Trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra lúc 7 giờ 58 giờ Đài Loan (6 giờ 58 giờ Việt Nam) sáng thứ Tư (ngày 3/4) (Ảnh: BBC Việt ngữ, Getty Images)

 

 

 

ĐÀI LOAN - Tính đến ngày 4/4, trận động đất mạnh nhất 25 năm ở Đài Loan đã cướp đi sinh mệnh của ít nhất 9 người và khiến hơn 1.000 người bị thương.

 

Ba trong số 9 người thiệt mạng là những người đi bộ đường mòn lên công viên quốc gia Taroko, nằm bên ngoài Hoa Liên, một thành phố ở bờ phía đông đảo Đài Loan.

 

Một số người mắc kẹt trong đường hầm và gần công viên quốc gia Taroko đã được giải cứu. Tuy nhiên, vẫn còn 34 người mất tích.

 

Trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra lúc 7 giờ 58 giờ Đài Loan (6 giờ 58 giờ Việt Nam) sáng thứ Tư (ngày 3/4), với chấn tâm nằm cách thành phố Hoa Liên 20 km về phía nam.

 

Tiếp sau trận động đất, đã có thêm 200 đợt dư chấn, hàng chục đợt mạnh ít nhất 6,5 độ.

 

Trận động đất lớn gần đây nhất xảy ra ở Đài Loan là vào tháng 9/1999, mạnh 7,6 độ, khiến 2.400 người thiệt mạng và 5.000 tòa nhà bị phá hủy.

 

Riêng thành phố Hoa Liên vào năm 2018 từng trải qua một trận động đất khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và 285 người bị thương.

 

 

Chưa thấy có ghi nhận người Việt Nam bị thương trong trận động đất.

 

Lực lượng cứu nạn ở Đài Loan đang chạy đua với thời gian để giải cứu khoảng 100 người vẫn còn bị mắc kẹt.

 

Chị Nguyễn Thị Nga, điều dưỡng ở thành phố Cao Hùng, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 3/4 "Hơn hai mươi năm sống ở Đài Loan, đã quen với động đất nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận thiên tai mạnh đến vậy,"

 

Sáng 3/4, chị Nga đang ngồi uống cà phê trong căn hộ ở tầng ba chung cư thì thấy những chậu cây bên ban công rung lắc dữ dội.

 

Chị Quý Bùi ở thành phố Đào Viên cho biết khi đang ngồi ở ghế thì tưởng chừng như bị ngã xuống đất.

 

 

 

Vì sao Đài Loan hay xảy ra động đất?

 

 

Các trận động đất với mức độ từ trung bình đến lớn tại Đài Loan là điều thường xuyên xảy ra (Ảnh: BBC Việt ngữ, Getty Images)

 

 

Đài Loan nằm dọc theo một phần của Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới. Vành đai này dài khoảng 40.000 km và có hình dạng tương tự vành móng ngựa.

 

Theo thống kê từ kênh National Geographic, khoảng 90% các trận động đất trên toàn cầu xảy ra dọc theo vành đai này. Nơi đây cũng chiếm đến 75% số núi lửa còn hoạt động trên thế giới.

 

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết Đài Loan nằm trong khu vực kiến tạo phức tạp gần giao điểm của ba mảng kiến tạo chính – mảng biển Philippines ở phía đông và đông nam, mảng Á-Âu ở phía bắc và phía tây, và mảng Sunda ở phía tây nam.

 

Với vị trí như vậy, USGS nhận định các trận động đất với mức độ từ trung bình đến lớn tại Đài Loan là điều thường xuyên xảy ra.

 

Số liệu của USGS cũng cho thấy Đài Loan và các vùng biển xung quanh đã ghi nhận khoảng 2.000 trận động đất có cường độ từ 4,0 trở lên kể từ năm 1980, trong đó có hơn 100 trận động đất có cường độ trên 5,5.

 

 

 

Đài Loan đã chuẩn bị gì?

Thảm họa động đất năm 1999 như một lời cảnh tỉnh đối với chính phủ Đài Loan, tạp chí Time dẫn lời giáo sư chính sách công Daniel Aldrich từ Đại học Northeastern ở Boston (Mỹ).

 

“Các nhà quan sát chỉ trích mạnh mẽ phản ứng chậm chạp của chính phủ Đài Loan đối với trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999. Phải mất nhiều giờ thì đội phản ứng y tế khẩn cấp mới đến nơi, lực lượng cứu hộ thiếu đào tạo và các cơ quan chính phủ đã không phối hợp tốt,” ông Aldrich nói.

 

Sau thảm họa này, chính phủ Đài Loan đã thông qua Đạo luật Phòng chống và Ngăn ngừa Thiên tai, cũng như thành lập hai trung tâm quốc gia để điều phối và đào tạo nhằm đối phó với động đất.

 

Năm 2018, chính phủ Đài Loan đã công bố đánh giá hơn 34.000 tòa nhà, đồng thời yêu cầu các chủ sở hữu của những tòa nhà này phải hoàn thành việc cải tạo để đảm bảo độ an toàn.

 

Tờ Taipei Times thông tin rằng vào năm 2022, Bộ Nội vụ Đài Loan đã vạch ra những thay đổi về quy chuẩn xây dựng, bao gồm cả việc gia cố cho các tòa nhà dễ bị động đất ảnh hưởng.

 

 

 

Tòa nhà Đài Bắc 101 được thiết kế đặc biệt chống chịu được với động đất (Ảnh: BBC Việt Ngữ, Getty Images)

 

 

Đài NBC dẫn lời nhận xét của Stephen Gao, giáo sư địa chất tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, rằng “Công tác chuẩn bị cho động đất tại Đài Loan thuộc hàng tốt nhất toàn cầu. Họ có các quy định xây dựng nghiêm ngặt, mạng lưới nghiên cứu địa chất đẳng cấp thế giới và các chiến dịch giáo dục cộng đồng rộng rãi về an toàn khi xảy ra động đất.” 

 

 

Đài Loan đang đẩy mạnh các cuộc diễn tập động đất tại các trường học và nơi làm việc còn các phương tiện truyền thông đại chúng thì thường xuyên gửi lời cảnh báo về động đất tới người dùng.

 

Ông Gao đánh giá những biện pháp trên tăng cường đáng kể khả năng phục hồi của Đài Loan cũng như giảm thiểu thiệt hại về người và của.

 

Khi nhìn những hình ảnh về trận động đất vừa xảy ra tại Đài Loan, có thể thấy nhiều tòa nhà nhỏ bị nghiêng, đổ, trong khi các tòa cao ốc vẫn đứng vững. Điều này không chỉ do các tòa nhà này nằm xa chấn tâm, mà một phần là do chúng được thiết kế để có thể chống chịu được các trận động đất.

 

Tòa nhà Đài Bắc 101 là ví dụ điển hình cho một công trình tốt có thể ứng phó với động đất. Thiết kế đặc biệt của tòa nhà cao 508 m này giúp nó giảm đến 40% độ rung lắc khi có bão và động đất.

 

Một quả cầu màu vàng nặng 660 tấn được treo ở tầng 92 của tòa Đài Bắc 101 đóng vai trò như một bộ giảm chấn. Khi tòa nhà nghiêng theo một hướng, quả cầu thép sẽ lắc theo hướng ngược lại để duy trì sự cân bằng tổng thể của công trình. Bên cạnh đó, cứ mỗi tám tầng, tòa nhà sẽ có một giá chống đỡ bằng thép được đan từ lõi đến các cột bên ngoài để tăng cường độ cứng cáp và hạn chế sự rung lắc.

 

 

 

 

Từ chối sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

 

Không lâu sau khi trận động đất xảy ra, Văn phòng Các Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ.

 

Tuy nhiên, Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã đáp lại bằng một tuyên bố ngắn rằng họ không cần Bắc Kinh giúp đỡ.

 

Tờ SCMP, của Trung Quốc, trích dẫn tuyên bố từ phía Đài Loan, cho hay rằng“Chúng tôi nhận thấy Văn phòng các vấn đề Đài Loan của đại lục đã bày tỏ quan ngại về trận động đất ở vùng biển ngoài khơi Hoa Liên sáng nay. Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của họ, nhưng phía đại lục không cần phải hỗ trợ chúng tôi trong việc cứu trợ thiên tai.”

 

Vào năm 2018, Đài Loan đã có động thái tương tự khi từ chối lời đề nghị gửi người tham gia cứu hộ từ phía Trung Quốc.

 

Lời đề nghị được đưa ra một ngày sau khi trận động đất mạnh 6,4 độ làm rung chuyển thành phố Hoa Liên vào tháng 2/2018. Đài Loan khi ấy khẳng định họ có đủ nhân lực cứu hộ và không cần sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

 

(Theo BBC Việt Ngữ)