Quang cảnh thành phố Muzaffarabad ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Ảnh: Reuters.

 

 

CHIẾN SỰ ẤN ĐỘ - PAKISTAN, Hai tuần sau vụ tấn công chết người nhằm vào du khách tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ đã tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào các địa điểm ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

 

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết các cuộc tấn công – mang tên "Chiến dịch Sindoor" – là một phần trong "cam kết" buộc những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công ngày 22/4/25, vụ bạo lực khiến 25 công dân Ấn Độ và một người Nepal thiệt mạng, phải "lãnh hậu quả".

 

Tuy nhiên, Pakistan, từng phủ nhận việc có bất kỳ liên quan nào đến vụ tấn công tháng trước, đã gọi các cuộc không kích này là hành động "vô cớ" và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif tuyên bố "hành động xâm lược tàn ác này sẽ không thể không bị trừng phạt".

 

Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar cho biết tám dân thường đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Ấn Độ. Phía Ấn Độ hiện chưa đưa ra bình luận về con số thương vong này.

 

 

Phản ứng từ các bên

 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi "kiềm chế tối đa", trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng "giao tranh sẽ sớm kết thúc".

 

Trong khi lãnh đạo đảng Quốc Đại kêu gọi đoàn kết dân tộc, nhiều chính khách khác ủng hộ hành động quân sự của Ấn Độ.

 

Ông Mallikarjun Kharge, Chủ tịch đảng Quốc Đại – đảng đối lập chính tại Ấn Độ – tuyên bố rằng "đoàn kết và thống nhất dân tộc là điều cấp thiết vào lúc này".

 

Ông khẳng định kể từ sau vụ tấn công hồi tháng trước ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, đảng của ông "luôn dứt khoát đứng về phía các lực lượng vũ trang và chính phủ trong bất kỳ hành động kiên quyết nào nhằm đối phó với khủng bố xuyên biên giới".

 

Ông Asaduddin Owaisi, Chủ tịch đảng Toàn Ấn Majlis-e-Ittehadul Muslimeen (AIMIM), cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc "không kích chính xác" mà Ấn Độ tiến hành nhằm vào "các trại khủng bố trên lãnh thổ Pakistan".

 

Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đã lên án điều mà họ gọi là "hành động gây hấn của Ấn Độ khi tấn công vào khu dân cư bên kia biên giới".

 

PPP là một trong ba chính đảng lớn tại Pakistan và hiện do ông Bilawal Bhutto Zardari – con trai Tổng thống Asif Ali Zardari – làm chủ tịch.

 

Trong một tuyên bố đăng trên nền tảng X, đảng này nhấn mạnh rằng cuộc tấn công "không có lý do chính đáng" của Ấn Độ là hành vi vi phạm "luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và chủ quyền của Pakistan".

Tuyên bố nêu rõ, "Những hành vi khiêu khích của Ấn Độ sẽ bị đáp trả bằng toàn bộ sức mạnh và lòng quyết tâm không lay chuyển nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan".

 

Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi dự kiến sẽ đến thủ đô New Delhi vào cuối hôm nay 7/5, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Dự kiến, ông Araghchi sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu và Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar.

 

Trước đó trong tuần, ông Araghchi đã có chuyến thăm Islamabad, nơi ông hội đàm với Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan, Tướng Syed Asim Munir, và Thủ tướng Shehbaz Sharif. Theo tuyên bố của Iran, hai bên đã trao đổi về quan hệ song phương, hợp tác biên giới và tăng cường an ninh tại các khu vực giáp ranh giữa hai nước.

 

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, Iran đã đề xuất vai trò trung gian hòa giải giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này.

 

 

Ấn Độ tấn công vào đâu?

 

Ấn Độ cho biết vào rạng sáng ngày 7/5 rằng chín địa điểm khác nhau, ở cả khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và bên trong lãnh thổ Pakistan, đã bị nhắm tới.

 

Ấn Độ nói rằng các địa điểm này là "hạ tầng khủng bố" – những địa điểm "lên kế hoạch và chỉ đạo" các cuộc tấn công.

 

Họ nhấn mạnh rằng họ không tấn công bất kỳ cơ sở quân sự nào của chính quyền Pakistan, đồng thời khẳng định hành động của mình là "có chọn lọc, có kiểm soát và không mang tính leo thang".

 

Theo thông tin từ phía Pakistan, ba khu vực khác nhau đã bị tấn công: Muzaffarabad và Kotli ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát và Bahawalpur thuộc tỉnh Punjab của Pakistan.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif nói với GeoTV rằng các cuộc tấn công đã nhắm vào khu vực dân sự, đồng thời cho rằng tuyên bố của Ấn Độ về việc "nhắm vào trại khủng bố" là sai sự thật.

 

Theo thông báo của Ngoại trưởng Pakistan Muhammad Ishaq Dar, tám dân thường đã thiệt mạng và 35 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Ấn Độ.

 

Đến nay phía Ấn Độ chưa có phát ngôn nào liên quan đến con số thương vong nói trên.

 

Tại sao Ấn Độ tấn công?

 

Các cuộc không kích của Ấn Độ được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí nguyên tử, sau vụ xả súng đẫm máu tại thị trấn nghỉ dưỡng Pahalgam vào hôm 22/4.

 

Vụ tấn công ấy, do một nhóm tay súng vũ trang thực hiện, đã khiến 26 người thiệt mạng. Nhân chứng cho biết những kẻ tấn công đã cố tình nhắm vào đàn ông theo đạo Hindu, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp Ấn Độ. Đây được xem là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào dân thường ở khu vực Kashmir trong vòng hai thập kỷ.

 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ truy lùng các nghi phạm "tới tận cùng Trái Đất" và khẳng định những kẻ chủ mưu "sẽ phải trả giá vượt xa sức tưởng tượng". Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa công bố tổ chức nào đứng sau vụ tấn công.

 

Cảnh sát Ấn Độ cáo buộc hai tay súng trong nhóm tấn công là công dân Pakistan, đồng thời chỉ trích Pakistan hậu thuẫn các nhóm vũ trang. Pakistan đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định họ không liên quan đến vụ việc.

 

Trong hai tuần sau vụ xả súng, căng thẳng giữa hai bên liên tục gia tăng với loạt biện pháp trả đũa ngoại giao như trục xuất viên chức ngoại giao, ngưng cấp thị thực và đóng cửa khẩu biên giới. Giới quan sát nhận định một cuộc oanh kích quân sự xuyên biên giới là điều khó tránh, gợi nhớ đến kịch bản sau vụ đánh bom Pulwama năm 2019 khiến 40 nhân viên bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng.

 

 

Tại sao Kashmir là điểm nóng giữa Ấn Độ và Pakistan?

 

Kashmir là vùng lãnh thổ được cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố hoàn toàn chủ quyền, nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát một phần kể từ khi hai quốc gia tách ra sau khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947.

 

Giữa Ấn Độ và Pakistan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vì Kashmir.

 

Trong những năm gần đây, chính các vụ tấn công do các nhóm vũ trang tiến hành mới là yếu tố khiến căng thẳng giữa hai nước nhiều lần leo thang đến bên bờ xung đột.

 

Khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã chứng kiến một cuộc nổi dậy có vũ trang chống lại sự quản lý của chính quyền Ấn Độ từ (từ năm 1989), bao gồm việc các nhóm dân quân tấn công cả lực lượng an ninh lẫn dân thường.

 

Vụ xả súng gần đây là vụ tấn công lớn đầu tiên nhằm vào dân thường kể từ khi Ấn Độ bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp vào năm 2019 – điều khoản từng trao cho Kashmir quy chế tự trị.

 

Quyết định này đã dẫn đến các cuộc biểu tình, nhưng đồng thời cũng khiến hoạt động nổi dậy sụt giảm đáng kể và lượng khách du lịch đến khu vực tăng vọt.

 

Năm 2016, sau khi 19 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ tấn công tại Uri thuộc Kashmir, Ấn Độ đã thực hiện các cuộc "không kích chính xác" xuyên qua Đường Kiểm soát (Line of Control – ranh giới thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan), nhắm vào các căn cứ quân nổi dậy.

 

Đến năm 2019, vụ đánh bom ở Pulwama khiến 40 binh sĩ bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng đã châm ngòi cho đợt không kích sâu vào Balakot. Đó là lần đầu tiên Ấn Độ không kích sâu vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971, kéo theo các cuộc tấn công đáp trả và một trận không chiến giữa hai bên.

 

Dù không bên nào để xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn luôn cảnh giác trước nguy cơ leo thang. Nhiều quốc gia và các viên chức ngoại giao trên thế giới đã vào cuộc nhằm ngăn tình hình hiện tại biến thành khủng hoảng.

 

 

(Theo BBC)