Thủ tướng Rishi Sunak tổ chức một cuộc họp báo ở phố Downing, thủ đô London, để đáp lại phán quyết của Tòa án tối cao rằng chính sách tị nạn của Rwanda là bất hợp pháp. Ảnh: Leon Neal / AAP
ANH QUỐC - Trong một quyết định mang tính lịch sử, Tòa án Tối cao Anh phán quyết rằng kế hoạch của chính phủ, nhằm gửi một số di dân đến Rwanda là bất hợp pháp, với lý do họ có nguy cơ bị trục xuất và khả năng bị đối xử tệ bạc. Quyết định này là một đòn mạnh giáng vào chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak, vốn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nầy bất chấp phán quyết của Tòa án.
Tòa án Tối cao Anh quốc đã phán quyết rằng, kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ nhằm đưa một số người di cư đi một chiều đến Rwanda là bất hợp pháp.
Phán quyết nầy giáng một đòn mạnh vào chính sách quan trọng của chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak, đã thu hút sự chú ý và chỉ trích của quốc tế.
Lord Reed là Chủ tịch Tòa án Tối cao của Vương quốc Anh.
Ông giải thích quyết định của Tòa án dựa trên nguy cơ bị trục xuất, đó là sự trở lại cưỡng bức của người tị nạn hoặc người xin tị nạn đến một quốc gia, nơi họ có thể bị đàn áp.
Lord Reed nói "Như tôi đã giải thích, việc kiểm tra tính chất pháp lý phải được áp dụng trong trường hợp nầy, là liệu có căn bản đáng kể để tin rằng, những người xin tị nạn được gửi đến Rwanda, sẽ có nguy cơ bị trục xuất thực sự hay không".
"Dựa trên những chứng cứ mà tôi đã tóm tắt, Tòa án cấp phúc thẩm kết luận rằng đã có những căn cứ như vậy".
"Chúng tôi đồng ý với quan điểm rằng, họ có quyền đi đến kết luận đó vì sau khi xem xét các bằng chứng, chúng tôi đồng ý với kết luận của họ".
Được biết có 5 thẩm phán tại tòa án tối cao của đất nước cho biết, những người xin tị nạn ‘có nguy cơ thực sự bị ngược đãi’, vì họ có thể bị gửi trở về nước một khi họ ở Rwanda.
Lord Reed nói "Chúng tôi chấp nhận kiến nghị của Bộ trưởng Nội vụ rằng, chính phủ Rwanda đã tham gia vào thỏa thuận một cách thiện chí và năng lực của hệ thống di dời sang Rwanda, để đưa ra các quyết định chính xác và công bằng".
"Tuy nhiên khi xem xét liệu có cơ sở đáng kể nào để tin rằng, nguy cơ thực sự của việc từ chối tồn tại vào thời điểm thích hợp hay không, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng có".
"Những thay đổi cần thiết để loại bỏ nguy cơ từ chối có thể được thực hiện trong tương lai, nhưng chúng chưa được chứng minh là có hiệu lực ngay bây giờ và do đó, kháng cáo của Bộ trưởng Nội vụ bị bác bỏ".
Được biết Anh quốc và Rwanda đã ký một thỏa thuận vào tháng Tư năm 2022, để đưa một số di dân nhập cư bất hợp pháp đến Anh trên các tàu chở hàng hoặc trên những con thuyền mong manh, sẽ được đưa đến quốc gia Đông Phi này, nơi đơn xin tị nạn của họ sẽ được cứu xét.
Nếu đơn xin tị nạn của họ được tìm thấy là chấp thuận, họ sẽ được cấp tị nạn ở Rwanda, vốn là nơi vào năm 1994 một cuộc diệt chủng đã diễn ra trong đó từ 500 ngàn đến 800 ngàn người bị giết trong 100 ngày, trong một cuộc xung đột giữa các sắc tộc Hutu và Tutsi.
Đây là lời của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, khi ông nói rằng ông tôn trọng quyết định của Tòa án, nhưng sẽ không rút lại kế hoạch.
Ông nói "Hôm nay Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng, chính sách đưa di dân sang Rwanda đòi hỏi một loạt các thay đổi để hợp pháp".
"Tôi không đồng ý với quyết định này nhưng tôi tôn trọng nó và chấp nhận nó, vì pháp quyền là nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta và chúng tôi đã chuẩn bị cho các kết quả của trường hợp này".
"Vì vậy chúng tôi đã làm việc trên một hiệp ước quốc tế mới, với Rwanda và điều này sẽ cung cấp một sự bảo đảm trong luật pháp rằng, những người được di dời từ Vương quốc Anh đến Rwanda sẽ được bảo vệ chống lại việc trục xuất khỏi Rwanda, cũng như sẽ làm rõ rằng chúng tôi sẽ đưa bất cứ ai trở lại nếu có lệnh của tòa án”.
Được biết phán quyết này là một đòn chí mạng, trước cuộc bầu cử dự trù diễn ra vào năm tới, vốn là trọng tâm trong chính sách nhập cư của ông Sunak.
Không nản lòng, ông tuyên bố chính phủ của ông sẽ thông qua luật khẩn cấp để ngăn chặn những thách thức pháp lý đối với việc trục xuất về Rwanda, một khi hiệp ước mới được đưa ra.
Thủ tướng Rishi Sunak nói "Chúng tôi sẽ thực hiện bước đặc biệt, là đưa ra luật khẩn cấp và điều này sẽ cho phép Quốc hội xác nhận rằng, với hiệp ước mới của chúng tôi, việc di dân sang Rwanda là an toàn".
"Nó sẽ bảo đảm rằng mọi người không thể trì hoãn thêm các chuyến bay, bằng cách đưa ra những thách thức mang tính hệ thống tại các tòa án nội địa và ngăn chặn liên tục chính sách của chúng tôi".
Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Anh, James Cleverly, nói rằng quyết định của Tòa án dựa trên thông tin lỗi thời.
Ông nói "Tòa án Tối cao đã giữ nguyên phán quyết của Tòa phúc thẩm, có nghĩa là chúng tôi chưa thể di dời di dân đến Rwanda một cách hợp pháp".
"Điều quan trọng cần lưu ý là, phán quyết của tòa án hôm nay được đưa ra trên cơ sở các sự kiện từ 15 tháng trước".
"Tất nhiên Chính phủ hoàn toàn tôn trọng Tòa án Tối cao, nhưng phán quyết nầy không làm suy yếu quyết tâm của chúng tôi để ngăn chặn mọi người thực hiện những chuyến đi bất hợp pháp, nguy hiểm và không cần thiết này".
"Đây là một phán quyết dài dòng, mà bây giờ chúng ta cần phải thẩm thấu và suy ngẫm".
Ông cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục con đường làm giảm số lượng thuyền bè qua eo biển Manche.
Ông nói "Chúng tôi quyết tâm duy trì các tác động răn đe của kế hoạch đưa di dân sang Rwanda, vì chỉ ở một mức độ nào đó, nó đã chứng minh tính cách hữu ích, bởi thực tế là chúng tôi biết chuyện và tôi sẽ không giải thích quá mức những con số nầy".
"Chúng tôi biết nỗi sợ hãi như một phần phương sách của chúng tôi đã có tác dụng răn đe, đó chính xác là mục tiêu được thiết kế ra".
"Chúng tôi vẫn không ngừng tập trung vào việc bảo đảm rằng, vẫn tiếp tục đẩy lùi những chiếc thuyền nhỏ nầy bằng mọi khả năng của chúng tôi".
Theo thống kê Numbeo cho biết, Rwanda ngày nay có tỷ lệ tội phạm khá thấp, với chỉ số tội phạm tổng thể là 23,8 trên 100.
Điều này làm cho quốc gia Rwanda trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất ở châu Phi và là một trong những quốc gia hòa bình nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Úc có điểm chỉ số tội phạm là 49,37 và Anh quốc là 52,07.