Ảnh: Roberto Júnior/ Unsplash.

 

 

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã thâm nhập vào hệ thống tài chính Mỹ bằng những miếng mồi béo bở. Đổi lại, các công ty tài chính Phố Wall cũng tiếp tay cho Trung Quốc bằng cách lèo lái “chính sách Trung Quốc” của Hoa Kỳ.

 

Trong cuốn sách có nhan đề (tạm dịch): “Bàn tay ẩn hình: Phơi bày cách Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình lại Thế giới” (Hidden Hand: Exposing How the Chinese Communist Party is Reshaping the World), hai tác giả Clive Hamilton và Mareike Ohlberg đã cho biết tỉ mỉ cách Bắc Kinh thu hút các tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ và Châu Âu như thế nào.

 

Lời giới thiệu cho cuốn sách có bán trên Amazone, viết rằng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết tâm nắn lại thế giới như trong mường tượng của nó. Đảng đó không quan tâm đến dân chủ. Nó chỉ thấy một cuộc đấu tranh tư tưởng ý thức hệ cay đắng với phương Tây, chia thế giới thành những ai có thể bị đánh bại và những ai có thể là kẻ thù. Nhiều người trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh đã bị dụ dỗ đến tận thâm sâu của họ, còn có những người khác đang cân nhắc một món hời với quỷ dữ…

 

Một đoạn của cuốn sách qua soạn thảo lại được nhật báo Sydney Morning Herald chia sẻ và khơi ngòi thảo luận về việc các công ty Phố Wall đã gây ảnh hưởng đến chính sách Trung Quốc của Washington trong nhiều thập niên, trải qua các năm từ thời Clinton, Bush và Obama, và đặc biệt khiến chính quyền Mỹ phải lùi bước khỏi lập trường cứng rắn hơn chống lại ĐCSTQ. Về bản chất, các tập đoàn tài chính Hoa Kỳ đã được chính quyền Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ nhất ngay tại Hoa Kỳ.

 

Theo các tác giả, những “ông trùm” Phố Wall đã tư vấn cho các công ty Trung Quốc về việc mua các công ty Hoa Kỳ nào, cho vay vốn làm điều gì, và sau đó những người môi giới tài chính đã lấy tiền hoa hồng từ các thương vụ. Nổi tiếng nhất trong số đó là Goldman Sachs, đến năm 2003, tập đoàn này đã trở thành nhà bảo lãnh chính cho các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc.

 

Năm 2006, Henry Paulson từ Giám đốc điều hành (CEO) của Goldman Sachs trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, và lãnh trách nhiệm về chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Viết cho tờ Foreign Policy, nhà báo Paul Blustein chỉ trích ông Paulson vì đã không phản ứng đủ mạnh với việc Trung Quốc thao túng tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, đối xử bất công với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và trộm cắp tài sản trí tuệ, mà theo ý kiến ​​của Blustein, nó đã tạo mầm mống cho chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

 

Hamilton và Ohlberg sau đó đã nói về cách Bắc Kinh thao túng Paulson bằng cách cho phép ông ta tiếp cận nhóm quyền lực của ĐCSTQ để khiến vị cựu CEO sa vào cái bẫy ảo tưởng rằng mình có ảnh hưởng ở Trung Quốc. Sau khi Paulson rời nhiệm sở năm 2009, ông đã thành lập Viện Paulson, nơi dành riêng cho việc “thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Trung nhằm duy trì trật tự toàn cầu”.

 

Một giám đốc điều hành khác của Goldman Sachs có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là John Thornton, người đã nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch ngân hàng năm 2003 và trở thành giám đốc Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Năm 2008, ĐCSTQ đã trao cho ông ta vinh dự cao nhất mà một người nước ngoài có thể nhận được, đó là Giải thưởng Hữu nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 

 

Đối với các tập đoàn tài chính phương Tây muốn làm ăn hiệu quả ở Trung Quốc, họ nhất thiết phải kết nối quan hệ với các gia tộc “vương hầu” ở Trung Quốc, những gia tộc kiểm soát các tập đoàn lớn nhất và thống trị hệ thống lãnh đạo phân cấp của ĐCSTQ. Tuyển dụng con trai, con gái, cháu gái và cháu trai từ những gia tộc này là cách nhanh nhất để tạo ra những kết nối đó.

 

Cuốn sách đề cập đến những người được tuyển dụng là những “ông vua con” trong giới vương hầu Trung Quốc, những người có xuất phát điểm với tấm bằng đại học từ một trong các trường thuộc Ivy League – tập hợp các trường được nể trọng ở Mỹ, trước khi chuyển sang một quỹ phòng hộ hoặc một ngân hàng ở New York hoặc London. Sau đó họ kiếm một tấm bằng MBA và cuối cùng họ gia nhập một công ty Phố Wall.

 

Các tác giả đưa ra ví dụ về JP Morgan, sau cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ năm 2016, đã buộc phải trả 264 triệu USD vì vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act – FCPA), luật liên bang Hoa Kỳ từ năm 1977 nghiêm cấm công dân và thực thể Hoa Kỳ mua chuộc các quan chức chính phủ nước ngoài để có lợi cho lợi ích kinh doanh của họ.

 

JP Morgan đã bị bắt khi tuyển dụng các thành viên gia đình ĐCSTQ theo cái gọi là “Chương trình Con trai và Con gái” của họ, trao hàng tá vị trí công việc ở Hồng Kông, Thượng Hải và New York cho các cậu ấm cô chiêu của giới lãnh đạo ĐCSTQ.

 

Có con cháu làm việc tại các vị trí quan trọng ở các công ty tài chính Mỹ đã cho phép giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng ngay tại trung tâm của các tổ chức quyền lực nhất nước Mỹ.

 

Cuốn sách cũng thảo luận về cách các tổ chức tài chính châu Âu háo hức thuê các “thái tử đảng” của Trung Quốc. Trong những năm 2000, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức đã sử dụng các khoản hối lộ và các hành vi tham nhũng, như tặng quà đắt tiền cho các quan chức, để được tiếp cận với Trung Quốc; Deutsche Bank cũng có một chương trình tuyển dụng con cái của giới thượng lưu của ĐCSTQ.

 

Tại Thụy Sĩ, Credit Suisse đã duy trì một bảng tính riêng để theo dõi các khoản chi tuyển dụng các nhân viên thuộc diện con cháu giới lãnh đạo ĐCSTQ và những người này đã mang về bao nhiêu giao dịch kinh doanh cho công ty, theo các tác giả.

 

Ngân hàng Thụy Sĩ này đã tuyển dụng hơn 100 con trai, con gái và bạn bè của các quan chức chính phủ hàng đầu Trung Quốc. Năm 2018, Credit Suisse đã đồng ý trả 77 triệu USD cho chính quyền Mỹ để tránh bị truy tố vì tội hối lộ.

 

Hai tác giả, Clive Hamilton là giáo sư tại Đại học Charles Sturt ở Canberra; Mareike Ohlberg là nhà phân tích và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc (MERICS) ở Berlin.