Quặng sắt Úc (ảnh: Youtube/鉴堂).

 

 

 

 

 

Theo phân tích của các chuyên gia, quặng sắt Úc không chịu ảnh hưởng bởi những đòn “trả đũa” kinh tế của Trung Quốc, với mức giá không ngừng gia tăng, việc Trung Quốc chế tài kinh tế Úc đã sắm vai một cách hoàn hảo trong vở diễn “tự khiêng đá nện vào chân mình”.

 

 

Kể từ tháng 10 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép và công ty điện lực cấm mua than của Úc, điều này đã khiến giá than cốc chất lượng cao của Úc đã giảm 22%.

 

 

Tuy nhiên, động thái này của Bắc Kinh đã khiến giá than cốc ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 4 năm kể từ tuần trước, khiến các nhà máy thép lâm vào cảnh khốn đốn. Một quốc gia khác cung cấp than đá cho Trung Quốc là Mông Cổ, tuy nhiên do các tài xế xe tải cần phải kiểm dịch khi đi qua biên giới, thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài dẫn đến giá than sản xuất tại Trung Quốc tăng cao, ĐCSTQ phải thu mua than từ các nước khác với mức giá cao hơn của Úc. 

 

 

Gần đây, giá quặng sắt đã tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm, đạt 152,95 USD/tấn, vượt xa mức giá ước tính của tháng 10 năm nay là 55 USD/tấn. Điều này khiến cho chi phí sản xuất của các công ty thép Trung Quốc gia tăng và lợi nhuận giảm xuống đáng kể.

 

 

Được biết, Úc là quốc gia sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, quặng sắt của Úc được coi là không thể thay thế và là “lựa chọn hạt nhân” trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc. Bởi lẽ, Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới và Úc đóng vai trò hết sức quan trọng trong nguồn cung quặng sắt cho Trung Quốc. Các mỏ sắt của Úc cung cấp 2/3 lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu lượng lớn than cốc từ Úc để sản xuất thép.

 

 

Trước tình hình này, ngoại giới phân tích rằng, thời gian vừa qua, chính quyền Trung Quốc liên tục “trả đũa” lên các mặt hàng nông sản và rượu vang của Úc. Các mặt hàng xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc giảm đi đáng kể khiến chính phủ Úc quan ngại sâu sắc. Sự chèn ép của chính quyền Trung Quốc không chỉ mang lại tổn thất đối với Úc, mà còn gây thiệt hại nặng nề cho chính người dân Trung Quốc.

 

 

Hãng truyền thông CNBC ngày 15/12 cho biết, đồng đô-la Úc (AUD) cũng đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua nhờ giá quặng sắt tăng. Cuối tuần trước, AUD đã tăng vượt 0,75 so với  Mỹ kim (USD), mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2018 và tăng gần 8% so với Mỹ kim kể từ đầu năm nay.

 

 

Ngày 11/12, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tăng gần 10%, vượt mốc 1.000 Nhân dân tệ (NDT)/tấn, mức cao kỷ lục trong vòng 7 năm qua.

 

 

Phóng viên lâu năm người Úc – John Beveridge cho rằng, trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tấn công Úc, nó cũng đã phải trả một cái giá kinh tế trực tiếp rất nặng cho hành vi của mình, đồng thời, hành vi này cho thấy hình ảnh của ĐCSTQ không đáng tin cậy, ỷ mạnh hiếp yếu và lật lọng thất thường.

 

 

Về lệnh cấm “không chính thức” của ĐCSTQ đối với than cốc và than đá của Úc, kể từ tháng 10/2019 đến nay, đã có hơn 60 tàu chở than của Úc phải cập bến bên ngoài các cảng của Trung Quốc. Điều này khiến cho giá than trong nước Trung Quốc tăng và giá than của Úc giảm, trong khi chất lượng than Trung Quốc kém hơn nhiều. Ở miền Bắc Trung Quốc, người dân dùng than là để sưởi ấm vào mùa đông, do giá than tăng cao, nhiều khu vực không đủ sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh.

 

 

Những tác động thay đổi trong việc mua bán than cũng ảnh hướng đến thị trường quặng sắt, bất kỳ biện pháp nào nhằm giảm lượng than đều sẽ dẫn đến việc tăng sử dụng quặng sắt.

 

 

Do giá quặng sắt tăng vọt khiến cho Hiệp hội công nghiệp sắt thép Trung Quốc (CISA) đã đệ đơn khiếu nại mạnh mẽ lên BHP Billiton – tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất của Úc.

 

 

John Beveridge cho biết, chính phủ Trung Quốc đang rất tức giận với việc giá quặng sắt quá đắt, vì điều này đe dọa đến lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc.

 

 

Mặc dù các công ty thép của Trung Quốc có thể không hài lòng với giá quặng sắt như hiện nay, nhưng chắc chắn rằng, những hành động của Trung Quốc tạo ra sự bất ổn trên thị trường hàng hóa toàn cầu đã đóng một vai trò trong việc đẩy giá quặng sắt lên.

 

 

Ông John Beveridge cho rằng, tình trạng hỗn loạn trên thị trường than và quặng sắt có thể là khởi đầu cho một số thay đổi thương mại khó lường, điều này có thể tạo ra phản ứng ngược lại cho ĐCSTQ, và nó cũng sẽ mang lại nhiều trắc trở cho nước Úc.

(Theo dkn.tv)