Đưa ra hàng loạt động thái áp đặt chủ quyền và sức ảnh hưởng trong thời gian ngắn, Trung Quốc đang chịu sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Chiến lược mạo hiểm hiện tại ở Biển Đông có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt.

 

Tàu của hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines di chuyển theo đội hình trên biển năm 2019 - Ảnh: Reuters

 


“Chúng tôi đang gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng họ không thể nhấc chúng tôi ra từng nước một, vì chúng tôi rất đoàn kết”.

 

Cựu phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio

 

Tuần trước, trong nỗ lực tuyên truyền cho sự đoàn kết giữa Trung Quốc và Philippines trong cuộc chiến chống dịch bệnh do virus corona gây ra (COVID-19), Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines phát hành một bài hát có tên Iisang dagat, do đại sứ Trung Quốc viết lời. Nhưng bài hát này sau 4 ngày có mặt trên YouTube đã nhận gần 180.000 cú "dislike", phản ánh sự tức giận của người Philippines dành cho Trung Quốc.

 

Nói một đằng, làm một nẻo

 

Tại một diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Báo chí nước ngoài Philippines tổ chức hôm 27-4, cựu phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cũng đề cập tới bài hát này. Iisang dagat nghĩa là "Một vùng biển", nhưng nội dung của nó thực chất là "Một vùng biển, nhưng nó của chúng tôi" - ông Carpio nói.

 

Câu chuyện về bài hát tuyên truyền ấy thực tế chỉ phản ánh thái độ ngang ngược của Trung Quốc lâu nay. Và qua hàng loạt hành động hung hăng ở Biển Đông, Bắc Kinh không thể che giấu động cơ của mình bằng những lời hoa mỹ.

 

Dư luận quốc tế có vẻ không giấu được sự thất vọng. Trang Modern Diplomacy ngày 26-4 đăng bài viết có tựa đề: "Tranh biện luật pháp quốc tế ở Biển Đông: liệu còn ý nghĩa lắm không?". Bài viết này cho rằng Trung Quốc thường nói tới "luật pháp quốc tế", dùng những thuật ngữ công pháp quốc tế, nhưng thực chất không đề cập gì tới luật quốc tế cả. Cụ thể, Bắc Kinh không nhắc tới việc "đường chín đoạn" bị một tòa án thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 bác bỏ. "Có vẻ Trung Quốc đã chọn loại luật quốc tế nào họ muốn tuân thủ, loại nào không" - bài báo viết.

 

Người Philippines những ngày này đặc biệt hiểu rõ thế nào là "sự đoàn kết" của Trung Quốc. Chỉ vài ngày trước, Manila còn gửi công hàm phản đối Trung Quốc chĩa rađa súng vào tàu Philippines ngoài khơi.

 

Nguy cơ đường dài

 

Theo ông Batongbacal, Trung Quốc có những kế hoạch dài hạn trong việc chậm rãi, dần dần tăng cường sức ảnh hưởng ở Biển Đông và sẽ không tự kiềm chế trước bất kỳ cơ hội nào để đạt được mục tiêu đó.

 

Kế hoạch của Trung Quốc được bảo trợ bằng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế và ngoại giao. Ông Batongbacal đánh giá rằng Malaysia chọn cách đấu tranh thầm lặng với Trung Quốc để cân bằng về mặt kinh tế và đối ngoại.

 

Sự im lặng của Malaysia không khác so với những gì nước này thể hiện lâu nay về vấn đề Biển Đông, dù vậy vẫn ảnh hưởng tới lập trường của Malaysia trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chiến thuật của Trung Quốc có thể thành công trên đường dài. Nói cách khác, nếu Trung Quốc tiếp tục cưỡng ép mong các nước chấp nhận "sự đã rồi", vẫn còn đó những lằn ranh đỏ Bắc Kinh không được vượt qua.

 

GS Batongbacal cho rằng áp lực mà Trung Quốc đang đặt lên các hoạt động dầu khí của Malaysia sẽ tác động tiêu cực lên quan hệ Malaysia - Trung Quốc về sau.

 

"Lý do đơn giản là sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đòi hỏi Malaysia giảm hoặc ngưng thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Sự phát triển kinh tế Malaysia phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng sẵn có, và điều này chắc chắn chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc gia tăng áp lực hoặc kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông" - GS Batongbacal nói với Tuổi Trẻ.

 

Đề xuất tuần tra chung giữa 3 nước ASEAN

 

Cựu phó chánh án Tòa án tối cao Carpio hôm 27-4 cũng bất ngờ nhắc lại đề xuất tuần tra chung giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia, cho rằng đây là giải pháp để đối phó với "sự leo thang nghiêm trọng" từ các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Việc phối hợp tuần tra chung như vậy là "lý tưởng", theo ông Batongbacal. Và dù hiện nay các nước như Malaysia, Việt Nam và Philippines còn phải làm nhiều việc để đạt sự đồng thuận cần thiết cho điều đó, sự hung hăng của Trung Quốc có thể là chất xúc tác.

 

Ông Batongbacal phân tích -"Điều này có thể được cân nhắc nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang trong việc áp đặt chủ quyền, tới một mức độ các quốc gia có biển cảm nhận được mối nguy hiểm thực sự đối với lợi ích của họ..."