(David Parker)

 

Bà Lina Khan, chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện ở Washington, Mỹ, vào ngày 13/7/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

 

 

Dựa trên lập luận của chính bản thân, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Liên bang Lina Khan sẽ thua trong vụ kiện Amazon. Bà ấy đang muốn giá tiêu dùng tăng cao hơn, đồng thời tìm cách hạn chế thương mại và hạn chế hoạt động kinh doanh sáng tạo.

 

 

Bài bình luận

 

Giống như năm 1933, khi Tòa án Tối cao tuyên bố Thỏa thuận Mới của Franklin Roosevelt là vi hiến, và gần đây hơn, vào năm 2022, khi Tòa án Tối cao tuyên bố vụ Roe kiện Wade vi hiến, công chúng Mỹ đang có một mối quan tâm thực sự về mặt tri thức. Đó là việc xem xét lại câu hỏi: Chính phủ có nên điều tiết thị trường tự do vì lợi ích của chính họ không? Tất cả liên quan tới vụ Lina Khan chống lại Jeff Bezos.

 

Bà Lina Khan, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đã cáo buộc rằng Amazon đang sử dụng trái phép sự độc quyền của mình để tính phí quá cao cho khách hàng, bóc lột người bán và hạn chế đối thủ cạnh tranh.

 

Thật thú vị vì đây là một chủ đề vượt thời gian. Cũng thật thú vị vì các đương sự đều hiểu biết như nhau, kiên trì như nhau trong việc theo đuổi quan điểm của mình. FTC sẽ nghe các lập luận dựa trên lý thuyết kinh tế cổ điển.

 

Người sáng lập Amazon Jeff Bezos sẽ tranh luận dựa trên “giả thuyết thị trường hiệu quả”, rằng trong các thị trường cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận là không thay đổi (1–2% đối với tiền tiết kiệm; 2–3% đối với cho vay thế chấp; 3–5% đối với vốn đầu tư mạo hiểm) và mức lợi nhuận cao khi sản xuất một sản phẩm mới không phải là tỷ suất lợi nhuận mà là khoản đền bù ngắn hạn cho tinh thần khởi nghiệp, nếu không có mức lợi nhuận này thì sản phẩm mới sẽ không được sản xuất. Trong 20 năm đầu tiên, Amazon không có lợi nhuận, đó là lý do tại sao lợi nhuận cao hiện nay của nó chỉ đơn giản là sự bù đắp, như thể là doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh. Đó vốn là kế hoạch: tăng trưởng đã được đặt trên lợi nhuận.

 

Khoản lợi nhuận cao đó sẽ không kéo dài. Trong các thị trường cạnh tranh, lợi nhuận – tỷ suất lợi nhuận – là thấp. Trong các thị trường cạnh tranh thực sự, nó bằng 0: Không có lợi nhuận để phân phối. Đây là giả thuyết thị trường hiệu quả.

 

Walmart, Target và Amazon đều có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Ngay cả nếu ngày nay Amazon có 40% thị trường thì điều đó cũng sẽ không tồn tại lâu dài. Đó là lý lẽ tốt nhất của Amazon về lý do tại sao FTC không nên tiếp tục vụ kiện chống độc quyền của mình. Trong số 100 công ty hàng đầu thuộc Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones năm 1961, có ba công ty còn tồn tại tới ngày nay.

 

Ví dụ, Ford, General Motors và Fiat Chrysler đã được thay thế bởi Tesla, công ty có giá trị sổ sách vượt xa ba tập đoàn đó cộng lại. Ông Bezos sẽ lập luận rằng mô hình kinh doanh của Amazon hiện đang hoạt động tốt nhưng sau 50 năm nữa mọi người sẽ hỏi: “Amazon là gì thế?”

 

Lấy một trang từ cuốn sách “Atlas Shrugged” của bà Ayn Rand, ông Bezos sẽ lập luận rằng việc cố gắng chứng minh rằng Amazon là kẻ săn mồi độc quyền chỉ đơn giản là tiếng la lối đầy ghen tị của chủ nghĩa cấp tiến, “Thật không công bằng!” Ông Bezos sẽ lập luận rằng các công ty mới luôn đưa ra mức giá thấp và chất lượng cao, và một khi đã giành được thị phần, họ sẽ cố gắng ngăn chặn sự cạnh tranh. Ông sẽ lập luận rằng một khi doanh nhân khởi nghiệp rời đi, các CEO kế nhiệm chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: làm chậm tốc độ mất thị phần của công ty. Quan điểm cho rằng các doanh nghiệp bắt đầu bằng giá thấp, chất lượng cao và sau đó chuyển sang giá cao, chất lượng kém, cũng như quan điểm cho rằng các doanh nghiệp có thể ngăn chặn sự cạnh tranh, là những sự đánh lạc hướng tồn tại trường tồn.

 

 

Người sáng lập Amazon Jeff Bezos đến dự cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại dinh thự ngoại giao Vương quốc Anh vào ngày 20/9/2021 ở Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

 

 

Vào thế kỷ 20, Sears Roebuck có hoạt động kinh doanh đặt hàng qua thư tốt nhất, gần như là độc quyền. Trong thế kỷ 21, Amazon có hoạt động kinh doanh đặt hàng qua thư tốt nhất.

 

Trong bài báo ngày 29/9 “Vụ chống độc quyền của Lina Khan có thể có ý nghĩa gì đối với Amazon”, người viết bài bình luận của Financial Times, bà Camilla Hodgson lập luận rằng Amazon là một mạng lưới phức tạp và thường không rõ ràng, có chức năng không chỉ là tổng các bộ phận của nó - và việc chia nhỏ các dịch vụ của Amazon có thể không đem lại lợi ích gì. Bà Hodgson cũng đặt câu hỏi liệu các thẩm phán liên bang có biết cách chia nhỏ các đế chế kinh doanh hay không và bà lập luận rằng điều đó có thể sẽ khiến người tiêu dùng phải trả mức giá đắt hơn.

 

Bà trích lời ông Scott Devitt của Wedbush Securities: “Mạng lưới phức tạp gồm các sản phẩm và dịch vụ được kết nối với nhau mà Amazon đã xây dựng trong 30 năm qua cần phải đóng gói cùng với nhau vì chúng được thụ phấn chéo. Đó là lý do tại sao mô hình này hoạt động được”.

 

 

Những lập luận của bà Khan

Bà Khan, trích dẫn tài liệu chính sách kinh điển năm 2017 của mình “Nghịch lý chống độc quyền về Amazon”, sẽ đề cập đến các lập luận kinh tế cổ điển nhưng sau đó bác bỏ chúng, bác bỏ ý tưởng nổi tiếng của ông Milton Friedman (1970) rằng “trách nhiệm chính của một doanh nghiệp là tối đa hóa doanh thu và tăng lợi nhuận cho cổ đông”. Bà Khan sẽ lập luận rằng các công ty cũng có nghĩa vụ về môi trường và xã hội, cùng với nghĩa vụ không phá hủy thị trường của chính họ.

 

Tuy nhiên, giả thuyết thị trường hiệu quả – lợi nhuận bằng 0 – đảm bảo rằng các công ty phân tâm vì những vấn đề như biến đổi khí hậu và công bằng xã hội (thay vì yêu cầu các cá nhân trong công ty đóng góp cá nhân cho những mục tiêu đó) sẽ thất bại trong một điều kiện cạnh tranh. Chỉ cần nhìn vào Ngân hàng Thung lũng Silicon.

 

Bà Khan sẽ bỏ qua những lập luận quan trọng không kém của ông F.A. Hayek và ông Ronald H. Coase, những người, giống như ông Friedman, từng nhận được giải Nobel về kinh tế. Ông Hayek đã mang đến cho thế giới quan niệm rằng giá cả biến đổi tự do là điều duy nhất mà các nhà sản xuất dựa vào để quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và tính giá bao nhiêu; và giá cả tự do chỉ xuất hiện khi có sự tồn tại của thị trường không có sự can thiệp của chính phủ.

 

Ông Coase đã mang đến cho thế giới ý tưởng rằng mục đích của công ty là đạt được mức giá càng thấp càng tốt - rằng các công ty nên sản xuất “nội bộ” càng nhiều càng tốt và thuê ngoài mọi thứ khác. Đóng góp to lớn khác của ông Coase là chỉ ra rằng thị trường hoàn toàn có khả năng xử lý các chi phí liên quan đến các tác động tiêu cực đối với môi trường bên ngoài: ví dụ như quan tâm đến môi trường bằng cách thực thi quyền sở hữu. Quyền sở hữu sẽ được dùng để làm sạch không khí và nước.

 

Bà Khan, trong “Nghịch lý chống độc quyền về Amazon,” Tạp chí Luật Yale (2017), tr. 716, tuyên bố: “Ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện về sự thống trị ngày càng tăng và bền vững của Amazon cũng là câu chuyện về những thay đổi trong luật chống độc quyền của chúng ta. Do sự thay đổi trong tư duy và thực tiễn pháp lý trong những năm 1970 và 1980, luật chống độc quyền hiện nay đánh giá cạnh tranh phần lớn dựa trên lợi ích ngắn hạn của người tiêu dùng chứ không phải của người sản xuất hay sức khỏe của thị trường nói chung; Học thuyết chống độc quyền chỉ coi giá tiêu dùng thấp là bằng chứng của sự cạnh tranh lành mạnh. Theo thước đo này, Amazon đã xuất sắc; nó đã trốn tránh được sự giám sát của chính phủ một phần bằng cách nhiệt tình cống hiến chiến lược kinh doanh và tài hùng biện của mình để giảm giá cho người tiêu dùng. Cuộc chạm trán ở cự ly gần nhất của Amazon với các cơ quan chống độc quyền là khi Bộ Tư pháp kiện các công ty khác vì hợp tác chống lại Amazon. Điều này giống như thể ông Bezos đã lập biểu đồ cho sự phát triển của công ty bằng cách trước tiên vẽ bản đồ về luật chống độc quyền và sau đó nghĩ ra các lộ trình để vượt qua chúng một cách suôn sẻ. Với lòng nhiệt thành to lớn dành cho người tiêu dùng, Amazon đã tiến tới sự độc quyền bằng cách hát lên giai điệu chống độc quyền đương thời”.

 

Dựa trên lập luận của chính bản thân, bà Khan sẽ thua. Bà ấy đang yêu cầu giá tiêu dùng cao hơn, hạn chế thương mại và hạn chế hoạt động kinh doanh sáng tạo.

 

Ông Robert Bork Jr. đã viết trên The Epoch Times vào ngày 4/10: “Nếu Chủ tịch FTC Lina Khan bằng cách nào đó có thể đánh bại một công ty hoàn toàn lấy người tiêu dùng làm trung tâm và có mức giá thấp nhất trên cơ sở chống độc quyền, thì bà ấy sẽ đưa ra một mô hình cấp tiến mới trong chống độc quyền, trong đó bất cứ ai cũng có thể bị kiện vì bất cứ điều gì”.

 

Điều luôn thiếu trong các lập luận kinh tế của cánh tả là hậu quả kinh tế. Trong phiên điều trần, bà Khan sẽ nhận được sự tôn trọng của cả nước Mỹ, thể hiện rằng bà có thần kinh thép và với tư cách là chủ tịch FTC, bà có thể biến sự tôn trọng đó thành một chức vụ dân bầu. Có lẽ là ở Thượng viện. Dù thắng hay thua, những lập luận quý tộc, cấp tiến, hợp mốt, ủng hộ bình đẳng của bà ấy, một trang trong hiến chương Liên hợp quốc về mô hình quản lý tập trung đối với các công ty vì lợi ích của nhân loại, sẽ mang lại cho bà ấy chiến thắng chính trị đó.

 

Bà viết trong bài báo của mình: “Lập luận của tôi là việc đánh giá sự cạnh tranh thực sự trên thị trường thế kỷ 21 - đặc biệt là trong trường hợp nền tảng trực tuyến - đòi hỏi phải phân tích cấu trúc và cơ chế cơ bản của thị trường. Thay vì gắn cạnh tranh vào một tập hợp kết quả hẹp, cách tiếp cận này sẽ xem xét chính bản thân quá trình cạnh tranh. Khuôn khổ này được làm sống động bởi ý tưởng cho rằng không thể hiểu đầy đủ về sức mạnh của một công ty và bản chất phản cạnh tranh tiềm ẩn của sức mạnh đó nếu không xem xét cấu trúc của một doanh nghiệp và vai trò cấu trúc của nó trên thị trường. Ví dụ, việc áp dụng ý tưởng này bao gồm việc đánh giá liệu cấu trúc của công ty có tạo ra xung đột lợi ích phản cạnh tranh nhất định nào đó hay không; liệu nó có thể tận dụng chéo lợi thế thị trường trên các ngành kinh doanh riêng biệt hay không; và liệu cấu trúc của thị trường có khuyến khích và cho phép hành vi săn mồi hay không”.

 

Ái chà! Những điều này hoàn toàn vượt quá khả năng của chính phủ.

 

Điều bà Khan bỏ lỡ là sự thật kinh tế cơ bản - rằng nền kinh tế là một hiện tượng về phía cung, một sự thể hiện của những gì các nhà sản xuất sẵn sàng làm. Ở các xã hội tương tự như của Mỹ, một nền kinh tế hoạt động như thế nào phụ thuộc vào niềm tin của các nhà cung cấp, chứ không phải người có nhu cầu. Tiền vào tay người tiêu dùng do chính phủ đặt vào đó không có hiệu ứng cấp số nhân (Keynes). Chính tình huống khẩn cấp khiến chính phủ phải làm điều đó đã khiến người tiêu dùng tích trữ số tiền đó [và không tiêu nó]: định lý cân bằng Ricardo, một cái bẫy thanh khoản.

 

Nói cách khác, các nhà cung cấp ngừng sản xuất ngay khi họ nghi ngờ chính phủ sắp can thiệp vào nền kinh tế. Hoặc tăng giá. Tệ hơn nữa, tấn công vào những công ty không thể tuân thủ, khiến họ bị chi phí pháp lý đè bẹp.

 

Khi đó, sự điều tiết của chính phủ đối với một nền kinh tế sẽ tạo ra sự độc quyền của một số ít công ty có thể tuân thủ, với chi phí trung bình dài hạn thấp (quy mô kinh tế) cho phép họ nuốt chửng những công ty nhỏ hơn không thể tuân thủ. Nhà nước công ty: một số ít công ty sở hữu mọi thứ. Bismarck, Đức, 1870. Chủ nghĩa xã hội quốc gia, Đức, 1933.

 

Cuối cùng, dưới danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng, bà Khan sẽ không bao giờ đề cập đến việc sự can thiệp “có thiện chí” của chính phủ vào nền kinh tế luôn là một khoản thuế mà tầng lớp trung lưu phải trả - trực tiếp hoặc gián tiếp (như mất việc làm do sự thất bại trong hoạt động kinh doanh). Người nghèo không có khả năng chi trả; người giàu sẽ không trả. (Apple có một trạm vũ trụ tuyệt đẹp ở Cupertino, California. Đó không phải là trụ sở chính của hãng. Apple có trụ sở chính ở Ireland có mức thuế thấp; tiền của hãng, ít nhất là 200 tỷ USD tiền mặt, được gửi tại đảo Jersey, một thiên đường thuế ở eo biển Manche.)

 

Điều tiết các công ty và họ sẽ chuyển ra nước ngoài. Họ sẽ mang tiền ra nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài và sa thải hàng triệu nhân viên. Quy định về môi trường cũng sẽ tạo ra điều tương tự.

 

Cơ quan Môi trường Mỹ đã giải quyết được các vấn đề môi trường của Mỹ chưa? Cục Quản lý Dược Liên bang đã giải quyết được vấn đề sức khỏe của Mỹ chưa? Cục Dự trữ Liên bang đã giải quyết được lạm phát? Bộ Giáo dục có nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng giáo dục không? FTC có điều tiết thiểu quyền (oligopoly) đóng gói thịt, vốn kiểm soát 85% hoạt động chế biến thịt bò, được liên kết theo chiều dọc và cũng thiết lập sự thống trị trong ngành thịt lợn và gia cầm không?

 

 

Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng tạp hóa Amazon Go tại trụ sở công ty Amazon vào ngày 16/6/2017 tại Seattle, Washington, Mỹ. (Ảnh: David Ryder/Getty Images)

 

 

Vụ kiện nhằm mục đích thúc đẩy sự nghiệp?

FTC và Bộ Tư pháp Mỹ dường như chỉ quan tâm đến những vụ án đáng chú ý nhằm thúc đẩy sự nghiệp công tố viên cá nhân của họ. Việc bắt lỗi ông Bezos và Amazon cũng giống như việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) nhắm vào bà Martha Stewart sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bởi vì SEC gần như không bao giờ thắng các vụ kiện của mình và gần như không thể chứng minh được giao dịch nội gián nên SEC đã nỗ lực rất nhiều để theo đuổi vụ Martha Stewart. Cơ quan này cần một chiến thắng đáng chú ý.

 

SEC theo đuổi bà Stewart nhưng không thể buộc tội thành công bà ấy. Vì vậy, họ đã kéo dài việc lấy lời khai trong nhiều năm, hy vọng cuối cùng bà ấy sẽ phạm tội khai man. Bà đã phạm phải lỗi đó - khi cổ phiếu của Martha Stewart Living Omnimedia lao dốc.

 

Để bảo vệ công ty trị giá 400 triệu USD của mình (bảo vệ các cổ đông và tập đoàn do bà gây dựng), bà Stewart đã nói dối. Đó là cách họ bắt lỗi được bà ấy: nói dối để bảo vệ giá cổ phiếu của bạn là một trọng tội.

 

Mỹ cần bãi bỏ các quy định

Có lẽ chính phủ Mỹ nên đứng ngoài nền kinh tế. Việc điều tiết kinh doanh của chính phủ không làm cho thị trường trở nên tự do. Bãi bỏ quy định làm cho thị trường tự do.

 

Ông Jeffrey Tucker đã viết trong bài báo “FTC có một vụ kiện yếu chống lại Amazon” được đăng trên The Epoch Times vào tháng 9: “Amazon có thể lớn hơn nhiều so với khi ở trong một thị trường tự do thực sự. Một thị trường thực sự cạnh tranh chính xác là câu trả lời. Điều đó không đòi hỏi FTC phải hành động mà cần một nỗ lực to lớn nhằm giải phóng toàn bộ doanh nghiệp tự do của Mỹ”.

 

Với tỷ suất lợi nhuận trường tồn, cùng với quy định của chính phủ buộc các ngành phải tăng giá (hoặc sụp đổ), tầng lớp trung lưu sẽ phải gánh chịu hậu quả. Luôn luôn là như thế. Tầng lớp trung lưu trả tất cả các loại thuế. Bà Khan, người giàu biết bạn đang đến tìm họ.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

(Theo The Epoch Times)

(ntdnv.net; Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

David Parker

 Ông David Parker là một nhà đầu tư, tác giả, nghệ sĩ nhạc jazz và nhà giáo dục làm việc tại San Francisco. Các cuốn sách của ông, “Thu nhập và sự giàu có” và “Người bảo thủ ở San Francisco”, mổ xẻ các chủ đề quan trọng trong chính phủ, lịch sử và kinh tế, cung cấp một góc nhìn lịch sử rất cần thiết. Bài viết của ông đã xuất hiện trên The Economist và The Financial Times.