Mười một người Việt Nam dùng thuyền đi đến Úc đang bị tạm giữ tại Đông Timor. Nguồn: Screenshot
Tám người đàn ông và ba phụ nữ Việt, đi theo là hai thuyền viên người Indonesia, bị phát hiện trên đảo Jaco ở mũi phía đông của Đông Timor.
-Mười một người Việt và hai thuyền viên Indonesia đã dừng chân tại Đông Timor do thuyền của họ gặp trục trặc trên biển
-Những người Việt này đang tìm cách đến Úc và làm việc trong các nông trại ở Darwin
-Họ đang được cách ly tại Đông Timor và có thể sẽ bị gửi trả về nguyên quán sau đó
Họ dừng lại ở hòn đảo này để xin hỗ trợ và tiếp tế sau khi thuyền của họ gặp nạn trên biển.
Tiến sĩ Aurelio Guterres, điều phối viên biệt đội ứng phó khẩn cấp COVID-19 của Đông Timor, nói với tờ Sydney Morning Herald rằng những kẻ buôn người đã hứa cung cấp việc làm tại các trang trại Úc cho những người Việt này.
Ông nói “Điểm đến của họ là Darwin. Họ muốn làm việc trong nông trại,”
“Mỗi người trong số họ đã trả $US22,000 – đó là một số tiền lớn”.
Theo chính sách bảo vệ biên giới nghiêm ngặt dưới thời các chính phủ Abbott, Turnbull và Morrison, nỗ lực của những kẻ buôn người nhằm đưa các thuyền nhân đến Úc gần như đã chấm dứt hoàn toàn.
Một chiếc thuyền tầm trú đã phải quay đầu vào tháng 1/2020, và bốn chiếc thuyền khác đã bị ngăn chặn hoặc trả về nước trong năm 2019.
Một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ cho biết: “Đây là một lời cảnh báo mạnh mẽ rằng mối đe doạ từ những kẻ buôn người vẫn còn đó, và chúng ta phải đề cao cảnh giác... Trong Chiến dịch Bảo vệ Chủ quyền Biên giới (OSB), hơn 80 kế hoạch buôn người đã bị ngăn chặn bởi Úc và các đối tác trong khu vực .”
Một nhóm người bị chặn lại bởi các quan chức Đông Timor và được xét nghiệm Covid-19. Nguồn: Vietnamese
Ông Rui Maria de Araujo, cựu thủ tướng Đông Timor và hiện là phát ngôn nhân của biệt đội ứng phó với coronavirus, cho biết 13 người nói trên đã đến đảo Jaco vào ngày 12/6 và được xét nghiệm virus, sau đó đưa đi cách ly ngay lập tức.
Sự xuất hiện của chiếc thuyền này, theo ông, đã gây rủi ro nghiêm trọng cho nỗ lực của Đông Timor nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Ông nói. “Họ bắt đầu hành trình từ Kendari, thủ phủ của Sulawesi Tenggara. Họ khởi hành 10 ngày trước,”
“Họ gây ra rủi ro khá lớn. Hiện tại chúng tôi không có ca nhiễm nào và không có bằng chứng về sự lây nhiễm cộng đồng”.
Tiến sĩ Araujo cho biết giới chức Đông Timor đang làm việc với đại sứ quán Indonesia và Việt Nam, và nhiều khả năng là 13 người này sẽ bị trục xuất về nguyên quán sau khi thời gian cách ly kết thúc.
Đông Timor gần như đã đóng cửa mọi biên giới, và chỉ mở cửa biên giới đường bộ với Indonesia mỗi tuần một lần để trao đổi hàng hoá.
Nước này đang tập trung đối phó với khả năng bùng phát dịch COVID-19 đợt hai, và tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn đến ngày 27/6.