Các cáo buộc này là cáo buộc mới nhất trong một loạt các vụ truy tố nhắm vào các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. (Getty)

 

 

 

 

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) cho biết, một cựu nhân viên CIA đã bị buộc tội bán thông tin tuyệt mật cho Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.

 

 

Alexander Yuk Chung Ma, một cư dân Hawaii 67 tuổi, bị bắt vào ngày 14/8 và bị buộc tội âm mưu chuyển thông tin mật, bao gồm cả thông tin cấp độ "tối mật", cho Trung Quốc - một hành vi phạm tội có thể dẫn đến chung thân, các công tố viên cho biết.

 

 

Ông Ma bắt đầu làm việc cho CIA vào năm 1982 và sau đó trở thành nhà ngôn ngữ học của FBI.

 

 

Các công tố viên cho biết, ông Ma đã làm việc với một người họ hàng cũng là cựu sĩ quan CIA, một người đàn ông 85 tuổi ở Los Angeles, nhưng người họ hàng này không bị buộc tội vì ông ta mắc "bệnh suy giảm nhận thức".

 

 

Các cáo buộc này là cáo buộc mới nhất trong một loạt các vụ truy tố nhắm vào các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

 

 

Cựu nhân viên Ma là một công dân Hoa Kỳ nhập tịch sinh ra ở Hong Kong, hoạt động ở nước ngoài, nơi ông ấy được thông quan ở cấp độ "tối mật", các công tố viên cho biết. Ông ấy rời tổ chức vào năm 1989, sau đó sống và làm việc tại Thượng Hải trước khi chuyển đến Hawaii vào năm 2000.

 

 

Các công tố viên cho biết, vào năm 2001, ông Ma bắt đầu bày tỏ sự phục tùng khi ông có nhiều lần gặp gỡ ít nhất 5 sĩ quan của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) - cơ quan tình báo hàng đầu của nước này - trong một phòng khách sạn ở Hong Kong. Trong các cuộc gặp mặt này, ông Ma đã “tiết lộ một lượng lớn thông tin quốc phòng tuyệt mật” của Hoa Kỳ, bao gồm danh tính của các sĩ quan và tài sản CIA, các phương pháp liên lạc bí mật, thông tin về cấu trúc nội bộ của CIA và chi tiết về hoạt động tình báo của cơ quan.

 

 

Tài liệu của tòa án cho biết, FBI đã thu thập đoạn video quay lại một trong các cuộc họp vào tháng 3/2001, cho thấy các đặc vụ MSS trả cho Ma 50.000 USD (hơn 1,158 tỷ VNĐ). Ông Ma đã ngồi vừa đếm số tiền vừa cung cấp các thông tin mật. Không rõ bằng cách nào FBI có được đoạn phim này.

 

 

Theo lời các công tố viên, ông Ma sau đó đã nộp đơn xin gia nhập FBI với nỗ lực tiếp tục cung cấp thông tin bí mật cho những người cấp trên Trung Quốc của mình. Năm 2004, ông ấy nhận được công việc là nhà ngôn ngữ tiếng Trung theo hợp đồng tại văn phòng thực địa Honululu của FBI, được giao nhiệm vụ xem xét và dịch các tài liệu tiếng Trung. Một ngày trước khi bắt đầu vai trò này, ông Ma đã gọi điện cho một người nghi là đồng phạm của ông và nói rằng bản thân sẽ làm việc cho “phía bên kia”, một bản khẩu cung của FBI cho biết.

 

 

Trong 6 năm tiếp theo làm việc tại FBI, ông Ma thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu mật của Hoa Kỳ, bao gồm nghiên cứu về tên lửa dẫn đường và hệ thống vũ khí. Sau đó, ông ấy mang theo những tài liệu và ảnh bị đánh cắp này trong các chuyến đi thường xuyên đến Trung Quốc để giao cho người quản lý tại MSS của mình, các công tố viên cho biết. Sau những chuyến đi ấy, ông Ma thường trở về với hàng nghìn đô-la Mỹ tiền mặt và những món quà đắt tiền, chẳng hạn như một bộ gậy đánh golf mới.

 

 

Vào một dịp hồi tháng 3/2006, MSS yêu cầu ông Ma liên hệ với đồng phạm của mình để cung cấp danh tính của 5 người được mô tả trong các bức ảnh bị nghi ngờ là người cung cấp thông tin. Đồng phạm của ông Ma đã tiết lộ danh tính của 2 trong số những người này, bản khẩu cung cho biết.

 

 

Vào tháng 1/2019, một đặc vụ FBI bí mật đóng giả là một sĩ quan MSS đã tiếp cận ông Ma, sử dụng đoạn phim về cuộc họp năm 2001 trong phòng khách sạn ở Hong Kong để thuyết phục ông ta rằng viên sĩ quan này thực sự đến từ cơ quan tình báo Trung Quốc. Trong một cuộc họp, ông Ma thừa nhận đã làm việc cho MSS và nhận 2.000 đô-la Mỹ (hơn 46 triệu VNĐ) tiền mặt từ nhân viên FBI cải trang này - một "chút quà" để thể hiện sự đánh giá cao phần công việc của ông Ma đối với Trung Quốc. Bản thân ông Ma cũng đề nghị tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc.

 

 

Tại một cuộc họp khác với sĩ quan chìm vào ngày 12/8, ông Ma một lần nữa nhận tiền cho những nỗ lực gián điệp trong quá khứ của mình và nói rằng ông ta muốn “mẫu quốc” thành công, nói thêm rằng ông ta có thể làm việc cho MSS với tư cách là một nhà tư vấn.

 

 

DOJ trong những năm gần đây đã đưa ra các vụ kiện chống lại một số quan chức hiện tại và cựu quan chức Hoa Kỳ bị cáo buộc cung cấp bí mật cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm ngoái, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee đã bị kết án 19 năm tù, sau khi nhận tội âm mưu cung cấp thông tin mật cho tình báo Trung Quốc sau khi người này rời CIA vào năm 2010.

 

 

“Dấu vết hoạt động gián điệp của Trung Quốc còn dài và đáng buồn thay, rải rác trong số các cựu sĩ quan tình báo Mỹ, những người đã phản bội đồng nghiệp, đất nước của họ và các giá trị dân chủ tự do để ủng hộ chế độ cộng sản độc tài,” Trợ lý Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia John C. Demers nói trong bản tường trình.

(Theo ntdvn.com)