Một ví dụ được nhóm nghiên cứu thực hiện cho thấy lớp da có thể phát hiện một quả bóng căng mềm mại, hay một quả bóng nhựa rắn thì cứng - Ảnh: REUTERS
Với lớp 'da điện tử' có khả năng cảm giác được các đụng chạm, nhóm nghiên cứu hi vọng giúp những người xài tay chân giả có thể nhận biết được vật thể, các bề mặt, thậm chí nhiệt độ và đau đớn.
Lớp da, được đặt tên là ACES, hay Asynchronous Coded Electronic Skin, được làm từ 100 cảm biến nhỏ và có kích thước khoảng 1cm2.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết ACES có thể xử lý thông tin nhanh hơn hệ thần kinh của con người, nhận biết được 20-30 kết cấu khác nhau và đọc các chữ cái chữ nổi (chữ Braille) với độ chính xác hơn 90%.
"Con người cần phải miết ngón tay để cảm nhận kết cấu, nhưng lớp da nhân tạo này có thể làm được điều đó chỉ với một cú chạm duy nhất, phát hiện ra các bề mặt khác nhau dựa trên sự thô ráp của từng vật liệu", Benjamin Tee - Giáo sư Trợ lý Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu tại Đại học NUS, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, giải thích rằng thuật toán AI cho phép lớp da nhanh chóng học hỏi.
Một ví dụ được nhóm nghiên cứu thực hiện cho thấy lớp da có thể phát hiện một quả bóng căng mềm mại, hay một quả bóng nhựa rắn thì cứng.
Tee nói "Khi mất khả năng cảm nhận sự đụng chạm, bạn trở nên tê liệt. Đó là vấn đề mà những người dùng chân tay giả phải đối mặt".
ông nói thêm "Lớp da nhân tạo cho phép họ nắm lấy bàn tay một ai đó, cảm nhận hơi ấm và sự mềm mại, hoặc lực nắm chặt đến mức độ nào".
Điều thú vị là lớp da này được Tee cùng các đồng sự chế tạo ra dựa vào một cảnh trong bộ phim "Star Wars", trong đó nhân vật Luke Skywalker mất đi bàn tay phải và được thay thế bằng cánh tay robot có khả năng cảm nhận sự đụng chạm.
Công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm nhưng nhận được sự quan tâm lớn của ngành y, nhà nghiên cứu Benjamin Tee khẳng định.
Trước đó, Tee và nhóm của ông cũng từng nghiên cứu chế tạo ra lớp da trong suốt có thể tự chữa lành khi bị xé rách và một vật liệu phát sáng cho các thiết bị điện tử đeo trên người.