Nguồn: Nathan Attrill, “China’s ‘Taiwanese separatist’ hotline shows expanding lawfare strategy”, The Strategist, 09/07/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy (nghiencuuquocte.org)
Chiến dịch cưỡng ép Đài Loan của Bắc Kinh đang chuyển sang giai đoạn căng thẳng hơn về mặt pháp lý. Trong khi các cuộc tập trận quân sự và chiến tranh nhận thức vẫn là những yếu tố chính trong chiến thuật cưỡng ép của Bắc Kinh, Trung Quốc hiện đang tăng cường ử dụng luật pháp một cách có hệ thống để nhắm mục tiêu vào nền dân chủ của Đài Loan. Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực hình sự hóa các nhà lãnh đạo được bầu của Đài Loan, đáng chú ý nhất là việc thiết lập một đường dây nóng tố cáo công khai.
Điều đó cho thấy mức độ mở rộng của chiến lược chiến tranh pháp lý mà Bắc Kinh đang phát triển – tức là việc xử dụng các công cụ pháp lý và đấu trường tư pháp để đạt được mục tiêu chánh trị. Chiến tranh pháp lý hiện là một lĩnh vực cưỡng ép của Bắc Kinh chống lại Đài Loan — nơi các thủ đoạn được thực hiện thông qua các phiên tòa và điều khoản luật pháp. Mục tiêu rõ ràng là nhằm cô lập, đe dọa và tước bỏ tính hợp pháp của giới lãnh đạo Đài Loan, tất cả dưới chiêu bài của một quy trình pháp lý.
Trọng tâm của chiến dịch này là cái gọi là danh sách “những kẻ ngoan cố đòi độc lập Đài Loan” của Bắc Kinh. Được công bố vào tháng Tám năm 2024, danh sách này ban đầu nêu tên 10 chánh trị gia và nhân vật công chúng Đài Loan bị buộc tội ủng hộ ly khai. Hai người nữa đã được thêm vào tháng 10/2024. Danh sách ban đầu bao gồm Phó Tổng thống, Tiêu Mỹ Cầm, Bộ trưởng Quốc phòng, Cố Lập Hùng, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, Ngô Chiêu Nhiếp và các viên chức lập pháp cấp cao bao gồm cựu Chủ tịch Lập pháp Viện, Du Tích Khôn. Họ bị cáo buộc đã thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của Đài Loan, tăng cường quan hệ với các nền dân chủ có cùng tư tưởng, và – điều quan trọng nhất trong mắt Bắc Kinh – bác bỏ nguyên tắc Một Trung Quốc.
Trung Quốc đã không dừng lại ở việc nêu tên. Để danh sách đen này có hiệu lực pháp lý, Bắc Kinh tuyên bố rằng những người trong danh sách sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự suốt đời theo luật pháp Trung Quốc. Các hướng dẫn tư pháp mới cũng cho phép các tòa án Trung Quốc xét xử vắng mặt những cá nhân này. Các hình phạt cho tội danh “ly khai” có thể là tù chung thân hoặc thậm chí án tử hình. Tất cả đều bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao. Điều đáng lo ngại hơn là những chỉ định này có thể tạo cơ sở để biện minh cho các lệnh bắt giữ quốc tế hoặc việc tịch thu tài sản ở nước ngoài.
Cùng với đòn tấn công pháp lý này, Bắc Kinh còn phát động một điều đáng sợ hơn: đường dây nóng tố giác công khai. Được đặt trên trang web của Văn phòng Sự vụ Đài Loan và Bộ Công an Trung Quốc, đường dây nóng này mời gọi bất kỳ ai – ở cả hai bên eo biển – gửi thông tin về “hành vi phạm tội” của những kẻ mà họ gọi là ly khai. Đường dây nóng này là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng võ khí hóa sự đe dọa pháp lý trên quy mô lớn. Bằng cách khuyến khích công chúng tham gia nhận diện hoặc tố cáo các nhân vật lãnh đạo dân chủ của Đài Loan, Trung Quốc hy vọng sẽ biến chiến dịch pháp lý của mình từ nỗ lực cấp nhà nước thành một nỗ lực mang tính xã hội.
Kể từ khi ra mắt vào năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố đường dây nóng tố giác của họ đã nhận được gần 6.000 báo cáo, với sự gia tăng đáng kể về hoạt động từ tháng 3 đến tháng 5. Các quan chức Trung Quốc ca ngợi đây là sự ủng hộ của công chúng trong việc trừng phạt những kẻ ly khai, nhưng giới phê bình cảnh báo rằng điều này sẽ khuyến khích việc giám sát hàng loạt và các bản án được nhà nước hậu thuẫn. Đây là một chiến thuật tiêu chuẩn của chế độ độc tài: huy động công chúng để cô lập các kẻ thù chánh trị, trong khi vẫn ngụy biện đó là nghĩa vụ công dân.
Điều này cũng củng cố lập luận dối trá cốt lõi trong cách ứng xử của Trung Quốc đối với Đài Loan: rằng yêu sách chủ quyền của họ đối với hòn đảo đã được định đoạt, và rằng luật pháp Trung Quốc đương nhiên có hiệu lực đối với các nhân vật lãnh đạo và công dân được bầu của Đài Loan. Đây không chỉ là một vấn đề về mặt diễn ngôn. Bắc Kinh đưa ra càng nhiều yêu sách pháp lý vào chính sách nhà nước, và càng xây dựng các công cụ thực thi như đường dây nóng và hướng dẫn tuyên án, thì việc rút lại chúng càng khó khăn. Cái hiện nay là “chiến tranh pháp lý” có thể trở thành thực thi pháp luật trong trường hợp xung đột.
Danh sách đen này được dùng để bôi nhọ và cô lập những tiếng nói nổi bật nhất của Đài Loan trên trường quốc tế. Đường dây nóng này nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi, ngụ ý rằng bất cứ ai – từ nhà hoạt động cho đến nhà báo – đều có thể bị tố giác là kẻ ngoan cố và trở thành mục tiêu tương ứng. Cùng nhau, chúng nhằm mục đích tạo ra một bầu không khí nơi sự tự kiểm duyệt phát triển mạnh, ngoại giao bị đình trệ, và các nhà lãnh đạo Đài Loan phải đối mặt với thiệt hại về danh tiếng ở nước ngoài và rủi ro cá nhân ở trong nước.
Tuy nhiên, những tác động cho đến nay có thể không phải là điều Bắc Kinh mong muốn. Tại Đài Loan, động thái này đã thúc đẩy sự đoàn kết hiếm thấy giữa các đảng phái chánh trị. Ngay cả Quốc dân đảng và Đảng Nhân dân Đài Loan đối lập - vốn thường thận trọng hơn trong chánh sách Trung Quốc của mình – cũng đã lên tiếng chỉ trích danh sách đen và tố cáo việc Bắc Kinh cố gắng hình sự hóa các cuộc thảo luận dân chủ. Các viên chức chánh phủ có tên trong danh sách phần lớn đã bác bỏ nó, coi đó như một “huy hiệu danh dự” đến từ một chế độ độc tài.
Tuy nhiên, sức chống chịu trong nội địa của Đài Loan không nên khiến chúng ta bỏ qua những rủi ro dài hạn hơn. Chiến tranh pháp lý hiếm hiếm khi nhằm mục đích bắt giữ ngay lập tức; đó là về sự xói mòn dần dần. Liệu các chánh trị gia trẻ tuổi có suy nghĩ kỹ trước khi chỉ trích Bắc Kinh? Liệu các diễn đàn quốc tế có ngần ngại đón tiếp các viên chức Đài Loan bị đưa vào danh sách đen? Liệu các chủ thể xã hội dân sự Đài Loan có bắt đầu tự hỏi những bình luận hay quan hệ đối tác nào có thể một ngày nào đó bị coi là “tội ác ly khai”? Đây là những câu hỏi mà Bắc Kinh mong muốn sẽ nảy sinh và âm ỉ.
Hơn nữa, phản ứng của cộng đồng quốc tế đến nay vẫn chưa đồng bộ. Mỹ đã lên án đúng đắn động thái này là leo thang. Nhật Bản và các nền dân chủ khu vực khác đã lên tiếng lo ngại về căng thẳng ở eo biển. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn cần phải làm nhiều hơn nữa để đẩy lùi việc bình thường hóa một cách âm thầm của thứ luật pháp độc đoán vượt biên giới này. Các nền dân chủ phải tái khẳng định rằng luật pháp Trung Quốc không có quyền tài phán đối với các nhà lãnh đạo Đài Loan, và những người bảo vệ tự do trong nước sẽ được ủng hộ từ nước ngoài.
Nathan Attrill là chuyên gia phân tách về Trung Quốc trong chương trình An ninh, Công nghệ và Không gian mạng của tổ chức tư vấn độc lập chánh sách chiến lược Úc Đại Lợi - Australia Strategic Policy Institute (ASPI).