Tòa nhà của SMIC tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 12/3/2012. Mỹ trừng phạt hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC. (Ảnh: Getty Images)

 

 

 

 

SMIC là cái tên mới nhất trong "danh sách đen" hơn 275 công ty Trung Quốc bị chính phủ Mỹ trừng phạt.

 

 

Tờ Financial Times đưa tin hôm 26/7 rằng, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp hay SMIC) trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc về sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia.

 

 

Việc xuất khẩu của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc gây ra “rủi ro không thể chấp nhận được”, đặc biệt là có “mục đích sử dụng cho quân sự”, tờ Financial Times trích dẫn một bức thư của Bộ Thương mại Hoa Kỳ gửi cho công ty SMIC. Tờ báo cho biết các công ty Mỹ sẽ cần giấy phép để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sang SMIC.

 

 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có đánh giá về việc liệu có nên bổ sung SMIC vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại hay không. Đài CNBC đưa tin hôm 5/9 dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ: “Chúng tôi đang làm việc nhằm phân tích những thông tin trước khi có thể kết luận liệu các hành vi của SMIC có đủ để đưa công ty này vào danh sách của Bộ Thương mại Mỹ hay không”.

 

 

“Danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ giờ đây đang có hơn 275 cái tên công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

 

Đây là động thái tiếp theo theo lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Công ty Huawei từ năm ngoái. Điều này ngăn SMIC không được mua công nghệ của Mỹ, bao gồm cả chip. Đối tác của SMIC tại Mỹ bao gồm nhà sản xuất chip Qualcomm Inc và Broadcom Inc. , theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg.

 

 

Cổ phiếu SMIC đã giảm 23% trong ngày 7/9 sau khi có tin rằng Hoa Kỳ cân nhắc đưa công ty này vào danh sách đen. Sự lao dốc của cổ phiếu SMIC đã xóa sạch 31 tỷ đô la Hong Kong (tương ứng 4 tỷ USD) khỏi giá trị thị trường của hãng.

 

 

Lệnh trừng phạt đối với SMIC sẽ làm tổn hại đến tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Trump gần đây còn cảnh báo cấm các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như TikTok và WeChat, hoạt động tại Hoa Kỳ.

(Theo ntdvn.com)