngoài ra việc chuyển sang sử dụng các tấm pin mặt trời cũng có thể tiết kiệm thêm 1 ngàn đô-la mỗi năm cho hóa đơn năng lượng và pin gia đình, có thể giảm các hóa đơn đó thêm 850 đô-la mỗi năm.

 

Báo cáo tiết lộ rằng việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ cũng như các hình thức di chuyển mới hơn, thông qua xe gắn máy điện và taxi điện sẽ là điều cần thiết, để đạt được các mục tiêu năm 2050 của NSW.

 

Trong khi đó người dân sống trong khu vực cuả thủ đô Stockholm của Thụy Điển, có các quan điểm trái chiều.

Một cư dân nói "Những bước nhỏ hướng tới không khí sạch hơn và môi trường tốt hơn là tích cực. Có thể sẽ khó khăn trong năm đầu tiên, nhưng sau đó mọi người sẽ chấp nhận nó".

Một người khác nói "Có lẽ nó nên tốn kém, để lái xe vào trung tâm hoặc một nơi nào khác. Nó sẽ chỉ làm phức tạp mọi thứ, họ cần phải suy nghĩ nhiều hơn về môi trường, tôi nghĩ như vậy".

Và một cư dân khác nói "Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay vì chúng tôi, những người đang sống trong khu phố nghĩ rằng khu vực này hơi ô nhiễm, mặc dù giao thông ở trung tâm này không quá tệ. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một ý tưởng hay, vì chúng ta cần quan tâm đến khí hậu cho thế hệ tương lai, đó là quan điểm của tôi".