Tính đến sáng ngày 9-8, thế giới đã ghi nhận những cột mốc đáng buồn mới trong đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm tại Mỹ vượt con số 5 triệu và Brazil có hơn 100.000 người tử vong.
Người dân tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil - Ảnh: REUTERS
Hơn 19,55 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và 722.824 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh này, theo thống kê của Reuters. Đại dịch đã lan rộng trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi bùng phát lần đầu tiên tại Trung Quốc hồi tháng 12-2019.
Mỹ có 5 triệu ca nhiễm
Mỹ hôm 8-8 đã lập kỷ lục mới với hơn 5 triệu ca COVID-19. Trong bối cảnh Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, các quan chức tại đây đã đem lại niềm hi vọng mới khi thông báo nước này sẽ có vắcxin vào khoảng cuối năm.
Theo ước tính của Reuters, cứ 66 công dân Mỹ lại có 1 người mắc COVID-19. Mỹ hiện có hơn 160.000 người chết, chiếm gần ¼ tổng số người tử vong vì dịch bệnh của toàn cầu.
Con số 5 triệu ca nhiễm là một cột mốc buồn đối với Mỹ trong bối cảnh ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Hôm 7-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết tốc độ tăng việc làm tại quốc gia này đã giảm đi đáng kể trong tháng 7, nhấn mạnh tính cấp thiết của hỗ trợ từ chính phủ.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, ngày 5-8 cho biết ít nhất sẽ phát triển thành công 1 loại vắcxin hiệu quả và an toàn vào cuối năm.
Brazil ghi nhận hơn 100.000 người tử vong
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Brazil đã vượt con số 100.000 vào ngày 9-8 và được dự đoán sẽ còn tiếp tục. Đa số các thành phố tại quốc gia này đã mở cửa lại hàng quán dù dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh.
Đối mặt với đại dịch chết chóc nhất lịch sử kể từ đợt cúm Tây Ban Nha các đây 1 thế kỷ, Brazil đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên từ cuối tháng 2.
Virus này chỉ mất 3 tháng để cướp đi sinh mạnh của 50.000 người tại Brazil và thêm 50 ngày sau đó để giết chết 50.000 tiếp theo.
"Chúng ta sẽ sống trong sầu não vì đây là một thảm kịch tựa như chiến tranh thế giới. Nhưng Brazil lại giống như bị gây mê tập thể", bác sĩ José Davi Urbaez, một thành viên cấp cao của tổ chức Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Brazil, nói.
Ông cùng nhiều đồng nghiệp của mình đã cảnh báo trước tình hình Brazil không có kế hoạch tổng thể để chiến đấu lại dịch bệnh. Nhiều quan chức tại đây tập trung vào việc "mở cửa lại", điều có thể đẩy số ca nhiễm tăng lên và khiến diễn biến dịch tồi tệ đi.
Bộ Y tế Brazil ngày 8-8 công bố 49.970 ca nhiễm mới vùng 905 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 3 triệu người và số ca tử vong lên 100.477.
Paris bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời
Người dân và du khách tại Paris buộc phải đeo khẩu trang từ ngày 10-8 khi đi bộ dọc sông Seine hat đến những khu chợ đông người. Đây là quy định mới do chính quyền địa phương đưa ra nhằm kiểm soát dịch COVID-19.
Quy định này áp dụng cho người từ 11 tuổi trở lên và được áp dụng tại các khu vực ngoài trời sầm uất của thủ đô nước Pháp. Dù vậy, danh sách này không bao gồm Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), và Đại lộ Champs-Elysees.
Số liệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm rộng hơn tại Paris và những khu ngoại ô thu nhập thấp kể từ giữa tháng 7.
Tỉ lệ dương tính tại Paris là 2,4% cao hơn tỉ lệ trung bình 1,6% của toàn quốc.
Pháp đã bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng trong nhà như cửa hàng và ngân hàng kể từ 21-7. Paris đã tham gia danh sách những thành phố buộc người dân đeo khẩu trang tại các địa điểm ngoài trời như Toulouse, Lille và Biarritz.
Những người vi phạm sẽ phải nộp phạt 135 euro. Mức phạt có thể lên đến tù giam 6 tháng đối với những đối tượng vi phạm hơn 3 lần/tháng. Quy định này sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng.