ẤN ĐỘ - Trạm đổ bộ Vikram của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt Trăng lúc 12h34’ ngày 23/8 (theo giờ GMT).

 

Theo Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (IRSO), Trạm đổ bộ Vikram của phi thuyền vũ trụ Chandrayaan-3 đã bắt đầu quá trình hạ cánh vào lúc 12h15 (GMT) và sau đó tiến hành giảm dần độ cao để hạ cánh nhẹ nhàng xuống vùng gần cực nam của Mặt Trăng.

 

Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 đã bắt đầu quá trình hạ cánh vào lúc 12h15' ngày 23/8 (giờ GMT). Ảnh: IRSO

 

 

Thành công của tàu Chandrayaan-3 đã giúp Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, chỉ sau các nước Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.

 

Thành công này cũng là dấu mốc cho sự nổi lên của Ấn Độ trong vai trò trở thành một cường quốc vũ trụ mới. Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tìm cách để thúc đẩy đầu tư vào các vụ phóng vũ trụ tư nhân và những hoạt động kinh doanh liên quan đến vệ tinh.

 

Khoảnh khắc nhiều người dân Ấn Độ chờ đợi cú đáp lịch sử của Trạm đổ bộ Vikram xuống bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: News9

 

Sứ mệnh Chandrayaan-3 còn đánh dấu nỗ lực thứ hai của Ấn Độ để hoàn thành cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt Trăng. Trước đó, vào năm 2019, Ấn Độ triển khai nhiệm vụ Chandrayaan-2 để thử sức đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng nhưng bị thất bại. Chandrayaan-2 bị phá hủy khi đâm xuống Mặt Trăng ở nơi gần với vị trí hạ cánh dự kiến của tàu Chandrayaan-3.

 

Thủ tướng Ấn Độ theo dõi cuộc đổ bộ của tàu Chandrayaan-3 từ Nam Phi, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ảnh: Cắt từ video của IRSO

 

 

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân viên của IRSO vỗ tay ăn mừng khi chứng kiến tàu Chandrayaan-3 đáp thành công xuống Mặt Trăng. Ảnh: Cắt từ video của IRSO

 

 

 

Robot tự hành mang theo các thiết bị laser và chùm hạt alpha để nghiên cứu thành phần của cực nam Mặt Trăng. Nó cũng sẽ sử dụng các dụng cụ khoa học mang tên RAMBHA và ILSA để nghiên cứu khí quyển, đồng thời đào mẫu vật để phân tích thêm về thành phần của bề mặt Mặt Trăng. Các tia laser của robot sẽ thử làm tan chảy một mẫu vật nhằm phân tích các khí tỏa ra, giúp tìm hiểu về cấu tạo hóa học của cực nam Mặt Trăng, theo Times of India.

 

Robot tự hành Pragyan nặng 26 kg. Nó chạy bằng năng lượng Mặt Trời và có thời gian thực hiện nhiệm vụ dự kiến là một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi thay đổi thời tiết, đêm Mặt Trăng tối và lạnh buông xuống, khiến cạn kiệt pin. Robot sẽ cùng với trạm đổ bộ Vikram thực hiện hàng loạt thí nghiệm như phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng.

 

Trước đó, ngày 14/7, trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 được phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan. Theo đó, trạm đổ bộ này bắt đầu tăng dần độ cao và sau đó khai quả động cơ để hướng tới Mặt Trăng vào ngày 31/7. Tàu vũ trụ của Ấn Độ đã đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng vào ngày 5/8 và sau đó đáp thành công xuống gần vùng cực nam của Mặt Trăng vào tối 23/8.

 

 

Cận cảnh thời khắc Trạm đổ bộ Vikram đáp xuống Mặt Trăng. Ảnh: IRSO

 

 

Khoảnh khắc trạm đổ bộ Ấn Độ chuẩn bị đáp xuống bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: IRSO

 

 

Thủ tướng Narendra Modi theo dõi cuộc đổ bộ của tàu Chandrayaan-3 từ Nam Phi, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Thủ tướng Narendra Modi nói ngay sau khi tàu Chandrayaan-3 đáp thành công xuống Mặt Trăng, "Khi chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử như này, chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Đây là buổi bình minh của Ấn Độ mới. Bởi chưa quốc gia nào từng đến được khu vực này (cực nam của Mặt Trăng). Với nỗ lực của những nhà khoa học, chúng tôi đã đến được nơi này".

 

Chỉ ít ngày trước thời điểm tàu Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh, sứ mệnh Luna-25 của Nga đã gặp sự cố, khiến tàu đổ bộ của nước này rơi xuống bề mặt Mặt Trăng.