Ông Trump trong cuộc họp báo tại Hà Nội (ảnh: Reuters).
Chính phủ Mỹ có kế hoạch điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ với cáo buộc có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại lớn, Bloomberg hôm 30/9 trích dẫn nguồn thạo tin.
Cuộc điều tra mới được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi gồm 10 nước có khả năng thao túng tiền tệ vào tháng 1. Malaysia và Singapore cũng có mặt trong danh sách này.
Đến tháng 8, Bộ Thương mại và Tài chính Hoa Kỳ kết luận rằng Việt Nam đã thao túng tiền tệ của họ trong ít nhất một vụ thương mại liên quan đến xuất khẩu lốp xe.
Washington có thể quyết định sớm nhất vào tuần tới rằng, các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, mặc dù vẫn chưa rõ liệu chúng có được thực thi trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào hôm 3/11 tới đây hay không và liệu chúng có được áp dụng đối với một số sản phẩm nhập khẩu nhất định hay không.
Các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra dưới hình thức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu và các quy tắc liên bang mới được thông qua trong năm nay ở Mỹ cho phép Bộ Thương mại có thời gian tăng thuế cao hơn dựa trên mức độ thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt thuế quan trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. Vào tháng 6/2019, Ấn Độ đã mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Mỹ do tranh chấp thương mại.
Hồi tháng 6/2019, Hoa Kỳ áp dụng thuế đối với các sản phẩm thép của Việt Nam vì nghi ngờ rằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất chỉ đơn giản là được đổi tên thành sản xuất tại Việt Nam. Đây là một chiêu trò để lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Trước động thái này của Washington, Việt Nam đã thắt chặt các quy định về nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào công nghiệp nhập khẩu.
Khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, thâm hụt thương mại hàng hóa với Việt Nam là 38,3 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, mức này đã tăng lên 39,4 tỷ USD vào năm 2018 và 55,7 tỷ USD vào năm 2019.
Mức thâm hụt là 34,8 tỷ USD tính đến tháng 7/2020, báo hiệu rằng nó có thể cao hơn vào cuối năm 2020 so với các năm trước, ngay cả với tác động của đại dịch Covid-19 đối với thương mại toàn cầu.
Duy trì thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng là một trong những yếu tố mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ sử dụng để đánh giá liệu các quốc gia có đang thao túng tiền tệ của họ hay không.
Dựa trên tỷ giá hối đoái trung bình của tiền đồng cho năm 2019, thì tiền Việt Nam mất giá là -6,2% so với đồng đô-la Mỹ kể từ năm 2015 và -2% từ năm 2018 đến năm 2019.
Đồng nội tệ yếu hơn của Việt Nam khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ mạnh hơn, nên hàng hoá trở nên tương đối rẻ hơn đối với người mua quốc tế.
Tuy nhiên, khi Việt Nam một lần nữa bị đưa vào danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vì thao túng tiền tệ vào tháng 1/2020, lý do rõ ràng duy nhất vào thời điểm đó là vì thâm hụt thương mại lớn.
Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế của mình càng nhanh càng tốt trong thập kỷ tới để giải quyết các vấn đề về nhân khẩu học cũng như các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ lên tới gần 3% tổng kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ và gần 20% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.
(Theo dkn.tv)