Một tấm biển bên ngoài trụ sở của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, hay SWIFT, ở Terhulpen, gần Brussels, Bỉ, hôm 25/02/2022. (Ảnh: James Arthur Gekiere/Belga Mag/AFP/Getty Images)

 

 

 

Hôm thứ Bảy (26/02), Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu (EU), và các đồng minh phương Tây khác thông báo rằng họ sẽ loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và đưa ra các hạn chế đối với Ngân hàng Trung ương Nga, để đáp trả việc Nga tấn công Ukraine.

 

Hàng ngàn ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính trên khắp thế giới sử dụng hệ thống SWIFT để giải quyết các khoản thanh toán xuyên biên giới. SWIFT, “Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu”, được sử dụng bởi hơn 11,000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia, được xem là rất quan trọng trong tài trợ thương mại quốc tế.

 

Trong một tuyên bố chung, Hoa Kỳ và EU, cũng như Pháp, Đức, Ý, Vương Quốc Anh, và Canada, “cam kết bảo đảm rằng các ngân hàng Nga được chọn sẽ bị xóa khỏi hệ thống điện giao dịch SWIFT".

 

“Điều này sẽ bảo đảm rằng các ngân hàng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và gây thiệt hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu".

 

Họ cũng cam kết “áp dụng các biện pháp hạn chế ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng dự trữ ngoại hối theo cách làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của chúng tôi".

 

Họ cho biết các hành động này nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

 

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên hôm thứ Bảy (26/02) rằng việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT sẽ “gây thiệt hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu".

 

Việc loại các ngân hàng khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế chính của thế giới “không làm cho các giao dịch trở nên bất khả thi” nhưng sẽ khiến các giao dịch trở nên “khó khăn hơn nhiều”, ông Paul Marquardt, một luật sư làm việc cho công ty luật quốc tế Davis Polk, nói với Reuters. “Việc này khiến các giao dịch trở nên khó khăn hơn nhiều — việc bị loại khỏi SWIFT sẽ làm tăng chi phí giao dịch lên đáng kể”, ông cho hay.

 

Trong một biện pháp khác, Hoa Kỳ và các đồng minh cũng sẽ hạn chế việc bán quốc tịch cho phép những người Nga có móc nối với chính phủ Nga trở thành công dân nước họ, để ngăn những người này truy cập vào hệ thống tài chính của nước họ [bằng quốc tịch mua được và né tránh các biện pháp trừng phạt].

 

Hơn nữa, nhóm này sẽ khai triển một “lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương” để bảo đảm rằng tất cả các biện pháp trừng phạt tài chính mà họ đánh vào Nga được thực hiện một cách hiệu quả, bao gồm bằng cách xác định và phong tỏa tài sản của các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt trong phạm vi quyền hạn của các đồng minh.

 

“Cuối cùng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoặc phối hợp nhằm chống lại thông tin sai lệch và các hình thức chiến tranh hỗn hợp khác".

 

Các biện pháp này sẽ được thực hiện trong những ngày tới, các quốc gia cho biết trong một tuyên bố chung, và cũng cam kết sẽ có những hành động tiếp theo.

 

Cuộc tấn công mới nhất diễn ra sau khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Năm (24/02) rằng họ đang nhắm vào “cơ sở hạ tầng cốt lõi của hệ thống tài chính Nga", bao gồm hai ngân hàng lớn nhất của nước này: các ngân hàng quốc doanh Sberbank và VTB.

 

Bộ Ngân khố cũng đã phong tỏa ba tổ chức tài chính lớn khác của Nga: Otkritie, Novikombank, và Sovcombank, cũng như giới tinh hoa Nga bao gồm các gia đình thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số giám đốc điều hành cấp cao tại các ngân hàng quốc doanh.

 

Hôm thứ Sáu (25/02), Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cũng như các thành viên khác của Hội đồng An ninh Nga. EU, Anh, và Canada cũng công bố các biện pháp trừng phạt tương tự.

(ntdvn.com - Huyền Anh; Theo The Epoch Times)