Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh: Reuters)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh tại LHQ

Theo Nikkei,  trong bài phát biểu vào hôm thứ Ba (22/9) tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích chính quyền Trung Quốc, chủ nghĩa toàn cầu và đề nghị lãnh đạo các quốc gia đặt đất nước lên trên hết như cách ông đang làm với Hoa Kỳ.

 

 

Trong bài phát biểu được ghi hình từ trước, khi nói về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Tổng thống Trump cho rằng “Liên Hợp Quốc phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về các hành động của họ”.

 

Ông Trump cũng bảo vệ lập trường đặt nước Mỹ lên trên hết vì “Sự thịnh vượng của Mỹ là nền tảng của tự do và an ninh trên toàn thế giới”.

 

“Trong nhiều thập niên, những tiếng nói mệt mỏi giống nhau đã đề xuất những giải pháp thất bại giống nhau, theo đuổi tham vọng toàn cầu với với cá giá phải trả là chính người dân của họ”, ông Trump nói. “Nhưng chỉ khi các vị quan tâm đến công dân của mình, các vị mới tìm thấy cơ sở thực sự để hợp tác. Với tư cách là tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng như các vị nên đặt quốc gia của mình lên trên hết”.

 

 

 

 

 

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chặn nhập khẩu từ Tân Cương

SCMP đưa tin, các nhà lập pháp Hoa Kỳ tại Hạ viện hôm thứ Ba (22/9) đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc vì nghi ngờ những sản phẩm ở khu vực này được làm ra từ lực lượng lao động cưỡng bức do Bắc Kinh bảo trợ.

 

 

Hiện tại, Mỹ cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào nếu có bằng chứng cho thấy lao động cưỡng bức đã tham gia vào quá trình sản xuất những mặt hàng này. Điều này có nghĩa là nếu các nhân viên chính phủ Mỹ không chứng minh được sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức thì vẫn phải mở cửa cho hàng hóa vào Hoa Kỳ.

 

 

Nhưng luật mới được thông qua hôm thứ Ba đã đảo ngược quy tắc nhập khẩu đó. Cụ thể, các nhà nhập khẩu không thể tiếp nhận nguồn hàng được sản xuất toàn bộ hoặc một phần từ Tân Cương trừ khi chính phủ Mỹ có thể đưa ra bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng chúng không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

 

 

 

 

 

 

Ông Moon: Cần tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên

Theo Yonhap,  hôm thứ Tư ngày 23/9,  Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in, kêu gọi tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nói rằng điều này sẽ mở đường cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo

 

 

“Đã đến lúc xóa bỏ thảm kịch kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh phải kết thúc một cách hoàn toàn và tốt đẹp”, ông Moon nói trong bài phát biểu được ghi hình trước khi phát trực tiếp tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 

 

Ông Moon cũng đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ để hai miền Triều Tiên có thể tiến tới kỷ nguyên hòa giải và thịnh vượng thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

 

 

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này đã kết thúc vào năm 1953 trong một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

 

 

 

 

 

 

 

Facebook xóa tài khoản Trung Quốc can thiệp vào Mỹ

Theo Reuters,  hôm thứ Ba ngày 22/9, Facebook cho biết họ đã xóa một mạng lưới các tài khoản Trung Quốc không xác thực đang can thiệp vào chính trị châu Á và Mỹ, bao gồm một số đăng tài liệu ủng hộ và phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

 

Công ty mạng xã hội này tuyên bố rằng họ đã đình chỉ 155 tài khoản trên nền tảng chính của mình cùng với 6 tài khoản Instagram.

 

 

Giám đốc chính sách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel Gleicher nói rằng quyết định xóa các tài khoản đăng ký tại Trung Quốc được thực hiện dựa trên nguyên tắc chống bất kỳ các can thiệp từ nước ngoài vào hoạt động chính trị của Hoa Kỳ.

 

 

 

 

 

 

 

Sau chiến dịch ma túy, Mexico có nhiều xác không tên

Theo The Guardian,  chiến dịch quân sự hóa tấn công tội phạm có tổ chức của Mexico đã để lại gần 39.000 thi thể chưa được xác định danh tính trong các nhà xác của đất nước

 

 

Một cuộc điều tra mới của tổ chức phi chính phủ Quinto Elemento Labs phát hiện ra rằng có một số lượng đáng báo động những người chết được chôn cất trong những ngôi mộ chung. Trong khi một số được bỏ lại trong nhà tang lễ và hơn 2.500 thi thể được trao cho các trường y tế.

 

 

“Có thể các sinh viên [y tế] đang thực hành trên thi thể của những người đang được gia đình họ tìm kiếm”, một bài báo hôm thứ Ba (22/9) viết. “Cuộc khủng hoảng pháp y đã biến Mexico thành một cỗ máy chôn cất”.

 

Cuộc chiến chống ma túy được quân sự hóa của Mexico đã khiến gần 300.000 người chết trong 14 năm qua. Trong khi đó 73.000 người khác đã mất tích và gia đình của những người này phải tìm kiếm người thân của họ mà không có sự hỗ trợ của chính quyền.

(Theo dkn.tv)