Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng, ngày 19/06/2024. (Ảnh do KCNA phổ biến ngày 20/06/2024). AP
Ngày 19/06/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác. Phương Tây, kể cả Nam Hàn (Nam Triều Tiên) và Nhật Bản, cho rằng chuyến thăm Bắc Triều Tiên của nguyên thủ Nga đặt Bắc Kinh vào thế khó xử, nhưng phần lớn giới học giả Trung Quốc nhận định việc Nga – BắcTriều Tiền tái lập liên minh là có lợi cho mục tiêu lớn của Bắc Kinh : Chống thế bá quyền của Mỹ!
Nga – Bắc Triều Tiên nâng cấp quan hệ là cần thiết.
Theo trang The Diplomat (03/07/2024), điều duy nhất mà một bên là Mỹ cùng các đồng minh và bên kia là Trung Quốc đều đồng tình đó là chuyến thăm Bình Nhưỡng của tổng thống Putin nhằm vực dậy mối « liên minh » bằng hữu xã hội chủ nghĩa có từ hàng thập kỷ giữa Bắc Triều Tiên và Nga (trước đó là Liên Xô) là cần thiết. Matxcơva hiện đang bị cô lập và suy yếu về mặt địa chính trị, hệ quả của cuộc chiến tổng lực mà Nga tiến hành tại Ukraina.
Về điểm này, David Teurtrie, tiến sĩ địa lý, Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo, trả lời RFI Tiếng Việt, giải thích ít nhất có hai lý do để Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác.
David Teurtrie : « Như chúng ta đã biết, Bắc Triều Tiên là một quốc gia cực kỳ khép kín và đang hứng chịu các đòn trừng phạt quốc tế từ nhiều thập niên qua. Do vậy, nước này giờ hầu như trở nên "vô cảm" với các trừng phạt, nếu Bắc Triều Tiên có hợp tác với Nga thì điều đó cũng không làm thay đổi gì nhiều cho nước này. Bắc Triều Tiên chẳng còn sợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bởi vì họ đã bị các đòn trừng phạt. Đây là điểm thứ nhất.
Điều thứ hai, Bắc Triều Tiên là một nước đã được quân sự hóa rất cao và có khả năng sản xuất số lượng lớn vũ khí, nhất là đạn pháo. Tuy nhiên, dù Nga sản xuất đạn pháo nhiều hơn của phương Tây, rõ ràng nước này muốn có thể sử dụng ngay một lượng lớn đạn pháo để giành lợi thế ở Ukraina và sau đó có lẽ cũng để tái lập kho dự trữ của mình.
Trong bối cảnh này, Nga đã xích lại gần Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên là các nước trong khu vực như Nhật Bản và Nam Hàn theo dõi vụ việc với nỗi lo lắng, bởi vì họ sợ rằng đáp lại, Nga sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong một số lĩnh vực. Vì vậy, sẽ có một sự tái cân bằng quân sự trong vùng, hệ quả gián tiếp của cuộc chiến ở Ukraina. »
Chỉ vài giờ sau khi Matxcơva và Bình Nhưỡng ký kết hiệp ước quốc phòng mới, ngoại trưởng Anthony Blinken khi trao đổi điện thoại với đồng cấp Nam Hàn đã lên án mối hợp tác quân sự ngày càng được củng cố giữa Nga và Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc « mềm mỏng »
Giới phân tích phương Tây e ngại rằng quan hệ giữa Kim Jong Un và Vladimir Putin còn khuyến khích Bắc Triều Tiên thêm hung hăng. Trên tuần báo kinh tế Anh, The Economist, chuyên gia Ankit Panda, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Thế giới, tóm lược « đây là một cơ hội chiến lược lớn nhất cho Bắc Triều Tiên từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. »
Nếu như phương Tây đặc biệt chú ý đến chuyến công du Bình Nhưỡng của nguyên thủ Nga, lo lắng về hợp tác quân sự giữa một nước Nga « hiếu chiến » và một Bắc Triều Tiên « bất hảo », thì ngược lại Trung Quốc có những phản ứng rất « mềm mỏng », không tỏ ra quan ngại, nhưng cũng không hoan nghênh hiệp ước quốc phòng Nga – Bắc Triều Tiên.
Bình luận chính thức từ Bắc Kinh là tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Tôn Vệ Đông, « Bắc Triều Tiên và Nga, hai quốc gia láng giềng thân thiện, có nhu cầu trao đổi và phát triển mối quan hệ bình thường và cuộc gặp cấp cao của họ là những thỏa thuận song phương giữa hai nước có chủ quyền. »
Làm thế nào giải thích cho phản ứng « yếu ớt » này của Trung Quốc trước việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần hơn với một hiệp ước quốc phòng mới, có nguy cơ làm nghiêng cán cân quyền lực giữa ba nước độc tài ?
Hãng tin Mỹ AP ngày 21/06/2024 dẫn phân tích của chuyên gia nghiên cứu Victor Cha(*1) cho rằng đó có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chưa biết phải làm gì. Theo ông Cha, một số chuyên viên phân tích ở Bắc Kinh có thể hoan nghênh quan hệ đối tác Nga – Bắc Triều Tiên, xem đấy như là cách để đẩy lùi thế thống trị của Mỹ, nhưng số khác lo lắng trước nguy cơ bất ổn do nước Nga gây ra, đưa xung đột ở Âu châu vào Á châu. Chính sách « hướng đông » của Nga buộc Trung Quốc phải cảnh giác rằng sự hiện diện ngày càng mạnh của Nga có khả năng gây ra bất ổn cho bán đảo Triều Tiên.
Thượng đỉnh Putin - Kim: Thời điểm thuận lợi
Nhưng chuyên gia nghiên cứu Hemant Adlakha(2) trên trang The Diplomat lưu ý, để hiểu được « thâm ý » của Bắc Kinh về sự kiện này, cần phải quan sát phản ứng của các chuyên gia phân tích trên khắp cả nước cùng với nhiều tổ chức tư vấn, các khoa đại học ở Trung Quốc. Phần đông những người này đều có phản ứng về việc ông Putin ủng hộ Bắc Triều Tiên, ít nhất vì ba điểm.
Thứ nhất, thời điểm hoàn hảo của thượng đỉnh Kim - Putin. Dựa vào các nguồn tin được loan truyền trên diễn đàn sohu.com, nhân vật quan sát Adlakha nhận thấy ngày giờ chuyến thăm Bình Nhưỡng dường như đã được Matxcơva tính toán với sự tham vấn của Bắc Kinh. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rút ngắn thời gian chuyến thăm xuống còn một ngày, thay vì hai ngày, khi đến Bình Nhưỡng lúc ba giờ sáng mà không thông báo cho đồng nhiệm Bắc Triều Tiên.
Nhiều chuyên viên phân tích Trung Quốc cho rằng, quyết định này của nguyên thủ Nga là nhằm tránh có những tác động bất lợi cho cuộc họp cấp cao ba bên Trung – Nhật – Hàn đang diễn ra và quan trọng hơn, theo quan điểm của Bắc Kinh, một vòng đàm phán song phương mới Seoul – Bắc Kinh, cuộc họp cấp thứ trưởng 2+2 đầu tiên về ngoại giao và an ninh đang diễn ra cùng lúc tại Seoul.
Do vậy, để « giữ thể diện cho Kim Jong Un », tổng thống Nga đã dừng chân đột xuất hơn 5 tiếng đồng hồ ở Yakutsk, thủ đô cộng hòa Sakha của Nga để thị sát và trao đổi với người dân địa phương. Và sự chậm trễ này cũng giúp Bắc Kinh tránh phải giải thích cho Seoul lý do Trung Quốc « im lặng » trước sự can dự của Nga (cùng với Bắc Triều Tiên) gây nguy hiểm cho tình hình an ninh bán đảo, vì ông Putin chỉ bắt đầu chuyến thăm sau khi hội nghị 2+2 kết thúc.
Cải thiện quan hệ Trung Quốc - Liên Âu
Thứ hai,Bắc Kinh cho rằng việc Nga và Bắc Triều Tiên siết chặt quan hệ mang lại nhiều lợi thế. Đầu tiên hết, hiệp ước quân sự Nga – Bắc Triều Tiên khiến Mỹ lo ngại, thậm chí sợ hãi, và do vậy, đối với nhiều chuyên gia phân tích, việc Putin và Kim xích lại gần hơn là « một sự lựa chọn hợp lý ».
Tiếp đến, việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược cho Matxcơva có thể giúp Bắc Kinh giảm bớt một số hoạt động giao thương với Nga, và như vậy giúp cải thiện mối quan hệ Trung Quốc - Liên Hiệp Âu Châu, do các nước Liên Âu xem việc xuất cảng hàng hóa lưỡng dụng sang Nga là mối đe dọa lớn.
Sau cùng, các chuyên gia bình luận Trung Quốc đánh giá, việc Bình Nhưỡng xuất cảng đạn pháo cho Nga có thể giúp cải thiện sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Lý do là cuộc trao đổi này sẽ làm cạn kiệt kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, giúp cho nỗ lực của Bắc Kinh duy trì hòa bình và ổn định Đông Bắc Á.
Cũng theo phân tích từ giới học thuật Trung Quốc, những áp lực quân sự, đà bành trướng chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các đồng minh NATO, từ sự mở rộng liên minh quân sự ở Âu châu, cuộc xung đột Nga – Ukraina, cho đến các liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Đông Bắc Á nhắm vào Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy Nga – Bắc Triều Tiên nâng cấp quan hệ. Chiến lược lâu dài của Mỹ và các đồng minh nhằm cô lập, kềm chế Nga và Bắc Triều Tiên sẽ tự động thúc đẩy hai nước hợp tác để đối phó với mối đe dọa chung này.
Cầu Đồ Môn : Lời hứa của Putin với Tập Cận Bình
Lý do thứ ba được nhiều chuyên gia phân tích nhắc đến và cho rằng còn quan trọng hơn cả Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga – Bắc Triều Tiên : Thỏa thuận giữa Putin và Kim về việc sớm xây dựng cây cầu xuyên biên giới bắc qua sông Đồ Môn. Điều này cho thấy tổng thống Nga đã giữ lời hứa với đồng nhiệm Trung Quốc nhân cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/5 : Cam kết đàm phán với Bắc Triều Tiên về cửa sông Đồ Môn.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã để mất khu vực đông bắc giáp với Nga, Bắc Triều Tiên và vùng biển Nhật Bản đã rơi vào tay đế quốc Nga sau Hiệp ước Bắc Kinh khi quân đội Anh và Pháp chiếm đóng Bắc Kinh năm 1860. Ngày nay phần lãnh thổ nhỏ này cản trở Trung Quốc tiếp cận biển Nhật Bản. Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc không ngừng tìm cách thúc đẩy dự án xây cầu, nối vùng Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm) của Trung Quốc với Sonbonguyok, Bắc Triều Tiên, nhưng bất thành.
Giao điểm biên giới giữa ba nước Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên trên sông Đồ Môn. © Wikipedia
Theo quan sát từ trang Nikkei Asia của Nhật Bản, các yếu tố như « Chiến tranh lạnh mới », nỗi khao khát vũ khí nguyên tử ngày càng lớn của Bình Nhưỡng, xích mích ngày một tăng giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên và nỗi bất an của Nhật Bản trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đều có tác dụng gây trở ngại cho mong muốn ấp ủ từ lâu của Bắc Kinh nhằm tiếp cận Biển Nhật Bản thông qua biên giới sông Nga – Bắc Triều Tiên.
Giới học giả Trung Quốc có vẻ hào hứng với thỏa thuận cầu vượt biên giới sông Đồ Môn ở Bình Nhưỡng, nhưng họ cũng không quên sự vỡ mộng đã tích tụ nhiều thập kỷ qua, khi hết thỏa thuận này đến thỏa thuận khác bị phớt lờ một cách lặng lẽ. Trong bối cảnh này, giới phân tích Trung Quốc theo dõi chặt chẽ mối quan hệ Nga – Bắc Triều Tiên trước khả năng đạt được ba mục tiêu của Trung Quốc : Cải thiện quan hệ với Âu châu, làm cạn kiệt kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, và xây dựng cây cầu xuyên biên giới bắc qua sông Đồ Môn để ra biển Nhật Bản.
Do vậy, trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt, tiến sĩ địa lý David Teurtrie, Viện Nghiên cứu Cao học Công giáo nhận định, trái với nhiều phân tích cho rằng đối tác quốc phòng Nga – Bắc Triều Tiên khiến Trung Quốc khó chịu, việc Vladimir Putin và Kim Jong Un tăng cường quan hệ khó có thể làm tổn hại đến quan hệ Nga - Trung.
David Teurtrie : « Điều rõ ràng à Matxcơva rất chú ý đến quan điểm của Bắc Kinh, bởi vì dẫu sao đi chăng nữa, đây còn là một đối tác lớn, một đối tác chính của Nga và hiển nhiên Nga không thể xa lánh Trung Quốc vào lúc này, đây không hoàn toàn là ý định của Matxcơva. Vì vậy, Nga sẽ phải tỏ ra cẩn trọng và chú ý đến những gì có thể khiến Trung Quốc e ngại là sự việc đã đi quá xa. Tôi nghĩ là họ vẫn sẽ khá cẩn thận.
Bây giờ điều chúng ta cần ghi nhớ là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phương Tây đang xấu đi. Đối với Bắc Kinh, mối quan hệ hợp tác này không hoàn toàn là một vấn đề. Thậm chí cách nay 5 hay 6 năm, điều đó có lẽ sẽ gây phiền phức, bởi vì chúng có nguy cơ gây ra những căng thẳng mà Trung Quốc không mong muốn với phương Tây. Giờ chúng ta không còn trong giai đoạn đó nữa. »
**********
Ghi chú :
1 – Victor Cha, phó chủ tịch cấp cao phụ trách Á châu và Nam Hàn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS.
2 – Hemant Adlakha, giảng viên tiếng Hoa tại đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi. Ông cũng là phó Chủ tịch và là thành viên danh dự của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (ICS), New Delhi.
(Theo RFI Việt ngữ)