Giáo sư Tomohiko Taniguchi, trường Đại học Keio, Nhật Bản, ngày 2/9 đã có bài viết đăng trên trang mạng của Học Viện Chính sách Chiến lược Úc Đại Lợi (Australian Strategic Policy Institute - ASPI) phân tích về tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật Bản-Úc.

 

 

 

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ăn sáng với Thủ tướng Úc, Scott Morrison,  tại Cornwall, Anh, vào ngày 13/6. (Nguồn: The Australian)

 

 

 

 

Theo giáo sư Tomohiko Taniguchi, giá trị chiến lược của Úc đối với Nhật Bản có thể được tóm gọn trong 3 điểm sau: Úc là đối tác của Nhật Bản trong việc ủng hộ ngọn đuốc dân chủ; Úc gần như là một đồng minh mà Nhật Bản sẽ hợp tác để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; Úc là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sức mạnh cho Nhật Bản cũng như mạng lưới liên minh của Nhật Bản.

 

 

Giá trị chiến lược của Nhật Bản đối với Úc cũng tương tự như vậy.

 

 

Vào năm 2049, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Từ nay đến thời điểm đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, tìm cách mở rộng sự thống trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

 

Khi xu hướng này gia tăng, giá trị chiến lược của Úc đối với Nhật Bản cũng sẽ tăng lên.

 

 

 

Kinh tế làm đòn bẩy.

 

Ông Tomohiko Taniguchi khẳng định, chưa bao giờ Úc không có ý nghĩa quan trọng đối với Nhật Bản. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ thương mại từ năm 1957. Nguồn cung cấp quặng sắt, bô-xít (boxide, là một loại  quặng nhôm), than luyện cốc và khí đốt tự nhiên của Úc là huyết mạch cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản.

 

 

Đầu những năm 1980, Tokyo và Canberra đã cùng nhau khởi động Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tạo khuôn khổ cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

 

Kể từ đó, mối quan hệ tập trung vào thương mại đã phát triển thành mối quan hệ mang lại tầm nhìn cho tương lai của khu vực.

 

 

Khi Úc và Nhật Bản ký một hiệp định thương mại vào năm 1957, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Nobusuke Kishi.

 

 

Và thật tình cờ, cháu trai của ông Nobusuke Kishi, là Abe Shinzo, cuối cùng đã thành công trong việc tạo ra một hình thức hiệp định thương mại tự do tiên tiến nhất, một hiệp định đối tác kinh tế giữa Úc và Nhật Bản.

 

 

Ngoài ra, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và ông Abe đã cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP), nay được gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP).

 

 

Bằng cách xây dựng trên cơ sở thỏa thuận đối tác kinh tế song phương, Nhật Bản và Úc đã tạo ra một hệ thống kinh tế tự do, minh bạch, dựa trên luật lệ trải dài khắp Thái Bình Dương, sử dụng lòng tin được thúc đẩy bởi kinh tế và thương mại làm đòn bẩy.

 

 

Việc Anh chuẩn bị tham gia CPTPP, và CPTPP đã tạo động lực để Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản thiết lập hiệp định đối tác kinh tế, cũng chứng tỏ rằng Nhật Bản và Úc đã trở thành đối tác trong việc chia sẻ trách nhiệm duy trì nền dân chủ và hệ thống kinh tế tự do trên quy mô toàn cầu.

 

 

 

 

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chào đón người đồng cấp Nhật Bản Abe Shinzo tại bến cảng Sydney ngày 14/1/2017. (Nguồn: Reuters)

 

 

 

 

 

Hạt giống tạo đồng thuận.

 

Theo vị chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo từ năm 2012 đến năm 2020 đã tăng cường và mở rộng bản chất chiến lược của mối quan hệ song phương với Úc.

 

 

Ông Abe đã làm việc với ba đời thủ tướng Úc, tất cả đều thúc đẩy mối quan hệ có liên quan về mặt địa chính trị. Một thành tựu nổi bật của cựu Thủ tướng Abe là đưa Bộ tứ (Quad) vào cuộc với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

 

 

Cuối tháng 12/2012, khi bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, ông Abe đã viết một bài báo cho Project Syndicate, đề cập “Viên kim cương an ninh dân chủ của châu Á” - ám chỉ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

 

 

Ông Abe cho rằng "viên kim cương" này chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau đó ông cho rằng phát biểu này giống như một sự khoe khoang nên không còn sử dụng thuật ngữ “kim cương". Dù có gọi là gì thì, Bộ tứ (The Quad), vẫn là sự hiện thực hóa tầm nhìn của ông Abe.

 

 

Còn quá sớm để thảo luận về cách Bộ tứ nên được thể chế hóa và liệu có nên mở rộng thành viên hay không. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo của 4 nước đã đồng ý thúc đẩy hợp tác.

 

 

Hạt giống đã được gieo trồng và sẽ phát triển trong tương lai. Trọng tâm chỉ là vấn đề an ninh, hợp tác cùng nhau để đạt được một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

 

 

Cựu Thủ tướng Abe cũng đã mở rộng hơn cách diễn giải Hiến pháp của Nhật Bản, vốn trở nên quá cứng nhắc và lỗi thời, đồng thời mở rộng đáng kể phạm vi hành động chung giữa các lực lượng đồng minh và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).

 

 

Ví dụ, nếu một tàu của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) đang ở trong vùng biển xung quanh Nhật Bản hoặc một máy bay của Không quân Hoàng gia Úc Đại Lợi (RAAF) đang bay gần không phận của Nhật Bản thì tàu hoặc máy bay này sẽ nằm dưới sự bảo vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

 

 

Trên thực tế, tàu và máy bay của Mỹ thường xuyên hoạt động dưới sự bảo vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

 

 

 

 

Hải quân các nước Bộ tứ tiến hành tập trận thường niên Malabar lần thứ 25 ngoài khơi đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương từ ngày 26-29/8/2021. (Nguồn: Hải quân Ấn Độ)

 

 

 

 

Nâng cao ngọn đuốc dân chủ.

 

Úc vừa là một cường quốc ở Thái Bình Dương, vừa là một cường quốc ở Ấn Độ Dương, và đó là giá trị độc đáo của Úc.

 

 

Nhật Bản và Úc, cùng với Mỹ và Ấn Độ, sẽ tiếp tục đóng vai trò làm cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành một nơi tự do và rộng mở.

 

 

Cả Úc và Nhật Bản đều có thành tích trong việc thúc đẩy nền dân chủ, đồng thời tôn trọng chủ nghĩa đa nguyên xã hội. Cả người dân Úc và người dân Nhật Bản đều tin vào các giá trị của nền dân chủ.

 

 

Ngay cả khi nền dân chủ đang suy yếu ở những nơi khác, giáo sư Tomohiko Taniguchi khẳng định, hai nước này sẵn sàng giương cao ngọn cờ dân chủ.

 

 

Canberra, trong con mắt của Tokyo, là một trụ cột của nền dân chủ, và có lẽ Nhật Bản nhận thức được điều này rõ ràng hơn cả người Úc. Không phải vô cớ mà Nhật Bản, với tốc độ phát triển nhanh chóng, luôn coi Úc là một đối tác quan trọng.

 

 

Theo giáo sư Tomohiko Taniguchi, thật may mắn khi Nhật Bản và úc giờ đây có thể hợp tác với nhau như những đối tác đáng tin cậy trong những thời điểm bấp bênh.