Tàu USS Chancellorsville, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga và là một phần của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, thả neo ở Hong Kong, Trung Quốc, hôm 21/11/2018. (Ảnh: Anthony Kwan/Bloomberg/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Một phái đoàn gồm sáu nhà lập pháp lưỡng đảng Úc đã có chuyến thăm đến Đài Loan vào ngày 5/12. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cáo buộc Úc đang 'đùa với lửa' và phá hoại nỗ lực hàn gắn quan hệ Úc - Trung. Phía Úc đã bác bỏ cáo buộc này.

 

Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bài báo nói rằng, chuyến thăm của Úc đến Đài Loan sẽ “phủ bóng đen” lên mối quan hệ đang có dấu hiệu cải thiện của Úc với Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh rằng, chuyến thăm cũng thể hiện sự ủng hộ của Úc đối với “sự độc lập của Đài Loan”.

 

Một phái đoàn gồm sáu nhà lập pháp lưỡng đảng Úc đã có chuyến thăm đến Đài Loan vào ngày 5/12. Các thành viên của phái đoàn bao gồm ba nhà lập pháp của Đảng Lao Động: cựu Phó thủ tướng Barnaby Joyce, Meryl Swanson và Libby Coker; cùng ba nhà lập pháp của Đảng Liên minh gồm: Scott Buchholz, Terry Young và Gavin Pearce.

 

Phái đoàn Úc đã gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Đài Loan Chen Chi-Chung để đàm phán về nhiều vấn đề, trong đó đề cập đến nỗ lực của Đài Loan để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới.

 

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), là một Hiệp định về nguyên tắc thương mại giữa Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Đài Loan, phái đoàn Úc cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu).

 

Đây là phái đoàn quốc hội đầu tiên của Úc tới Đài Loan kể từ năm 2019, diễn ra sau cuộc gặp của Thủ tướng Úc Anthony Albanese với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng trước.

 

“Những kẻ đùa với lửa sẽ chết vì lửa”, theo tờ Global Times. Bài xã luận của tờ báo cũng cáo buộc phái đoàn Úc làm gia tăng căng thẳng với Đài Loan, tạo ra “tác động tiêu cực đến mối quan hệ Úc - Trung”.

 

 

Úc muốn gần gũi với cả Trung Quốc và Đài Loan

Nghị sĩ Úc Barnaby Joyce phủ nhận các cáo buộc rằng chuyến đi diễn ra không đúng lúc và bác bỏ việc các nghị sĩ Úc đến Đài Loan để “đối đầu" với Bắc Kinh.

 

Nghị sĩ của Đảng Quốc gia Úc nói với đài Sky News rằng: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, Úc muốn [duy trì mối quan hệ] gần gũi với cả Trung Quốc và Đài Loan. Chúng tôi có một mục đích kinh tế quan trọng là kết nối với Đài Loan và chúng tôi muốn đảm bảo duy trì mối quan hệ đó".

 

Thượng nghị sĩ đảng đối lập Simon Birmingham cho biết, chuyến thăm chỉ đơn giản là “công tác như thường lệ”.

 

Những chuyến thăm kiểu phái đoàn này không phải là hiếm. Đây chỉ là hoạt động ngoại giao được tái khởi động sau khi bị gián đoạn trong thời gian bùng phát đại dịch, ông Birmingham nói với đài ABC.

 

Theo ông, điều cần chú trọng lúc này là phải hiểu rõ về phương diện hợp tác kinh tế giữa Úc đối với với một nền kinh tế như Đài Loan.

 

Ông Birmingham cũng bác bỏ luận điệu của tờ Global Times và nói rằng, tờ báo vốn không được biết đến với những bài bình luận ôn hòa.

 

Học giả Đài Loan kêu gọi Úc tuân thủ các giá trị

Ông Lý Dậu Đàm (David Yeau-Tarn Lee), Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học thuộc Đại Học Quốc Lập Chính Trị Đài Loan, hoan nghênh chuyến thăm của phái đoàn Úc.

 

Ông Lý Dậu Đàm nói với tờ The Epoch Times hôm 5/12 rằng “Chuyến thăm của các nghị sĩ Úc tới Đài Loan thể hiện mối quan hệ đối tác vững chắc, đa dạng [theo xu hướng] đôi bên cùng có lợi. Cả Úc và Đài Loan đều là những quốc gia tự do và dân chủ. Mối quan hệ này là một sự tương tác cần thiết trong khuôn khổ Liên minh toàn cầu của các nền dân chủ tự do mà Hoa Kỳ đã khởi xướng".

“Các nghị sĩ đến Đài Loan để thảo luận về thương mại, nông nghiệp, người dân bản địa, quốc phòng và an ninh. Họ không vi phạm chính sách 'Một Trung Quốc' do chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ, cũng như không làm suy yếu hiện trạng trên eo biển Đài Loan".

 

Theo ông Lý Dậu Đàm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - vốn thiết lập quan hệ ngoại giao với cả Hàn Quốc và Triều Tiên - không có cơ sở để cáo buộc các nhà lập pháp của các nước dân chủ đến thăm Đài Loan.

Ông cho hay “[Bài xã luận của tờ Global Times] thể hiện tham vọng của ĐCSTQ nhằm gặm nhấm và thôn tính Đài Loan. Các quốc gia tự do và dân chủ không thể dễ dàng để ĐCSTQ làm theo ý mình".

 

Vị Giáo sư kêu gọi các nhà lập pháp Úc kiên định với quyết định tới thăm Đài Loan của họ.

 

Ông nói: “Là quốc gia quan trọng nhất ở Nam Thái Bình Dương, chính phủ Úc được kỳ vọng sẽ kiên quyết bảo vệ và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của mình".

“[Chúng ta] không khiêu khích ĐCSTQ, nhưng chúng ta cũng không thể để ĐCSTQ lợi dụng lợi ích thương mại và kinh doanh để trói buộc chúng ta”.

 

 

Thủ tướng Úc hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm Đài Loan

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm Đài Loan.

 

Ông nói với các phóng viên vào ngày 3/12 rằng  “Đây không phải là chuyến thăm cấp nhà nước. Lưỡng đảng Úc vẫn giữ vững lập trường khi nói đến Trung Quốc cũng như việc ủng hộ nguyên trạng của Đài Loan",

“Khi được hỏi về mục đích của chuyến thăm, ông Albanese trả lời: “Tôi không biết. Tôi không đi. Anh nên hỏi [những người thực hiện chuyến thăm]".

 

Tuy nhiên, tờ Global Times đã chỉ trích ông Albanese vì đã không ngăn chuyến thăm và chỉ "chơi chữ".

 

Úc chỉ duy trì mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, một nền dân chủ tự trị với 23 triệu dân từ lâu đã bị ĐCSTQ coi là một tỉnh ly khai.

 

(ntdvn.net; Huyền Anh - Theo The Epoch Times)