Bức ảnh này được chụp vào ngày 28 tháng 9 năm 2017, cho thấy một điện thoại thông minh đang được vận hành trước logo GAFA (viết tắt của các đại gia web Google, Apple, Facebook và Amazon). (Hình ảnh Damien Meyer / AFP / Getty)
Amazon, Apple, Google và Facebook đều đã lạm dụng sức mạnh thị trường của họ, theo một báo cáo luận tội của Quốc hội Hoa Kỳ, khuyến nghị rằng các ông lớn công nghệ lớn này phải cơ cấu lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ, khi mà đằng sau những đế chế khổng lồ này là những góc khuất đáng sợ...
Một báo cáo dài 449 trang đã công bố hôm thứ Ba (ngày 6/10) do tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Hoa Kỳ, thuộc đảng Dân chủ kiểm soát, là một cuộc càn quét lớn nhất đối với quyền lực của những công ty trong ngành công nghệ kể từ những năm 1990.
Trước đó, vào năm 2019, những gã khổng lồ công nghệ phải đối mặt các cuộc điều tra chống độc quyền. Trong đó, 4 công ty công nghệ đa quốc gia, bao gồm Facebook, Google, Amazon, và Apple, bị xem xét kỹ lưỡng và tỉ mỉ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Những gã khổng lồ công nghệ đang lạm dụng sức mạnh thị trường
Báo cáo cho biết: “Bằng cách kiểm soát quyền tiếp cận thị trường, những gã khổng lồ này có thể chọn ra người thắng và người thua trong nền kinh tế của chúng ta. Họ không chỉ sử dụng quyền lực to lớn mà còn lạm dụng nó bằng cách tính phí cắt cổ, áp đặt các điều khoản hợp đồng không công bằng và trích xuất những dữ liệu có giá trị từ những người và doanh nghiệp phụ thuộc vào họ".
Ngoài ra, nhiều bằng chứng đáng chú ý trong quá khứ cho thấy sự thao túng thông tin, sử dụng thông tin internet riêng tư, thực thi chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc... của các công ty này.
Báo cáo đề xuất chấm dứt các hoạt động này bằng cách sửa lại luật chống độc quyền của Hoa Kỳ, chẳng hạn như buộc các công ty phải tái cấu trúc để họ không thể sử dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực này để gây hại cho các đối thủ ở lĩnh vực khác, các ngành nghề kinh doanh nên được tách ra và quản lý riêng...
Các thành viên đảng Cộng hòa trong tiểu ban cũng ủng hộ một số đề xuất của báo cáo nhằm tăng cường việc thực thi chống độc quyền.
Các thành viên đảng Dân chủ trong ủy ban đã dành 16 tháng để tổng hợp các phát hiện của họ, phỏng vấn 250 người và nghiên cứu hơn 1,3 triệu tài liệu trong quá trình này.
Facebook - 'một sự thông đồng' với Trung Quốc và trong phạm vi độc quyền nội bộ
Báo cáo mới nhất của Hạ viện kết luận rằng mỗi công ty trong số bốn công ty công nghệ lớn nhất đã ngăn cản sự cạnh tranh một cách không lành mạnh theo những chiêu thuật khác nhau. Họ cho biết Facebook đã “duy trì sự độc quyền của mình thông qua một loạt các hoạt động chống cạnh tranh”, bao gồm cả việc mua lại các đối thủ tiềm năng và đưa ra các chính sách nhằm tạo lợi thế cho các dịch vụ của chính mình trong khi bóp nghẹt các công ty khác.
Họ còn phát hiện ra rằng sau khi công ty thâu tóm Instagram vào năm 2012, công ty hợp nhất này sau đó đã trở nên lớn đến mức cuối cùng những đối thủ khác trên thị trường không đủ sức cạnh tranh với họ. Theo nguồn tin tiết lộ về một bài báo nghiên cứu nội bộ, được đặt tên là Bản ghi nhớ Cunningham, tư vấn cho Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành Facebook vào tháng 10 năm 2018, về cách công ty có thể tiếp tục phát triển cả Facebook và Instagram mà không một đối thủ có thể chạm đến “điểm đến hạn” - điểm mà tại đó họ sẽ chiếm hết tất cả người dùng của những công ty đối thủ.
Một giám đốc điều hành cấp cao của Instagram đã mô tả cách tiếp cận này là “một sự thông đồng, nhưng trong phạm vi độc quyền nội bộ”.
Nắm trong tay quyền lực lớn mạnh. Facebook đã trở thành thế lực “bắt chẹt” người dùng mạng phải thay đổi ảnh biểu thị ủng hộ người da đen (sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd). Nói cách khác, cứ mở mạng ra là bạn sẽ nhìn thấy những thông điệp bất tận về đấu tranh chủng tộc, bãi bỏ lực lượng cảnh sát…
Các mạng Snapchat, Instagramhay Twitter đã “tích" dữ liệu cá nhân của bất kỳ ai mỗi khi nhấn nút like, chia sẻ, tìm kiếm, mua sắm hoặc đăng ảnh. Google cũng đang phân tích hồ sơ thẻ tín dụng của hàng triệu người.
Có bao giờ bạn hỏi vì sao Facebook, Instagram hay Twitter lại miễn phí? Đơn giản, bạn đang trả tiền cho họ bằng cách cung cấp miễn phí thông tin cá nhân của mình.
Một cuộc điều tra của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện do ông Michael McCaul đứng đầu tuyên bố kết luận: “Facebook đã cho phép một số cơ quan tuyên truyền, do ĐCSTQ kiểm soát, được tự do đăng thông tin sai lệch, có khả năng tiếp cận hàng triệu người Mỹ. Trong đó bao gồm China Daily, Tân Hoa Xã và CGTN (Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc), tất cả đều là những kênh tuyên truyền do ĐCSTQ tài trợ”.
Google thao túng công cụ tìm kiếm của mình, theo dõi việc sử dụng internet riêng tư
Báo cáo tiếp tục cáo buộc Google sử dụng một số dịch vụ của mình để quảng cáo cho các dịch vụ khác. Ví dụ: công ty yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng phần mềm điều hành Android của Google phải cài đặt trình duyệt web Chrome làm chuẩn. Đến lượt mình, Chrome sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định của nó.
Khi bạn muốn tìm kiếm thông tin nào đó, bạn vào Google. Khi bạn muốn có một trình duyệt tốt, chỉ cần tải Chrome. Bạn check email trên Gmail, xem video trên YouTube, tự viết bài quảng cáo trên Blogger và dùng hệ điều hành Android. Mọi thứ đều miễn phí. Khi ấy cuộc sống bạn đã lệ thuộc hoàn toàn vào các ông lớn Big Tech, và Google là một trong những đại gia khủng nhất trong thế giới mạng.
Google kiểm duyệt gần như tất cả các bản tin từ Google News và có quyền lực tuyệt đối về khả năng hiển thị các câu chuyện truyền thông giả mạo thống trị sự chú ý của công chúng. Google “tình cờ” giới hạn kết quả tìm kiếm ở những trang chủ yếu phù hợp với các câu chuyện toàn cầu hoá - nơi mà tiền bạc, quyền lực đi kèm với sự độc quyền.
Google đã lén lút thu thập thông tin về những gì mọi người đã xem trực tuyến và các trình duyệt web mà họ đã vào mặc dù họ đã sử dụng chế độ nặc danh (incognito). (Ảnh minh họa: Pixabay)
Theo báo cáo mới nhất của Hạ viện, chỉ ra cách Google thao túng công cụ tìm kiếm của mình để đẩy lên các sản phẩm của chính mình, chẳng hạn như dịch vụ mua sắm, khi những dịch vụ đó thường không được xếp hạng cao trên tìm kiếm của Google. Bài báo cáo đã trích dẫn lời một nhân viên của công ty nói về dịch vụ mua sắm của mình rằng: "Chúng tôi có lẽ phải cung cấp nhiều biện pháp xử lý đặc biệt cho dịch vụ này để nó tìm kiếm, tổng hợp và xếp hạng tốt hơn".
Vào tháng 6/2020, Google đã xóa hàng triệu đánh giá tiêu cực về TikTok - ứng dụng bị Tổng thống Trump chính thức cấm ở Hoa Kỳ - khỏi cửa hàng Play của mình sau khi xếp hạng của ứng dụng này giảm từ 4,5 xuống 1,2 sao chỉ sau một đêm.
Sau khi TikTok bị giảm xếp hạng do phản ứng dữ dội của người dùng về video giả mạo của một người dùng, Google đã thực hiện “hành động khắc phục” bằng cách xóa hơn 5 triệu đánh giá tiêu cực một sao, nhưng vẫn giữ lại các đánh giá tích cực.
Ngoài ra, vào ngày 02/6/2020, Google đã bị kiện trong một vụ kiện tập thể cáo buộc công ty tìm kiếm internet này đã xâm phạm bất hợp pháp quyền riêng tư của hàng triệu người dùng bằng cách theo dõi việc sử dụng internet của họ thông qua các trình duyệt được đặt ở chế độ ‘riêng tư’.
Vụ kiện đòi bồi thường ít nhất 5 tỷ USD, cáo buộc Alphabet Inc, công ty mẹ của Google, đã lén lút thu thập thông tin về những gì mọi người đã xem trực tuyến và các trình duyệt web mà họ đã vào, mặc dù họ sử dụng chế độ ẩn danh của Google.
Theo đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang ở San Jose, California, Google đã thu thập dữ liệu thông qua Google Analytics, Google Ad Manager và các ứng dụng, plugin trang web khác, bao gồm cả ứng dụng trên điện thoại thông minh, bất kể người dùng có nhấp vào quảng cáo được Google hỗ trợ hay không.
Google đã từng phát triển công cụ tìm kiếm mới có tên Dragonfly - một dự án gây tranh cãi liên quan đến việc loại bỏ tất cả những lời chỉ trích ĐCSTQ trên Google. Google đã từng phát triển công cụ tìm kiếm mới có tên Dragonfly - một dự án gây tranh cãi liên quan đến việc loại bỏ tất cả những lời chỉ trích ĐCSTQ trên Google.
Apple thực thi chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc và sử dụng App Store của mình để thu lợi cho các ứng dụng
Vào ngày 18 tháng 10 năm 2019, một nhóm các nhà lập pháp của lưỡng đảng đã chỉ trích Apple khi quyết định kiểm duyệt phong trào dân chủ Hong Kong để duy trì lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.
Apple đã gỡ ứng dụng bản đồ dành cho người biểu tình ở Hong Kong trên App Store. Việc này xảy ra một ngày sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích Apple hỗ trợ người biểu tình Hong Kong khi phê duyệt ứng dụng đó. Họ cảnh báo rằng triển vọng kinh doanh của Apple đang gặp nguy hiểm.
Trích dẫn dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Great Fire, họ nói rằng công ty này cũng đã kiểm duyệt hơn 2.200 ứng dụng tại Trung Quốc. Trong số đó có các ứng dụng mạng riêng ảo (VPN) được sử dụng để truy cập tường lửa của Trung Quốc và các ứng dụng cho các nhóm bị áp bức như người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng.
Đèn lồng treo bên ngoài một cửa hàng Apple trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 2 năm 2016. (Greg Baker / AFP / Getty Images)
Theo báo cáo mới nhất, các nhà phát triển đã nói với tiểu ban rằng nhà sản xuất iPhone sử dụng App Store của mình để thu lợi cho các ứng dụng của chính họ và cản trở những ứng dụng của các công ty đối thủ. Trong một tuyên bố, David Cicilline, người đứng đầu tiểu ban và Jerrold Nadler, Chủ tịch đảng Dân chủ của ủy ban tư pháp Hạ viện, cho biết bằng chứng này “cho thấy nhu cầu bức thiết về một hành động và cải cách lập pháp”.
“Các công ty này có quá nhiều quyền lực, và quyền lực đó phải được kiềm chế và chịu sự giám sát và thực thi thích hợp. Nền kinh tế và nền dân chủ của chúng ta đang bị đe dọa”, báo cáo bổ sung của Kadhim Shubber ở Washington cho biết.
Hội chứng sợ Amazon
Trong một số trường hợp, mối đe dọa cạnh tranh với Amazon có thể đẩy các công ty khởi nghiệp ra khỏi một số ngành nhất định.
Một nhà đầu tư mạo hiểm giấu tên trên thị trường đã nói với các nhà lập pháp rằng: “Tôi coi Amazon như mặt trời. Nó hữu ích nhưng cũng nguy hiểm. Nếu bạn đến quá gần, bạn sẽ bị thiêu hủy. Vì vậy, bạn phải ở đủ xa Amazon và làm điều gì đó mà họ sẽ không làm. Miễn là Amazon không muốn tham gia vào miếng bánh chung. Nhưng thật khó để đoán được Amazon muốn tham gia vào lĩnh vực nào. Nếu họ chỉ dừng chân ở lĩnh vực bán lẻ và máy tính, thì bạn vẫn an toàn. Nhưng bạn không thể biết".
Các nhà lập pháp cũng tìm thấy bằng chứng trực tiếp cho thấy Amazon coi Zappos và Quidsi là “các mối đe dọa cạnh tranh trước khi mua lại chúng”, trích dẫn từ các tài liệu được nhân viên tiểu ban xem xét.
Trước khi Amazon mua lại Zappos vào năm 2009, họ đã gọi nhà bán lẻ giày trực tuyến này là một trong những “đối thủ cạnh tranh chính” của trang web thời trang Endless.com hiện đã không còn tồn tại của Amazon. Tương tự, Amazon đã tìm cách mua lại Quidsi vào năm 2010 sau khi họ tham gia vào một “cuộc chiến giá khốc liệt” nhằm làm suy yếu công ty con Diapers.com, vốn là đối thủ của Amazon.
Amazon tùy ý sử dụng dữ liệu của bên thứ ba
Thị trường bên thứ ba của Amazon, bao gồm hàng triệu người bán, đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Amazon. Thị trường hiện chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán hàng của Amazon. Nó đã trở thành tâm điểm của các nhà điều tra chống độc quyền ở Hoa Kỳ và nước ngoài, với cáo buộc Amazon sử dụng sức mạnh của mình để siết chặt các thương gia bán hàng trên nền tảng của mình.
Công ty Amazon (Ảnh Getty)
Các nhà lập pháp kết luận rằng vai trò kép của Amazon là bán sản phẩm trên trang web của chính mình và điều hành thị trường cho người bán bên thứ ba “tạo ra xung đột lợi ích cố hữu” để khuyến khích Amazon khai thác quyền truy cập vào dữ liệu và thông tin của người bán cạnh tranh. Họ lưu ý rằng Amazon công khai mô tả những người bán này là "đối tác", nhưng "đằng sau cánh cửa đóng kín, công ty gọi họ là những đối thủ cạnh tranh nội bộ".
Đảng Dân chủ kết luận rằng Amazon sử dụng “chiến lược định giá bẫy để tăng doanh số bán các thiết bị gia đình thông minh bằng cách định giá sản phẩm của mình dưới giá thành”.
Tiểu ban Tư pháp Hạ viện về chống độc quyền đã công bố một báo cáo vào thứ Ba (ngày 6/10) cho biết sự thống trị mảng bán lẻ trực tuyến của Amazon mang lại quyền lực độc quyền đối với người bán thuộc bên thứ ba trên thị trường của mình.
Các nhà lập pháp cũng ước tính Amazon kiểm soát khoảng 50% hoặc hơn thị trường bán lẻ trực tuyến của Hoa Kỳ, cao hơn ước tính của bên nghiên cứu eMarketer là 38%.
Amazon cũng điều hành hơn 150 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, trung tâm phân loại và trạm giao hàng, cùng với một mạng lưới rộng lớn gồm máy bay, xe tải và tài xế giao hàng theo hợp đồng. Sự kết hợp này đã cho phép Amazon vận chuyển ngày càng nhiều sản phẩm, sánh ngang với UPS và FedEx, đồng thời là một trong những rào cản gia nhập đối với các đối thủ cạnh tranh.
Họ cho biết “chi phí lớn” liên quan đến việc xây dựng một mạng lưới hậu cần có quy mô tương đương với những gì Amazon đã xây dựng khiến “một đối thủ cạnh tranh với Amazon là khó xảy ra”.
Trên Amazon, báo cáo cho thấy rằng những người bán sử dụng thị trường của Amazon cảm thấy không thể phản đối về phí và chính sách của công ty vì họ quá phụ thuộc vào các dịch vụ của công ty và cáo buộc rằng công ty thường xuyên sử dụng dữ liệu của bên thứ ba để giúp cải thiện và bán sản phẩm của chính mình.
Có một quy tắc, nhưng không ai thực thi hoặc kiểm tra tại chỗ. Họ chỉ nói rằng, đừng tùy ý sử dụng dữ liệu, nhưng nó chỉ là “một cái nháy mắt”.
(Theo ntdvn.com)