(Chris McGrath/Getty Images)

 

 

 

 

Một số hãng truyền thông quốc tế như BBC của Anh, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle) phát hiện ra rằng, chính quyền Trung Quốc đã tuyển dụng nhiều người nổi tiếng trên Internet ở nước ngoài để làm các video liên quan đến Tân Cương trên YouTube, trong một nỗ lực nhằm tuyên truyền tẩy trắng hình ảnh cho Bắc Kinh.

 

 

Theo VOA đưa tin, gần đây nếu tìm kiếm từ “Xinjiang” - bính âm của "Tân Cương" trên YouTube, ngoài báo cáo từ các kênh truyền thông phương Tây, rất có thể còn xuất hiện video của các Youtuber người nước ngoài về Tân Cương. Trong các video này, một số người dùng YouTube đã chia sẻ những chuyến thăm cá nhân của họ đến Tân Cương, hoặc bác bỏ các báo cáo của phương Tây về tình trạng xâm phạm nhân quyền ở đây. Nhiều quan điểm và ý kiến ​​của những người này gần như nhất quán với tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh.

 

 

Cũng có một số người dùng YouTube là người nước ngoài đang sống tại Trung Quốc, như cha con người Anh tên là Lee Barrett và Oli Barrett, hay Jason Lightfoot người Anh. Các video mà họ tải lên cho thấy họ chưa đến Tân Cương, nhưng họ lại cho rằng Mỹ và các nước phương Tây khác đã tấn công Trung Quốc bằng tội danh diệt chủng và cưỡng bức lao động, mục đích là phá hoại sự ổn định của Trung Quốc và phục vụ cho lợi ích địa chính trị của phương Tây.

 

 

 

Người Duy Ngô Nhĩ vô cùng an toàn?.

 

Có một công dân Canada cư trú ở Trung Quốc, tên là Daniel Dumbrill, cũng chỉ trích phương Tây đã võ đoán về các vấn đề Tân Cương. Người này còn bảo vệ các chính sách của Trung Quốc với tư cách là một YouTuber nước ngoài. Ông nói rằng Hoa Kỳ cấm các sản phẩm Tân Cương với lý do cưỡng bức lao động, nhưng không có bằng chứng xác thực cho thấy nó đã lấy đi sinh kế của người Duy Ngô Nhĩ và khiến người dân thường phải chịu thiệt thòi.

 

 

Gần đây, ông này đã đến thăm Kashgar và những nơi khác ở Tân Cương, sau đó đăng một đoạn video nói rằng ông nhìn thấy những đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ chơi với nhau bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng, các biển báo trên đường phố được viết bằng cả tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Trung Quốc, và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang loại bỏ ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ như những gì phương Tây nói. Ông ta nói rằng, xác thực có một lượng lớn cảnh sát và camera giám sát trên đường phố, nhưng người Duy Ngô Nhĩ địa phương lại nói rằng hiện tại vô cùng an toàn.

 

 

 

CGTN tìm kiếm kênh tuyên truyền cho Bắc Kinh.

 

Theo VOA, trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã triển khai một số hoạt động nhằm tìm kiếm những người nước ngoài có thể nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, mạng truyền hình toàn cầu CGTN của Trung Quốc - công ty con của CCTV đã phát động một cuộc thi có tên "Những người thách thức truyền thông" (Media Challengers), nhằm tìm ra các nhà báo, người dùng YouTube và những người nổi tiếng trên Internet trên toàn thế giới. Cuối cùng, người chiến thắng sẽ nhận được số tiền thưởng lên đến 10.000 đô-la Mỹ và có cơ hội nhận được công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại CGTN.

 

 

Ngoài ra, BBC của Anh cũng dẫn lời một số nguồn tin cho biết, hiện tại, CGTN tập trung vào việc sử dụng "những người nổi tiếng trên Internet và những người có danh tiếng khác" để phản bác báo cáo của các kênh truyền thông nước ngoài. CGTN thậm chí còn đặc biệt thiết lập một bộ phận tên là "Người nổi tiếng trên Internet”. Bộ phận này có nhiệm vụ liên hệ với người ngoại quốc, thảo luận về việc sử dụng video của họ hoặc các công việc liên quan đến hợp tác sản xuất, và thậm chí sắp xếp cho họ đến Tân Cương.

 

 

 

 

Nhà báo bị kiểm soát, khác với hình ảnh đẹp đẽ trong video của các Youtuber.

 

Các YouTuber nước ngoài này hầu như đều cố tình không đề cập đến những căng thẳng tại địa phương trong các video ghi lại chuyến thăm Tân Cương của họ. Theo báo cáo của Deutsche Welle, hai nhà báo Đức đã đến Tân Cương để phỏng vấn một nhà máy địa phương do Đức đầu tư, cả hai đều bị chính quyền Trung Quốc theo dõi trên đường đi, thậm chí họ còn bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần.

 

 

Khi hai nhà báo đi đến trước cổng của một nơi bị nghi là "trại cải tạo”, họ nghe thấy từ trong đó phát ra "bài hát yêu nước". Sau khi đứng ở đó một vài phút, 2 nhà báo này bị 8 cảnh sát bao vây và kiểm tra danh tính.

 

 

Nhưng những hình ảnh này sẽ không xuất hiện trong video của các Youtuber nổi tiếng kia. Hầu hết các video của họ sẽ tập trung vào hành trình du lịch ở Tân Cương, thậm chí còn có những tiêu đề như "Đường phố toàn mỹ nhân" để thu hút mọi người. Và trong những video này, các blogger du lịch sẽ không đề cập quá nhiều đến các phương tiện giám sát công nghệ cao trên đường phố Tân Cương, chứ chưa nói đến việc bị cảnh sát điều tra.

 

 

 

 

Nếu Bắc Kinh không cho phép, sao các Youtuber có thể dễ dàng vượt tường lửa đăng video?.

 

Ông Bret Schafer, một nhà nghiên cứu về bảo vệ truyền thông của liên minh dân chủ và một số chuyên án thông tin sai lệch tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ (German Marshall Fund of the United States), nói với VOA rằng, rất khó để xác định liệu những người dùng YouTube nước ngoài này có nhận được tài trợ từ chính quyền Bắc Kinh hay không, hoặc tuyên bố của họ về Trung Quốc có phải lời thật lòng hay không.

 

 

Tuy nhiên, ông nói rằng Trung Quốc có tường lửa Internet, do đó các nền tảng truyền thông mạng xã hội của phương Tây như YouTube sẽ bị chặn. Nhưng những YouTuber người nước ngoài sống ở Trung Quốc lại có thể thoải mái sử dụng VPN để đăng tải video lên YouTube. Điều này cho thấy họ đã có được sự chấp thuận và ủng hộ nhất định từ phía Bắc Kinh.

 

 

 

Ông Schafer đặt ra câu hỏi, nếu quan điểm của bạn về chính phủ Trung Quốc là tiêu cực, bạn vẫn có thể được phép đăng nhập vào các nền tảng mạng xã hội này hay không? 

 

 

Ông cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh rất rõ ràng, giống như những gì mà Nga đã làm bấy lâu nay. Đó là truyền bá những tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc thông qua miệng của người nước ngoài, như vậy sẽ làm cho những quan điểm này trở nên đáng tin cậy hơn.

(ntdvn.com - Theo Vision Times)