(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Gideon Rachman, “Putin is waiting for Washington to go silent,” Financial Times, 01/04/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Nhà lãnh đạo Nga nhìn thấy cơ hội tái lập phạm vi ảnh hưởng ở Âu châu.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Vladimir Putin đang ở Đông Đức, làm việc cho KGB.
Trong cuốn hồi ký First Person (Người thứ nhất), xuất bản năm 2000, Putin nhớ lại việc yêu cầu một đơn vị Hồng Quân đóng gần đó đến bảo vệ trụ sở KGB ở Dresden. Câu trả lời mà ông nhận được đã khiến ông bị sốc: “Chúng tôi không thể làm gì nếu không có lệnh từ Moscow. Và Moscow đang im lặng.” Putin sau đó nói: “Khi ấy, tôi có cảm giác rằng đất nước này không còn tồn tại nữa. Rằng nó đã biến mất.”
Những trải nghiệm khốc liệt như vậy có tác động hình thành nên tư duy của Putin. Bài học mà Putin dường như đã rút ra từ năm 1989 là các đế chế lớn hoàn toàn có thể sụp đổ vì hỗn loạn chính trị nội bộ. Sau khi chứng kiến Moscow rơi vào im lặng, Putin giờ đây có lẽ hy vọng thấy Washington im lặng và đến lượt “đế chế Mỹ” sụp đổ.
Theo góc nhìn của Moscow, các kịch bản đều khá hấp dẫn. Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai sẽ đặt liên minh phương Tây vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. Những thay đổi chính sách mà Trump có thể khởi xướng – chẳng hạn như cắt hoàn toàn viện trợ dành cho Ukraine hoặc rút Mỹ khỏi NATO – chính là một con đường tiềm năng để đạt được các mục tiêu của Nga.
Con đường thứ hai, ít được thảo luận hơn, lại không phụ thuộc vào những thay đổi có chủ định trong chính sách của Tòa Bạch Ốc. Trong kịch bản này, hậu quả sau khi Trump đắc cử sẽ là việc chính phủ và xã hội Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Bận tâm với những xung đột nội bộ của chính mình, giới tinh hoa Mỹ sẽ mất đi ý chí hoặc khả năng khai triển sức mạnh trên toàn thế giới.
Khoảng thời gian hỗn loạn đó cũng không cần phải kéo dài lâu thì mới gây ra những hậu quả chấn động toàn cầu. Như Putin sau này nhớ lại: “Chúng ta đã mất niềm tin chỉ trong một khoảnh khắc. Nhưng thế là đủ để phá vỡ sự cân bằng lực lượng trên thế giới.”
Giai đoạn “mất niềm tin” do xáo trộn hậu bầu cử ở Mỹ có vẻ là một kịch bản khả thi. Nếu Trump thắng, ông đã nói rõ ý định sẽ tìm cách trả thù những kẻ thù chính trị của mình. Ông đã khuyến khích thảo luận về việc đưa các đảng viên Dân chủ nổi tiếng và thậm chí cả các cựu quan chức trong chính quyền của mình ra xét xử vì tội phản quốc hoặc tham nhũng. Các mục tiêu bao gồm Joe Biden, Hillary Clinton, và Mark Milley, sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Mỹ dưới thời Trump.
Nhiều kế hoạch đang được các viện chính sách ủng hộ Trump vạch ra nhằm thanh trừng các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ. Các quan chức ở Ngũ Giác Đài lo ngại Trump đang cho rằng các thành viên cấp cao nhất của quân đội Mỹ là không trung thành, vì họ đã chống lại yêu cầu khai triển quân đội trên đường phố nước Mỹ của ông. Người ta cũng lo ngại rằng Trump sẽ bổ nhiệm những nhân vật độc tài thực sự vào các vị trí hàng đầu trong cơ quan tình báo và quân đội – đồng thời có thể tìm cách khiến các sĩ quan cấp thấp ủng hộ khẩu hiểu MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) trong quân đội chống lại những người đứng đầu.
Ngay cả khi Trump thua Biden, khả năng xảy ra bất ổn chính trị ở Mỹ vẫn là rất lớn. Liệu có ai dám tin rằng Trump hoặc những người ủng hộ ông sẽ chấp nhận thất bại? Cuộc nổi dậy diễn ra vào ngày 06/01/2021 có thể sẽ lặp lại – lần này là với sự hỗ trợ bổ sung từ các chính trị gia và tòa án ở cấp tiểu bang.
Tất cả những điều này sẽ mở đường cho tình trạng hỗn loạn ở Mỹ, và gây ra điều mà Putin gọi, trong bối cảnh thời Liên Xô, là “quyền lực bị tê liệt.” Một Washington bị tê liệt sẽ mang lại cơ hội cho Moscow và Bắc Kinh.
Không thể biết trước cơ hội này sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Sự tan rã của đế chế Xô-viết vào năm 1989 được đặc trưng chủ yếu bởi các sự kiện và diễn biến bất ngờ không lường trước được. Nhưng đối với Putin, viễn cảnh đảo ngược nỗi nhục nhã năm 1989 và tái lập một loại phạm vi ảnh hưởng nào đó của Nga ở châu Âu hẳn là đang ở cận kề.
Tuy nhiên, quan điểm của Putin về những gì đã xảy ra vào năm 1989 – và theo đó, về tham vọng của ông vào năm 2025 – có một điểm mù rất lớn. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Xô-viết không chỉ đơn giản là sự bối rối và thiếu ý chí ở Moscow. Nguyên nhân sâu xa hơn là vì sự cai trị của Liên Xô đã vấp phải sự chống đối ở Đông Âu. Liên Xô đã phải đưa xe tăng vào Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968 để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Quyết định của Mikhail Gorbachev – không đè bẹp khát vọng của Đông Âu thêm lần thứ ba – là một lựa chọn đạo đức, chứ không phải là một khoảnh khắc yếu đuối như Putin nhìn nhận.
Điều mà Putin hướng tới vào năm 2022, khi ông tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, là mô hình thống trị tàn bạo kiểu cũ của Liên Xô. Nhưng thế giới lại thay đổi theo cách mà ông không thể hiểu được. Người Ukraine đã chống trả mạnh mẽ và phương Tây đang cung cấp vũ khí cho họ – khác với năm 1956 và 1968, khi Mỹ và các đồng minh chỉ đứng sang một bên và không hề phản đối sự can thiệp của Moscow.
Hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Âu – không giống như khối Xô-viết năm 1989 – hoạt động dựa trên sự đồng thuận. Nó là một “đế chế theo lời mời,” như cách nói của nhà khoa học chính trị Geir Lundestad. Trong khi người Ba Lan và người Séc mong mỏi quân đội Liên Xô rút lui vào năm 1989, thì các nước EU sẽ kinh hoàng nếu quân đội Mỹ rút quân vào ngày hôm nay.
Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 1989, ở Moscow, Washington, Berlin, và Warsaw. Duy chỉ có một điều không thay đổi là quyết tâm của người châu Âu nhằm chống lại sự thống trị của Nga. Các quốc gia EU đau đớn nhận ra rằng họ đã trở nên phụ thuộc như thế nào vào sức mạnh quân sự của Mỹ. Nhưng họ đã quyết tâm “làm điều gì đó.”
Có thể Washington sẽ rơi vào im lặng trong năm tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là Moscow có thể quay kim đồng hồ châu Âu trở lại năm 1988.
(Theo nghiencuuquocte.org)