Sáng 26-8 (giờ Việt Nam), khi đêm thứ hai đại hội Đảng Cộng hòa ở Mỹ dần đi tới hồi kết, 2 quả tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong của Trung Quốc rời bệ phóng từ những vị trí bí mật ở hai tỉnh Chiết Giang, Thanh Hải và lao thẳng về Biển Đông.
“Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 26-8 phản ứng việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành tập trận ở Hoàng Sa từ ngày 24 đến 29-8.
Chưa đầy nửa ngày sau đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhắm vào 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động bồi đắp, quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông.
Sơ đồ mô phỏng vụ bắn tên lửa đạn đạo diệt hạm của Trung Quốc ngày 26-8 – Nguồn: Dự án Missile Threat của CSIS – Đồ họa: TUẤN ANH
Hai động thái liên tiếp của Mỹ và Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông báo hiệu khu vực này sẽ còn tiếp tục chứng kiến những diễn biến nóng từ giờ đến bầu cử Mỹ tháng 11 tới. Một trong hai tên lửa Trung Quốc phóng ra Biển Đông là Đông Phong 26B (DF-26B), loại tên lửa được Trung Quốc tự tin đặt cho danh xưng “sát thủ tàu sân bay”, theo báo South China Morning Post.
Nguồn tin của tờ này khẳng định vụ bắn tên lửa là để “đáp trả và răn đe các hành động khiêu khích của Mỹ” tại khu vực, ám chỉ máy bay do thám U-2 của Mỹ xuất hiện trong khu vực Trung Quốc tập trận.
Nguy cơ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông là có, theo giới phân tích, nhưng khả năng xảy ra rất thấp, bởi cả hai đều biết kiềm chế và chỉ muốn thể hiện sức mạnh răn đe, trấn an đồng minh khu vực.
Cả hai động thái của Mỹ và Trung Quốc liên quan Biển Đông trong ngày 26-8 đều khiến giới chuyên gia bất ngờ, nhưng không gây ngạc nhiên, bởi đã được dự báo từ trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Bản thân cuộc tập trận của Trung Quốc đã là một thông điệp, nhưng các hoạt động trong cuộc tập trận đó mới quyết định sức nặng của thông điệp muốn gởi. Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26B như báo Hong Kong đã nói là một động thái bất ngờ, nhưng thông điệp vẫn như cũ: cảnh báo Mỹ và chứng minh năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc”.
DF-26B là loại tên lửa có thiết kế đặc biệt, cho phép “thay nóng” đầu đạn thường thành đầu đạn hạt nhân trong thời gian ngắn.
Xét về góc độ chiến lược, theo chuyên gia Thế Phương, việc bắn DF-26B có thể là để kiểm tra tính năng chiến thuật của loại tên lửa này, nhưng cũng vừa gởi thông điệp nhắc nhở tới Mỹ rằng Trung Quốc đã sở hữu các loại vũ khí ngăn Mỹ tiến vào chuỗi đảo thứ nhất.
Mỹ để ngỏ khả năng trừng phạt tiếp
“Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói về lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc và cá nhân tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông tối 26-8 (giờ Việt Nam).
Trong cuộc họp báo qua điện thoại do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức ngày 27-8 (giờ Việt Nam), một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt ngày 26-8 chỉ là bước đầu.
Đối với giới quan sát, lệnh trừng phạt ngày 26-8 đã được báo từ ngày 13-7 bằng tuyên bố lập trường mới của Mỹ về Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell sau đó khẳng định “mọi biện pháp, bao gồm trừng phạt” các công ty tham gia xây dựng đảo nhân tạo và hỗ trợ Trung Quốc cưỡng ép nước khác đều được tính tới.
Việc danh sách trừng phạt lần này không có Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho thấy khả năng các công ty dầu khí và khảo sát Trung Quốc đã quấy rối hoạt động dầu khí của nước khác trên Biển Đông sẽ bị trừng phạt vào lúc khác. CNOOC sở hữu giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2014.
Gọi 24 công ty bị trừng phạt là công cụ trong “chiến thuật săn mồi” của Trung Quốc, quan chức ngoại giao Mỹ cho biết: “Washington có nhiều mục tiêu khác nhau, từ việc buộc họ phải trả giá cho các hành vi xấu đến khuyến khích các chính phủ, công ty toàn cầu đánh giá lại mối quan hệ với những công ty này”.
Một trong những cái tên nổi trội nhất danh sách trừng phạt là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC). Không chỉ tham gia vào quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ xác định CCCC còn là nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong sáng kiến “Vành đai, con đường”.
Sau tuyên bố lập trường mới về Biển Đông và cam kết hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là Mỹ sẽ làm gì để chứng minh lời hứa này.
Lệnh trừng phạt ngày 26-8 là nỗ lực để trấn an của Mỹ. Điều làm các chuyên gia bất ngờ là chuyện Washington làm quá nhanh, khi chỉ cần hơn một tháng rưỡi đã xác định được các công ty Trung Quốc dính líu.