Các sĩ quan cảnh sát dập tắt đám cháy trong cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chính phủ của ông vào ngày 16/3, tại Tel Aviv, Israel. HÌNH ẢNH AMIR LEVY / GETTY

 

 

Nguồn: Mairav Zonszein, “The Problem Isn’t Just Netanyahu, It’s Israeli Society,” Foreign Policy, 02/04/2024

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

Dù đổ lỗi cho thủ tướng, nhưng phần lớn các công dân Israel gốc Do Thái vẫn ủng hộ các chính sách mang tính chất tàn phá của ông ở Gaza và các khu vực khác.

 

 

 

Khi Lãnh đạo đa số ở Thượng viện Chuck Schumer, một trong những nhà lập pháp ủng hộ Israel trung thành nhất ở nước Mỹ, và là quan chức gốc Do Thái cấp cao nhất ở Washington, lên tiếng kêu gọi lật đổ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay tại Thượng viện vào giữa tháng 3, đó là một thời khắc mang tính bước ngoặt đối với bất kỳ ai theo dõi vai trò của Israel trong nền chính trị Mỹ.

 

 

Israel đã trở thành vấn đề bất khả xâm phạm ở Mỹ suốt một thời gian dài, đến mức việc một đảng viên Dân chủ diều hâu như Schumer kêu gọi thay đổi chế độ ở Israel là điều không thể tưởng tượng được. Nhưng quan điểm của vị Lãnh đạo Thượng viện lại là quan điểm dòng chính tại Israel. Có một sự đồng thuận – ngay cả trong chính đảng của Netanyahu – rằng các cuộc bầu cử nên được tổ chức sớm. Dường như quan niệm phổ biến ở Israel là Netanyahu đang kéo dài cuộc chiến vì sự sống còn chính trị của mình, bởi ông biết vào thời điểm cuộc chiến tạm dừng, người Israel sẽ càng kiên quyết yêu cầu điều tra những thất bại của ngày 7/10 và thúc đẩy bầu cử sớm để bãi nhiệm ông.

 

Tập trung vào Netanyahu là một cách thuận tiện để đánh lạc hướng khỏi thực tế rằng cuộc chiến ở Gaza không phải là cuộc chiến của Netanyahu, mà là cuộc chiến của Israel – và vấn đề không chỉ nằm ở thủ tướng, mà ở toàn bộ cử tri của nước này.

 

Đổ lỗi cho Netanyahu – người từ chối rời khỏi chính trường Israel dù đang bị xét xử vì cáo buộc tham nhũng, và tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử – đã làm lu mờ sự thật rằng: mỗi khi nhắc đến chính sách của Israel đối với Gaza nói riêng và người Palestine nói chung, nhiều người Israel lại đồng tình với Netanyahu. Với một tỷ lệ áp đảo, họ ủng hộ chiến dịch quân sự hiện tại ở Gaza và mục tiêu tiêu diệt Hamas của chính phủ, bất chấp thiệt hại nhân mạng của người Palestine ở Dải Gaza.

 

 

Suốt nhiều năm, người Israel – nhờ có sự thống trị về quân sự và kinh tế – đã bỏ qua vấn đề cấp bách nhất mà đất nước họ phải đối mặt – việc kiểm soát hàng triệu người Palestine. Cú sốc và sự tổn thương do vụ tấn công ngày 7/10 gây ra lại càng mở rộng phạm vi của những gì được xem là có thể chấp nhận.

 

Đa số – 88 phần trăm – người Israel gốc Do Thái được thăm dò vào tháng 1 tin rằng số người Palestine thiệt mạng, một con số khổng lồ đã vượt quá 25.000 vào thời điểm đó, là chính đáng. Phần lớn công chúng Do Thái cũng cho rằng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang sử dụng vừa đủ, thậm chí là quá ít, lực lượng ở Gaza. Dựa trên ý tưởng rằng Hamas đã ép buộc Israel và người dân Gaza phải tham gia “cuộc chiến không có lựa chọn” này, và rằng tiêu diệt Hamas là vấn đề sống còn của Israel, ngay cả mối đe dọa về nạn đói sắp xảy ra ở Gaza cũng không kích động sự phản đối chiến dịch của IDF.

 

 

Hơn nữa, trong một cuộc thăm dò hồi tháng 2 của Viện Dân chủ Israel, khoảng 2/3 số người Do Thái được hỏi (63%) cho biết họ phản đối đề xuất để Israel đồng ý về mặt nguyên tắc với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, phi quân sự. Các nhà lãnh đạo Israel cho rằng phong trào đang diễn ra trên phạm vi quốc tế – nhằm kêu gọi các chính phủ đơn phương công nhận Palestine là một quốc gia – chính là phần thưởng cho người Palestine sau vụ tấn công ngày 7/10.

 

Bạn không cần một cuộc thăm dò để nhận ra rằng sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước, cũng như các quyền tự do cơ bản và quyền tự quyết của người Palestine, đã giảm dần trong cộng đồng người Israel gốc Do Thái trong những năm gần đây, và giờ đây có lẽ nó đang ở mức thấp nhất. Chỉ cần nhìn vào quan điểm của các đảng chính trị Do Thái ở Israel. Hầu như không ai trong số này tán thành giải pháp hai nhà nước, và những người nắm quyền còn chủ động bác bỏ giải pháp đó, nỗ lực hết sức để ngăn chặn nó xảy ra.

 

 

Hàng nghìn người Israel một lần nữa lại xuống đường tuần hành, nhưng không phải để phản đối chiến tranh. Ngoại trừ một nhóm rất nhỏ gồm người Israel, Do Thái, và Palestine, họ không kêu gọi ngừng bắn hay chấm dứt chiến tranh – hay vì hòa bình. Họ không phản đối việc Israel giết hại một lượng người Palestine lớn chưa từng có ở Gaza, hay những hạn chế của nước này đối với viện trợ nhân đạo dẫn đến nạn đói hàng loạt. (Một số nhân vật Israel cánh hữu thậm chí còn đi xa hơn bằng cách tích cực ngăn chặn viện trợ vào dải đất này). Họ chắc chắn sẽ không đưa ra yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng quân sự, mà nay đã là năm thứ 57. Điều mà họ phản đối là việc Netanyahu từ chối từ chức và sự chần chừ của ông trong việc ký kết một thỏa thuận trao đổi con tin.

 

Tại một cuộc biểu tình gần đây ở Jerusalem, các băng-rôn “Chúng tôi không phải là chính phủ của chúng tôi” đã được đặt ở tuyến đầu, phản ánh sự khác biệt mà các đảng viên Dân chủ Mỹ đang vạch ra giữa chính phủ Netanyahu và người dân của họ.

 

 

Nhưng sự khác biệt đó lại đang gây hiểu lầm.

 

Đổ hết trách nhiệm lên Thủ tướng là sai lầm, bởi việc đó bỏ qua sự thật là người Israel đã chấp nhận, cho phép, thậm chí tiếp tay cho hệ thống chiếm đóng quân sự và các hành vi phi nhân đạo của đất nước họ đối với người Palestine.

 

 

Điều đó đúng với các thành viên khác trong nội các chiến tranh, những người thường được miêu tả là đối trọng hoặc là người thay thế thủ tướng. Không phải Netanyahu mà chính là Bộ trưởng Quốc phòng của ông, Yoav Gallant, đã kêu gọi bao vây toàn bộ Gaza sau ngày 7/10: “không điện, không nhiên liệu, không lương thực, mọi thứ sẽ bị đóng cửa.” Không phải Netanyahu mà là tổng thống được cho là trung dung, Isaac Herzog, đã ngụ ý rằng mọi cư dân ở Gaza đều là mục tiêu hợp pháp khi ông phát biểu ngay từ đầu cuộc chiến rằng “cả một quốc gia ngoài kia phải chịu trách nhiệm. Lập luận rằng dân thường không biết, không liên quan [trong cuộc tấn công dữ dội ngày 7/10] – là hoàn toàn không đúng sự thật.” (Sau đó, ông cho biết lời nói của mình đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh). Ngôn ngữ mang tính kích động và diệt chủng của nhiều chính trị gia và nhân vật người Israel đã được ghi lại rõ ràng trong vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế vào cuối năm ngoái.

 

 

Việc tập trung vào Netanyahu cũng bỏ qua xu hướng thiên về cánh hữu của chính thể Israel, một chính thể đã bình thường hóa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc, và điều này được thể hiện rõ ràng trong các bản tin về cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông chính thống. Tin tức của các đài Israel hiếm khi nói về những đau khổ ở Gaza, hầu như không bao giờ đưa tin về người Palestine, và các nhà báo quân sự hiếm khi thách thức hoặc xem xét kỹ lưỡng phiên bản sự kiện của IDF.

 

 

Việc tập trung vào Netanyahu cũng bỏ qua thực tế là, khi chiến tranh đã kéo dài gần sáu tháng, người Israel vẫn sẵn sàng tham gia lực lượng dự bị ngay cả khi không tin tưởng vào sự lãnh đạo và động cơ của Netanyahu, và ngay cả khi họ đã đe dọa từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự trước kế hoạch cải tổ tư pháp của chính phủ.

 

Bất chấp số lượng lớn binh sĩ thiệt mạng kể từ ngày 7/10 (600 người) và bị thương (hơn 3.000 người, chưa kể số người bị căng thẳng sau chấn thương còn cao hơn nhiều), mẹ của các binh sĩ không phản đối chiến tranh, một yếu tố từng đóng vai trò quan trọng trong việc phản đối Israel chiếm đóng Lebanon và cuối cùng buộc họ phải rút quân.

 

Thêm vào đó, sự thay đổi lãnh đạo không nhất thiết đồng nghĩa với những thay đổi chính sách có ý nghĩa. Nếu Benny Gantz, cựu bộ trưởng quốc phòng Israel và tổng tham mưu trưởng IDF, người đang chống lại Netanyahu, trở thành thủ tướng, thì rất khó có khả năng các chính sách liên quan đến người Palestine của ông sẽ khác biệt đáng kể so với người tiền nhiệm.

 

 

Năm 2019, Gantz đã phát hành một video tranh cử khoe khoang về việc đưa các phần của Gaza trở lại thời kỳ đồ đá trong nhiệm kỳ tổng tham mưu trưởng IDF hồi năm 2014. Và ngày nay, giống như Netanyahu, ông nhất quyết tiến hành cuộc xâm lược thành phố Rafah ở phía nam Gaza, nơi hiện đang tập trung tới 1,5 triệu người Palestine địa phương và người tị nạn, như một đòn giáng cuối cùng và chí mạng đối với Hamas.

 

Ông cũng bác bỏ việc đơn phương công nhận nhà nước Palestine; thay vào đó, trong trường hợp tốt nhất, ông sẽ chỉ thừa nhận khả năng Palestine là một “thực thể,” chứ không phải một nhà nước. Thật vậy, với tư cách là bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Naftali Bennett, tồn tại trong thời gian ngắn vào năm 2021, Gantz đã tiếp đón Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas tại nhà riêng của mình, cho thấy ông tán thành suy nghĩ đã có từ lâu trong quân đội Israel, rằng việc duy trì hoạt động của PA là một lợi ích an ninh quốc gia quan trọng để Israel duy trì quyền kiểm soát.

 

 

Học thuyết được chính quyền Biden vạch ra nhằm tái cơ cấu PA và đưa họ lên nắm quyền ở Gaza, cùng với việc tạo ra một lộ trình chính trị đòi hỏi sự nhượng bộ của Israel đối với một nhà nước Palestine như một phần trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel, là giải pháp thay thế duy nhất cho sự hủy diệt kéo dài của Israel và việc chiếm đóng Gaza hiện đang được đặt lên bàn đàm phán.

 

Một số cựu quan chức an ninh và chính phủ Israel cũng đã lựa chọn cách tiếp cận này, vì họ hiểu rằng đây là lựa chọn tốt nhất để Israel ngăn chặn sự xa lánh hơn nữa từ công chúng Mỹ, và duy trì phần nào tính chính danh quốc tế của họ.

 

 

Một cuộc khảo sát được thực hiện với người Do Thái và Palestine ở Israel vào tháng 2 cho thấy một nửa trong số họ sẽ ủng hộ một lộ trình chính trị theo hướng này. Và theo đó, một số người Israel chí ít cũng đang tìm kiếm một lối thoát thực dụng.

 

Nhưng ý tưởng này có thực tế hay không cũng là điều đáng nghi ngờ: Không rõ liệu PA có thể được cải tổ hiệu quả để lấy lại tính chính danh của họ trong mắt người Palestine hay không; tương tự, rất khó có khả năng Hamas biến mất hoàn toàn khỏi Gaza. Lộ trình đề xuất cũng không vạch ra những loại nhượng bộ nào mà Israel sẽ cần phải thực hiện. Nhưng ít nhất nó có thể dẫn đến xuống thang ngay lập tức dưới hình thức ngừng bắn, vốn là điều rất quan trọng.

 

 

Dù bằng cách nào, điều đáng chú ý là chính quyền Mỹ đang đề xuất lộ trình đó, chứ không phải một nhà lãnh đạo hay chính trị gia Israel. Vì thế, kết quả của lộ trình sẽ phụ thuộc vào cách cả người Israel và người Palestine phản ứng với lệnh ngừng bắn theo thời gian, cũng như mức độ sẵn sàng của Mỹ và các bên có liên quan khác để biến lộ trình này thành hiện thực. Hiện tại, người Israel phần lớn không kêu gọi ngừng bắn.

 

Chừng nào Netanyahu còn nắm quyền thì chiến tranh gần như chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, kéo theo nguy cơ chết đói hàng loạt ở Gaza; căng thẳng leo thang hơn nữa trong khu vực; và một công chúng Israel sống với những đường biên giới ngày càng bị thu hẹp, không an toàn, mà không bao giờ biết được số phận của những người thân yêu của họ đang bị giam giữ ở Gaza.

 

Dồn toàn lực vào việc lật đổ Netanyahu, tuy là việc làm có thể hiểu được, nhưng lại khiến người Israel không phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa của họ trong việc chiếm đóng quân sự kéo dài, việc tàn phá Gaza, và việc họ không vạch ra một con đường chính trị thực sự để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo nghĩa đó, Netanyahu chỉ đơn giản là vật tế thần.

 

 

Mairav Zonszein là nhà phân tích cấp cao về Israel tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group). Các bài viết của bà đã xuất hiện trên New York Times, Washington Post, và Columbia Journalism Review, cùng nhiều tờ báo khác.

 

(Theo nghiencuuquocte.org)