Người dân xem bản tin về vụ thử hỏa tiễn của Bắc Hàn, tại một nhà ga ở Seoul (Hán Thành), Nam Hàn, ngày 22/7/2023. (Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP qua Getty Images)

 

 

BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN - Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik cảnh báo Bắc Hàn về viễn cảnh bị hủy diệt nếu nước này thực hiện các hành động “liều lĩnh".

 

Bộ trưởng Quốc phòng nam Hàn, Shin Won-sik, đưa ra cảnh báo này trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này hôm 13/12.

 

Bộ trưởng Shin Won-sik nói: “Bắc Hàn chỉ có hai lựa chọn - hòa bình hoặc hủy diệt. Nếu Bắc Hàn thực hiện những hành động liều lĩnh gây tổn hại đến hòa bình, thì viễn cảnh bị hủy diệt đang chờ đợi họ”, theo Yonhap.

 

Theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn, cuộc họp hôm 13/12 đã thảo luận về các nỗ lực phòng thủ, trong đó có việc triển khai thêm vệ tinh và mở rộng hợp tác an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm chống lại các mối đe dọa từ Bắc Hàn.

 

Bên cạnh đó, quan chức quân đội nước này cũng đã thảo luận về nỗ lực tăng cường hệ thống răn đe, ra mắt bộ chỉ huy chiến lược vào năm tới để thiết lập hệ thống hoạt động hạt nhân chung giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ.

 

Tuần trước, ông Shin đến thăm bộ chỉ huy hỏa tiễn nước này. Ông Shin nói rằng bộ chỉ huy hỏa tiễn sẽ có nhiệm vụ "tấn công chí mạng vào kẻ thù" trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

 

Trong khi đó, ông Kim Myung-soo - tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng sẽ chủ trì một cuộc họp gồm các sĩ quan quân sự hàng đầu của Hàn Quốc để đánh giá các mối đe dọa quân sự của Bắc Hàn.

 

Cảnh báo của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nam Hàn được đưa ra trong bối cảnh Bắc Hàn tuyên bố tháng trước sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo hiệp ước liên Triều.

 

 

Một người đàn ông xem màn hình tin tức truyền hình chiếu hình ảnh vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 gần đây của Bắc Hàn, tại một nhà ga đường sắt ở Seoul (Hán Thành) vào ngày 17/3/2023. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images)

 

 

 

Động thái bất thường của Bắc Hàn

 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, kể từ khi hủy bỏ hiệp định, Bắc Hàn đã bắt đầu xây dựng lại các trạm gác và triển khai vũ khí hạng nặng trong khu phi quân sự (DMZ).

 

Ngày 1/12, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kêu gọi quân đội sẵn sàng đáp trả bất kỳ "hành động khiêu khích" nào của kẻ thù, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới dọc biên giới với Nam Hàn.

 

Hôm 3/12, Bắc Hàn cảnh báo xung đột vũ trang trên bán đảo này chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo đó, KCNA dẫn lời quan chức quân sự Bắc Hàn đổ lỗi cho Nam Hàn về việc hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều. Bình Nhưỡng cũng cho rằng, “hành động thù địch” của Seoul sẽ dẫn đến “sự hủy diệt hoàn toàn” trên toàn bán đảo Triều Tiên.

 

Trong bài viết về việc thỏa thuận quân sự liên Triều trở nên vô hiệu và hai bên đã tăng cường hoạt động quân sự dọc biên giới, báo Hankyoreh (Nam Hàn) bình luận: "Nếu không có vùng đệm, cuộc khẩu chiến giữa Bắc Hàn và Nam Hàn có thể leo thang thành một cuộc chiến thực sự".

 

Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng kể từ khi Bắc Hàn phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Malligyong-1 (Kính Vạn Lý số 1) vào hôm 21/11. Bắc Hàn nói vệ tinh này được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Nam Hàn.

 

 

Người dân đi bộ ngang qua màn hình chiếu bản tin về vụ phóng vệ tinh trinh sát 'Malligyong-1' của Bắc Hàn, tại quận Akihabara, Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/11/2023. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP qua Getty Images)

 

 

Mỹ và các đồng minh đã lên án mạnh mẽ vụ việc, coi động thái này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

 

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha (Hàn Quốc), đánh giá các rủi ro có thể gia tăng khi thỏa thuận bị hủy.

Ông giải thích "Nếu không có thỏa thuận, Bắc Hàn có thể ít kiềm chế hơn trong việc triển khai vũ khí và tiến hành các hoạt động gần khu phi quân sự (DMZ), và điều này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm cũng như leo thang xung đột trên bán đảo Triều Tiên".

 

(Theo ntdvn.net)