Trái: Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un (ảnh: Wikimedia Commons), Phải: Thị trấn Kaesong (ảnh thumbnail Youtube/Toff Rabat).
Mục Điểm tin thế giới tối Chủ nhật ngày 26/7, DV xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Hàn bất ngờ phong tỏa thành phố sát biên giới Nam Hàn
Lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kèm quyết định phong tỏa thị trấn Kaesong gần biên giới liên Triều, sau khi một người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn bị nghi nhiễm Covid-19 trở về nước thông qua con đường vượt biên trái phép, truyền thông nhà nước Bắc Hàn, KCNA, cho biết hôm Chủ nhật (26/7).
Ông Kim đã triệu tập một cuộc họp khẩn của bộ chính trị để đáp trả cái mà ông gọi là một “tình huống nguy hiểm trong đó con virus độc hại có thể đã xâm nhập đất nước”, KCNA đưa tin.
Máy bay trinh sát Mỹ hiện diện kỷ lục trên biển Đông
Hoa Kỳ đã tăng cường trinh sát trên không ở mức tần suất kỷ lục ngoài khơi Trung Quốc và tại Biển Đông, tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
“Hiện tại, quân đội Mỹ đang gửi ba đến năm máy bay trinh sát mỗi ngày tới khu vực Biển Đông”, SCSPI cho biết. “Trong nửa đầu năm 2020 – với tần suất cao hơn, khoảng cách gần hơn và nhiều chuyến trinh sát hơn – hoạt động trinh sát trên không của Hoa Kỳ ở Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới”.
SCSPI cho biết số liệu thống kê của họ cho thấy các chuyến bay của các máy bay Mỹ đến khu vực cách đất liền khoảng 50 đến 60 hải lý là “khá thường xuyên”. Đặc biệt trong 3 tuần đầu tháng 7, SCSPI đã ghi nhận kỷ lục 50 lần xuất kích của các trinh sát cơ – hoạt động gần các căn cứ quân sự trên đất liền của Mỹ trải dài đến Biển Đông – trùng khớp với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực.
Anh quyết đối phó với Nga, Trung Quốc trong không gian
Anh sẽ tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong không gian, theo đề xuất từ một bản đánh giá quốc phòng toàn diện nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
Viết trên tờ The Telegraph, vị Bộ trưởng Quốc phòng cảnh báo “Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí tấn công trong không gian” sau khi Anh và Mỹ cáo buộc Nga thử nghiệm một loại đạn giống vũ khí có thể nhắm đến các vệ tinh.
Ông Wallace cho biết bản đánh giá quốc phòng tổng hợp sẽ được trình lên Thủ tướng Johnson vào năm tới. Theo đề xuất từ bản đánh giá, Bộ Quốc phòng sẽ “chuyển hướng” sự tập trung ra khỏi lĩnh vực chiến tranh thông thường, khi Bộ này sẽ “được tái định hướng để hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực mới nhất là không gian, không gian mạng và ngầm dưới biển”.
Apple bắt đầu sản xuất iPhone phiên bản cao cấp ở Ấn Độ
Nhà sản xuất Foxconn – đơn vị sản xuất iPhone chủ lực của Apple – đã bắt đầu thiết lập các đơn vị sản xuất iPhone 11 tại một cơ sở gần Chennai ở Ấn Độ, tờ TechCrunch đưa tin. Đây là lần đầu tiên Apple sản xuất một trong những dòng smartphone flagship của mình tại quốc gia Nam Á này.
Apple đã sản xuất các mẫu iPhone giá rẻ hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017, và đã từng cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất các mẫu cao cấp hơn đến đây.
Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới vào năm 2019, vượt trên Mỹ và chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo TechCrunch, Apple có kế hoạch gia tăng quy mô sản xuất ở Ấn Độ, điều này sẽ giúp giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi hầu hết iPhone hiện đang được sản xuất hiện nay.
EU chê vắc xin WHO cung cấp ‘mắc và chậm’, tự tìm hướng đi mới
Liên minh châu Âu EU hiện không hứng thú với việc mua trước các liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng thông qua một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập, bởi họ cho rằng giải pháp này chậm mà lại có chi phí cao, hai nguồn tin của EU chia sẻ với Reuters. EU cũng đang đàm phán với các hãng dược phẩm để chế tạo các liều vắc-xin có mức giá rẻ hơn 40 USD.
Quan điểm này cho thấy EU chỉ ưu tiên một phần phương thức tiếp cận chung toàn cầu trong cuộc đua chế tạo vắc-xin COVID-19. Tuy EU ủng hộ các sáng kiến tiếp cận công bằng và đồng thời với vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, họ vẫn sẽ ưu tiên các nguồn cung cho người dân EU.
Động thái này cũng có thể giáng một đòn mạnh vào sáng kiến COVAX do WHO dẫn đầu nhằm bảo đảm vắc-xin cho tất cả mọi người.
“Dựa vào COVAX sẽ dẫn đến giá cao hơn và nguồn cung chậm hơn”, một trong hai quan chức EU cho biết.
Theo cơ chế COVAX, EU có thể đặt hàng vắc-xin Covid-19 trước với mức giá ước tính 40 USD/một liều đối với các nước giàu, quan chức này cho biết, tuy nhiên EU có thể xoay sở để mua với mức giá rẻ hơn với kế hoạch của riêng mình.
(Theo dkn.tv)