Tác giả: Kevin Andrews

 

 

Úc và Nhật Bản tiến hành tập trận quân sự chung ở Biển Đông từ ngày 24/6 đến ngày 25/6/2023. (Ảnh do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cung cấp)

 

 

 

QUỐC TẾ - Nhiều năm thiếu quyết đoán về các nhu cầu quốc phòng của Úc có thể sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia trong thập kỷ tới.

 

Đặc biệt, việc chính phủ Đảng Lao động Rudd - Gillard cắt giảm ngân sách quân sự, không ra mệnh lệnh kịp thời về việc thay thế hạm đội hải quân và thảm họa tàu ngầm đang diễn ra đã khiến nước Úc rơi vào tình thế nguy hiểm nghiêm trọng.

 

Trong khi đảng Tự do và chính phủ của Thủ tướng Abbott đã tái thiết chi tiêu quốc phòng ở mức sàn là 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì việc chính phủ kế nhiệm của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã chậm trễ khi mua tàu ngầm và việc chấm dứt hợp đồng với Pháp đã tạo ra sự bất ổn và chậm trễ hơn nữa.

 

Thông báo tiếp theo về liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, và Úc (AUKUS), bao gồm cả việc cho thuê và mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ, đã xoa dịu tình hình, nhưng các thỏa thuận với Hoa Kỳ vẫn còn phải phụ thuộc vào lập trường của vị tổng thống Mỹ tiếp theo.

 

Các nguồn tin gần đây chỉ ra rằng một số cố vấn an ninh và cố vấn quốc phòng chủ chốt của ứng cử viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong các cuộc thăm dò, ông Donald Trump, đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng Mỹ cung cấp tàu ngầm mới cho Úc - điều này minh họa cho những thách thức.

 

Ông Eldridge Colby, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách về vấn đề chiến lược, cho biết:“Ở Mỹ có quá ít thiết bị sẵn có, nhiều thiết bị đang được bảo trì và tiến độ sản xuất thấp hơn nhiều so với những gì Mỹ cần”.

 

Ông Colby đã cùng với một nhân vật thân tín khác của ông Trump, cựu cố vấn an ninh Thượng viện thuộc Đảng Cộng hòa Alex Velez-Green, đã bày tỏ mối quan ngại của mình về khả năng cung cấp các tàu ngầm lớp Virginia được đề xuất cho Úc.

 

Sự yếu kém trong hệ thống phòng thủ của Úc được thể hiện rõ nét qua phản ứng trước yêu cầu điều động một tàu hải quân Úc tới Trung Đông để hỗ trợ cảnh sát Biển Đỏ.

 

Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, bao gồm 30% lưu lượng container toàn cầu, đi qua Biển Đỏ, trong đó bao gồm cả các hoạt động giao thương với Úc.

 

Trong một tuyên bố đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles nói rằng một phản ứng điều động một lực lượng hải quân gồm 16 người tới Bahrain "tương xứng với vị thế của Úc trên thế giới và quy mô của Lực lượng Phòng vệ Úc”.

 

Trong số 80.000 nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Úc, chúng ta chỉ có thể dự phòng 16 người!

 

Cần phải xem xét tuyên bố của ông Marles một cách nghiêm túc nhất.

 

Úc có hơn 25.000 km (15.500 dặm) đường bờ biển - thậm chí con số này còn cao hơn nhiều nếu tính cả những hòn đảo và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nước này chỉ có 50 tàu hải quân được ủy nhiệm để phục vụ cho mục đích phòng thủ!

 

Tức là cứ 500 km bờ biển thì có một tàu. Nhưng số tàu này không mang tính chất phòng thủ, chẳng hạn như tàu tiếp tế. Có thời điểm, một số tàu còn không thể hoạt động được.

 

Đúng vậy, còn có máy bay, hỏa tiễn và các thiết bị quân sự khác.

 

 

Như Hải quân Hoàng gia Úc đã nêu rõ: “Chúng ta là một trong những lực lượng hải quân lớn nhất và tinh vi nhất ở khu vực Thái Bình Dương, với sự hiện diện đáng kể ở khu vực Ấn Độ Dương và các chiến dịch trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự và sứ mệnh gìn giữ hòa bình”.

 

So với hầu hết các nước láng giềng của Úc, quân đội của Úc rất hùng hậu. Tuy nhiên sự so sánh đó là khập khiễng. Không có nước láng giềng nào của Úc trở thành mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và an ninh của nước này. Mối đe dọa đó rất xa vời.

 

Nhật Bản gần đây tuyên bố sẽ cung cấp hỏa tiễn cho Mỹ. Úc thực sự đang cung cấp những gì cho hoạt động phòng thủ phối hợp trong khu vực, ngoài căn cứ trên bộ ở Nam Thái Bình Dương? Có vẻ như rất ít ỏi.

 

Đã đến lúc phải có một cuộc đối thoại thực chất về vấn đề quốc phòng và an ninh của Mỹ. Các sự kiện ở Trung Đông và những nơi khác cho thấy những sự cố nhỏ có thể leo thang nhanh chóng như thế nào.

 

Ngay trước cửa ngõ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục tung ra những luận điệu hung hăng lẫn những hành động nguy hiểm ở Biển Trung Hoa.

 

Úc không tránh khỏi những diễn biến này.

 

Nếu đúng là ông Marles nói rằng tất cả những gì Úc có thể đóng góp là điều động 16 nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Úc cho nỗ lực bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải ở Biển Đỏ, thì đó sẽ là một lời cảnh tỉnh cho đất nước.

 

Thay vì đề cập đến một kỷ nguyên hợp tác, chính phủ Úc nên thành thật với người dân của mình về những mối đe dọa thực sự mà quốc gia này sắp phải đối mặt trong thập kỷ tới; đồng thời, Úc cũng nên sẵn sàng điều chỉnh các chính sách của mình để ưu tiên các biện pháp cần thiết để cải thiện an ninh của nước nước này.

 

Bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ cơ bản của một chính phủ.

 

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của NTDVN.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Lam Giang biên dịch)

 

 

Về tác giả: Kevin Andrews

 

Tác giả Kevin Andrews phục vụ trong Quốc hội Úc và nắm giữ nhiều chức vụ trong nội các nước này từ năm 1991 đến năm 2022. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc.