Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (thứ 4 bên phải) lắng nghe Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz (thứ 4 bên trái) khi các quan chức đi thị sát hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel tại sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv, hôm 13/7/2022. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

 

Hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã ký kết một tuyên bố chung mới, cam kết ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời mở rộng thêm quan hệ an ninh lâu năm giữa Mỹ với Israel.

Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết hôm 14/7 rằng “Tuyên bố này khá quan trọng và nó bao gồm cam kết không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và giải quyết các hoạt động gây bất ổn của Iran, đặc biệt là các mối đe dọa đối với Israel”.

 

Tổng thống Mỹ đang nỗ lực thuyết phục Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân mà Iran từng đạt với các cường quốc phương Tây, nhưng năm 2018 thì Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid hôm thứ Năm (14/7) đã ký kết một tuyên bố chung mới mở rộng mối quan hệ an ninh giữa Hoa Kỳ và Israel.

 

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với các phóng viên trong một cuộc họp hội nghị rằng cam kết sẽ bao gồm việc tái khẳng định cam kết ngăn chặn Iran mua vũ khí hạt nhân.

 

Cam kết chung cũng sẽ ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Hoa Kỳ và Israel đối với một biên bản ghi nhớ đã được hoàn tất khi ông Biden còn là phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama.

Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết “Tuyên bố cũng sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Hiệp định Abraham và mở rộng sự hội nhập của Israel vào khu vực, đó cũng là chủ đề chính của chuyến đi này"

"Và tuyên bố cũng lặp lại mối quan tâm chung của chúng tôi về một số thách thức toàn cầu, từ an ninh lương thực, đến tình hình Ukraine, và tất nhiên, hỗ trợ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

 

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Israel, được ghi lại trước khi Tổng thống Biden rời Washington vào 13/7 nhưng được phát sóng vào 14/7, ông Biden cho biết ông sẽ liệt Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài (FTO) của Hoa Kỳ.

 

Tổng thống Mỹ nói: “Điều tệ hại duy nhất hiện nay là một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu chúng tôi có thể quay lại thỏa thuận, chúng tôi có thể kiềm chế họ”.

 

Khi được hỏi liệu Mỹ có dùng đến vũ lực nếu cần thiết, ông Biden đáp: “Nếu đó là giải pháp cuối cùng thì câu trả lời là có”.

 

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden đến Trung Đông

Tổng thống Biden đang có chuyến công du Trung Đông đầu tiên từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2021. Ông đến Israel hôm 13/7 và có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Israel hôm 14/7.

 

Tại sân bay, ông Biden đã được Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz giới thiệu sơ lược về hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel và một công nghệ mới gọi là Tia sắt, sử dụng tia laser và đang được phát triển cùng với Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ.

 

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Israel 4,8 tỷ USD để đảm bảo an ninh, trong đó bao gồm 1 tỷ USD cho Vòm sắt sau cuộc xung đột tháng 5/2021 với Hamas ở Gaza.

 

Tổng thống sau đó đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Yad Vashem Holocaust và gặp gỡ những người sống sót sau thảm hoạ Holocaust.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ôm hôn người sống sót sau thảm họa Holocaust Giselle Cycowicz trong một buổi lễ tại Sảnh tưởng niệm Bảo tàng Tưởng niệm Yad Vashem Holocaust ở Jerusalem, hôm 13/7/2022. (Ảnh: Debbie/Pool/AFP/Getty Images)

 

Hôm 14/7, ông Biden gặp Thủ tướng Israel Yair Lapid trong một cuộc họp song phương trước khi công bố tuyên bố chung. Sau đó, ông dự kiến ​​gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog để thảo luận về các chuyến thăm gần đây của ông Herzog tới Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

 

Hai nước cũng sẽ khởi động một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao mới về công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác trong bốn lĩnh vực chính: công nghệ giúp chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch trong tương lai, công nghệ ảnh hưởng đến khí hậu, “công nghệ nhân tạo” và “hệ sinh thái công nghệ đáng tin cậy khác”.

 

Quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi muốn lĩnh vực công nghệ của họ được kết nối với chúng tôi để tìm cách xây dựng bộ máy công nghệ cho tương lai”.

 

Ông Biden cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến I2U2 đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Israel, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tập trung vào an ninh lương thực và thúc đẩy năng lượng sạch, và thăm các vận động viên tham dự Đại hội thể thao Maccabiah.

 

Tranh cãi Đông Jerusalem

Vào 15/7, tổng thống sẽ thăm Bờ Tây và Đông Jerusalem, đồng thời công bố các cơ hội kinh tế của Palestine, bao gồm cả việc phát triển hệ thống 4G, cả ở Gaza và Bờ Tây.

 

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Đông Jerusalem, một động thái vấp phải không ít lo ngại đến từ sáu đảng viên Cộng hòa và cựu đại sứ của Israel tại Liên Hợp Quốc, ông Danny Danon, người đã kêu gọi ông Biden không nên thực hiện chuyến công du này.

 

Ông Danon viết trên tờ Israel Today: “Xét đến tình thế mong manh ở Israel và Trung Đông, cùng những căng thẳng gia tăng gần đây, chuyến thăm tới đông Jerusalem chắc chắn sẽ gây tổn hại đến triển vọng hòa bình hơn là khuyến khích. Do đó, tôi mong ngài, Tổng thống Biden, vui lòng từ chối chuyến thăm chưa từng có tiền lệ này tới miền đông Jerusalem".

 

Hôm 13/7, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đã phải lặp lại nhận xét của Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan với các phóng viên trên Không lực Một rằng, chính quyền ông Biden muốn người Palestine có một lãnh sự quán ở Đông Jerusalem.

 

Ngày 15/7, ông Biden cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo Palestine ở khu Bờ Tây, qua ngày 16/7 sẽ có hội đàm giữa ông Biden với lãnh đạo Ả rập Saudi cùng các đồng minh trong Vùng Vịnh.

 

Trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình Israel hôm 13/7, ông Biden nói thỏa thuận hạt nhân Iran là cơ hội tốt nhất để kiềm chế nỗ lực của Iran trong việc phát triển một quả bom hạt nhân.

(ntdvn.net; Lam Giang - Theo The Epoch Times)