Muốn tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Mỹ 'nhắm' đến Trung Đông

 

Trang mạng Foundation for Defense of Democracies ngày 13/5 nhận định, sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên và Mỹ đang muốn tách dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. 

 

Mỹ đang nhắm đến những quốc gia đối tác như Jordan hay Ai Cập. (Nguồn: Reuters)

 

Mỹ đang dùng tất cả các nỗ lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đổ lỗi cho Trung Quốc về thất bại trong kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

 

Trang mạng này nhận định, mong muốn của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc, cả về kinh tế và chính trị, là một vấn đề không hề đơn giản. Trung Quốc hiện là nền kinh lớn thứ hai trên thế giới, chưa kể Mỹ cùng nhiều các đồng minh đều đang phụ thuộc vào các sản phẩm giá rẻ và các chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát.

 

Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, mong muốn phân tách khỏi Trung Quốc về kinh tế đã bị cản trở bởi một thực tế, Trung Quốc là nhà cung cấp chủ yếu cho Mỹ về thuốc men và các thiết bị y tế.Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), hiện Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn thứ hai các loại dược phẩm sang Mỹ và nhà cung cấp lớn nhất các thiết bị y tế.

 

Trong các khu vực mà Mỹ hiện đang nhắm đến, Trung Đông có thể là sự lựa chọn hấp dẫn. Trước đây, lý do chính khiến cho Mỹ thuê ngoài (outsource) chuỗi cung ứng quan trọng tại Trung Quốc là bởi lao động giá rẻ. Chi phí sản xuất các loại thuốc kháng sinh hay thiết bị y tế sẽ tăng lên đáng kể nếu được sản xuất ở trong nước.

 

Để tách chuỗi cung ứng này ra khỏi Trung Quốc, Mỹ đang nhắm đến những quốc gia đối tác như Jordan hay Ai Cập, vốn có nhiều tiềm năng về năng lực sản xuất dược phẩm. Cả hai quốc gia này đều có lao động giá rẻ. Mặc dù cả Jordan và Ai Cập đều đang có một số rủi ro về địa chính trị nhưng lại không nghiêm trọng nếu so với ở Trung Quốc.

 

"Một khoản đầu tư của Mỹ vào chuỗi cung ứng dược phẩm ở Jordan có thể sẽ giúp hạn chế các rủi ro nói trên, đồng thời sẽ giúp đa dạng hóa, tách dần khỏi Trung Quốc", trang mạng Foundation for Defense of Democracies nhận định.

 

Ngoài ra, điều này sẽ không đòi hỏi một nỗ lực lớn từ phía Mỹ để khởi động tiến trình vì lĩnh vực dược phẩm ở Jordan cũng đã tương đối phát triển. Hikma, một công ty của Jordan hoạt động từ năm 1978 đã có cơ sở hạ tầng sản xuất ở Mỹ.

 

Với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD, Hikma đã niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán London và sản xuất nhiều loại thuốc được bán ở Mỹ và các nước Trung Đông. Các công ty khác như Công ty sản xuất dược phẩm Jordan (JPMC) cũng có thể đóng góp vào nỗ lực này.

 

Ngoài ra, Jordan còn là nơi đặt nhà máy sản xuất của các tập đoàn dược phẩm quốc tế như GlaxoSmithKline và Astrazaneca có trụ sở ở Anh, Menarina của Italy, Sanofi của Pháp, Novartis có trụ sở ở Thụy Sỹ… Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Abbott Laboratories của Mỹ cũng đang hoạt động tại Jordan.

 

Tất cả những công ty này có thể hỗ trợ tạo ra các chuỗi cung ứng mới, hấp dẫn đối với Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.

 

Chưa kể đến vai trò lãnh đạo mà Quốc vương Abdullah của Jordan đang tìm kiếm trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19. Quốc vương Abdullah cũng đã thể hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ.

 

Trong khi đó, Ai Cập cũng đã phải đối mặt với các thách thức kinh tế đang trở nên xấu hơn do ảnh hưởng của Covid-19. Do vậy, Ai Cập có thể sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Mỹ vào các chuỗi cung ứng dược phẩm.

 

Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đây được đánh giá là có thể tạo ra các cơ hội quan trọng. GlaxoSmithKline, Novartis (và công ty con Sandoz), Sanofi, Astrazaneca và Abbott Laboratories đều đang hoạt động tại Ai Cập. Hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer cũng đang có các hoạt động tại quốc gia này.

 

Đó là chưa kể đến vai trò của đồng minh Israel. Với các thành tựu to lớn về dược phẩm và công nghệ sinh học, Israel có thể cũng đóng một vai trò quan trọng trong thiết lập các chuỗi cung ứng này tại Jordan và Ai Cập.

 

Cụ thể, Mỹ có thể tận dụng khuôn khổ Khu công nghiệp đủ điều kiện (QIZ) để đảm bảo các lợi ích kinh tế khác. Quốc hội Mỹ đã thông qua việc thành lập QIZ vào giữa những năm 90 nhằm tạo điều kiện cho Jordan và Ai Cập được sản xuất các mặt hàng xuất khẩu miễn thuế sang Mỹ. Mục đích là nhằm củng cố các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế vững mạnh hơn giữa Israel và hai quốc gia cựu thù.

 

Việc tăng cường các liên minh này, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế các đối tác của Mỹ có một ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Điều này thực sự còn quan trọng hơn khi xét đến sự tàn phá kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

 

Trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với thách thức đa dạng hóa các chuỗi cung ứng y tế khỏi Trung Quốc, thời điểm này được đánh giá là thời điểm thích hợp và Trung Đông có thể là một lựa chọn không tồi.