Khinh hạm Đức Baden-Wurttemberg (trong ảnh) sẽ cùng tàu tiếp tế Frankfurt am Main, từ thành phố cảng Incheon của Nam Hàn, đi qua Eo biển Đài Loan trước khi cập cảng Manila, vào ngày 16/9/2024.

 

 

BIỂN ĐÔNG -  Hai tàu hải quân Đức đang trên đường từ Nam Hàn đến Philippines đi ngang qua Biển Đông, hành trình mà các chuyên gia phân tích mô tả là thể hiện quyết tâm của Berlin trong việc đối đầu với các mối đe dọa từ Trung Quốc hiện đã lan rộng đến tận châu Âu.

 

Hai tàu Đức đã rời thành phố cảng Incheon của Nam Hàn hôm 10/9 để đến Manila, theo hải quân Nam Hàn và đi qua Eo biển Đài Loan trước khi cập cảng Manila.

 

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức đã trả lời VOA vào ngày 13/9 xác nhận rằng “cảng tiếp theo sẽ là Manila, nơi các tàu sẽ neo đậu vào ngày 16 tháng Chín”.

 

Phát ngôn viên này nói: “Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, nhưng cũng vì lý do an toàn, các chi tiết hoạt động như tuyến đường của tàu chúng tôi sẽ không được công bố trước”.

 

Chuyến đi qua Biển Đông sẽ là chuyến đi đầu tiên của các tàu chiến Đức kể từ khi tàu khu trục Bayern được khai triển đến khu vực này từ tháng Tám năm 2021 đến tháng Hai năm 2022 trong một cuộc tập trận nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải.

 

Lần đó, tàu Bayern đã đi từ nam Hàn đến Singapore nhưng không đi qua Eo biển Đài Loan vốn rất nhạy cảm.

 

 

Chuyến đi hiếm hoi

 

Chuyến đi qua Eo biển lần này sẽ là lần đầu tiên tàu chiến Đức làm như vậy sau 22 năm.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo tự trị Đài Loan và trong khi hầu hết các nước coi eo biển rộng 177 km này là vùng biển quốc tế thì Bắc Kinh phản đối việc tàu quân sự của các nước đi qua đây. Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Canada đã cử tàu chiến đi qua eo biển này để thực hiện các quyền của mình theo luật pháp quốc tế.

 

Hoạt động di chuyển qua khu vực này là một phần của Chiến dịch khai triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPD) 2024, một loạt các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia và các hoạt động quốc tế bắt đầu vào tháng Năm và sẽ kéo dài đến tháng Mười hai.

 

Hải quân Đức gọi IPD là hoạt động an ninh “quan trọng nhất” trong năm nay trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine, buộc Berlin phải ưu tiên lại các chiến lược phòng thủ của mình.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Kurt Campbell, phát biểu tại Bỉ vào ngày 10/9, đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về “sự gia tăng hỗ trợ quân sự” mà Trung Quốc, Bắc Hàn, và Iran cung cấp cho “cuộc chiến xâm lược của Nga” chống lại Ukraine.

 

Ông Daniel Kochis, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Châu Âu và Á-Âu của Viện Hudson, cho biết tầm quan trọng của hoạt động này “không nên bị đánh giá thấp” vì nó sẽ chứng minh “quyết tâm của Đức trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan”.

 

Ông Kochis nói, “Vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga đã giúp kết tinh một sự hiểu biết ở châu Âu rằng bạn không thể tách biệt an ninh xuyên Đại Tây Dương khỏi an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

 

 

Vai trò ngày càng tăng

Berlin đã tăng cường vai trò an ninh của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng Bảy tại Washington, nơi các nước NATO và các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ là Úc, Nhật Bản, New Zealand và Nam Hàn đã nhất trí thúc đẩy hợp tác.

 

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Đức đã tham gia cùng Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản trong việc tiến hành các cuộc tập trận trên không chung quanh Căn cứ Không quân Chitose trên đảo chính Hokkaido của Nhật Bản.

 

Từ tháng Sáu đến tháng Tám, lực lượng không quân Đức đã tham gia các cuộc tập trận trên không Pacific Skies 24 cùng với các nước châu Âu khác và Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong cùng thời gian, hải quân Đức đã tham gia các cuộc tập trận đa quốc gia hai năm một lần được gọi là RIMPAC theo lời mời của Hải quân Hoa Kỳ.

 

Vào tháng Tám, Đức đã gia nhập Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo tại Nam Hàn, trở thành quốc gia thứ 18 hỗ trợ cơ quan quốc tế có nhiệm vụ bảo vệ chống lại sự xâm lược của Bắc Hàn nếu chiến tranh nổ ra.

 

Lực lượng Hải quân Nam Hàn cho biết, sau khi khinh hạm Đức Baden-Wurttemberg và tàu tiếp tế Frankfurt am Main đến Nam Hàn vào tuần trước, khinh hạm này đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân với lực lượng Nam Hàn và tham gia vào một hoạt động hàng hải để giám sát các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Bắc Hàn.

 

Ông Stephen Flanagan, người từng là giám đốc cấp cao về chính sách và chiến lược quốc phòng tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2013 đến năm 2015, cho biết “Quyết định của Đức về việc đưa hai tàu hải quân đi qua Eo biển Đài Loan sẽ là hành động quyết đoán hơn so với đợt khai triển năm 2021, vì nó phản đối tuyên bố của Trung Quốc về quyền tài phán đặc biệt đối với tuyến đường thủy rộng gần 180 km theo chính sách ‘một Trung Quốc’ của nước này”

 

Ông nói, “Đức và hầu hết các quốc gia khác đều cho rằng ‘các chuyến đi vô hại’ của tàu hải quân qua Eo biển Đài Loan được phép, mà không cần thông báo, theo các nguyên tắc của luật hàng hải quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển, miễn là chúng ‘không gây phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của các quốc gia khác’”.

 

Tuy nhiên,  ông Flanagan, một thành viên cấp cao tại RAND Corporation cho biết, việc Đức và các quốc gia Âu châu khác đang khai triển đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “sẽ gây thêm căng thẳng cho lực lượng vũ trang của họ” vì họ đang “vật lộn để thực hiện cam kết của NATO về việc bảo vệ khu vực Euro-Atlantic”.

 

 

Phản đối của Bắc Kinh

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 10/9 nói rằng “chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động khiêu khích nào với lý do tự do hàng hải của các quốc gia có liên quan gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

 

Bà nói: “Vùng biển của Eo biển Đài Loan, từ cả hai bờ cho đến giữa eo biển, là vùng biển nội địa của Trung Quốc, rồi là lãnh hải, rồi là vùng tiếp giáp và rồi là vùng đặc quyền kinh tế.”

 

Bà Ninh nói thêm: “Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc.”

 

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phản đối những phát biểu của Bắc Kinh.

 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã nói với VOA hôm 10/9 rằng: “Eo biển Đài Loan được quốc tế công nhận là vùng biển quốc tế, nơi tàu thuyền từ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tự do di chuyển và đi qua như bằng chứng từ nhiều vụ việc trước đây.”

 

Phát ngôn viên tiếp tục: “Lập trường nhất quán của Đài Loan là tôn trọng và hoan nghênh việc thực hiện quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên vùng biển quốc tế.”

 

Ông Philip Shetler-Jones, nghiên cứu viên cao cấp về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, nói: “Không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế để Bắc Kinh phản đối việc tàu thuyền tự do đi qua eo biển Đài Loan.”

 

Ông nói tiếp: “Những tuyên bố rằng eo biển này là tuyến đường thủy nội địa là một phần trong chiến dịch thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thuyết phục thế giới bên ngoài rằng Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng thực tế không phải vậy”.

 

(Theo VOA)