Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn một tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines(BFAR) khi tàu này đến gần Bãi San Hô Scarborough do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông đang tranh chấp vào ngày 22/9/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
QUỐC TẾ - Vào ngày 25/2, một quan chức cấp cao Philippines cho biết chính phủ nước này đã bố trí các phóng viên lên một tàu tiếp tế đang thực hiện nhiệm vụ tại Bãi San Hô Scarborough để ghi chép trung thực về sự hiện diện bất hợp pháp của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tại khu vực này.
Phát ngôn viên của lực lượng Cảnh sát biển Philippines (PCG), Chuẩn Đô đốc Jay Tarriela, đã đưa ra tuyên bố trên sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc các phóng viên trên một tàu đánh cá Philippines đã cố gắng "bôi nhọ và thổi phồng" hoạt động của Cảnh sát biển Trung Quốc gần bãi cạn đang tranh chấp vào ngày 22/2.
Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này. Philippines gọi đây là "Bajo de Masinloc", trong khi Trung Quốc gọi là "đảo Hoàng Yến".
"Chính phủ Philippines đã bố trí các nhà báo [tại Bajo De Masiloc] không phải để bôi nhọ sự hiện diện bất hợp pháp, hành vi bắt nạt và chiến thuật khiêu khích của các bạn, mà là để báo cáo trung thực về tình hình mà không có bất kỳ thiên vị hay ảnh hưởng nào", ông Tarriela nói trên X, nền tảng trước đây được gọi là Twitter.
Ông khẳng định cam kết của đất nước đối với việc duy trì quyền tự do báo chí, đồng thời cho biết Philippines "cho phép các nhà báo thực hiện quyền và trách nhiệm của họ trong việc cung cấp thông tin chính xác đến công chúng".
"Điều này có nghĩa là bất cứ điều gì họ công bố trước công chúng đều là những câu chuyện thực tế và không bị chính phủ chi phối", quan chức PCG nói.
Bãi San Hô Scarborough, một đảo san hô vòng (một loại rạn san hô có hình dạng vòng đai bao quanh một đầm nước lặng) thuộc Biển Đông, là một phần của quần đảo Trường Sa. Bãi san hô này nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 900 km và cách Philippines khoảng 240 km.
Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), mà Trung Quốc là thành viên, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia biển bao gồm vùng biển bên trong 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ đường bờ biển.
Tàu Philippines né tránh nỗ lực ngăn chặn của tàu Trung Quốc
Vào ngày 22/2, Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố đã xua đuổi một tàu thuộc Cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR) vì "xâm nhập trái phép" vào vùng biển của họ gần Bãi San Hô Scarborough.
Tàu của BFAR, mang tên BRP Datu Sanday, dường như là cùng một tàu có các nhà báo trên boong trong nhiệm vụ tiếp tế vào ngày 22/2.
Ông Tarriela, quan chức Philippines, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc là "không chính xác". Ông cho biết tàu của BFAR đang cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh cá Philippines hoạt động trong vùng EEZ của Philippines thì bị các tàu Trung Quốc tiếp cận.
Ông Tarriela khẳng định trên X: "Chúng tôi không giống như Trung Quốc, sử dụng tàu cá như một phần trong chiến thuật 'vùng xám' để thay đổi hiện trạng ở Biển Tây Philippines".
Cảnh sát biển Philippines (PCG) cho biết, ít nhất bốn tàu Trung Quốc đã bám đuôi, gây nhiễu tín hiệu nhận dạng tự động (AIS) và thực hiện "các hành động nguy hiểm" đối với tàu của BFAR. Theo AFP, có thời điểm ba trong số các tàu Trung Quốc đã áp sát mạn trước của tàu Philippines chỉ khoảng 100 mét.
Mặc dù vậy, ông Tarriela cho biết tàu Philippines đã vượt qua được những nỗ lực cản trở của Trung Quốc và tiếp tục tuần tra khu vực để đảm bảo an toàn cho ngư dân Philippines.
"Điều thú vị là một số phóng viên của chúng tôi đang có mặt trên tàu của BFAR, và các báo cáo sắp tới của họ sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ xác nhận tính chính xác của tuyên bố của chúng tôi", ông nói.
Vụ việc tàu Philippines né tránh nỗ lực cản trở của tàu Trung Quốc xảy ra chỉ hai tuần sau sự cố vào ngày 1/2, khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cắt ngang mũi tàu Philippines hai lần trong một cuộc chạm trán gần Bãi San Hô Scarborough.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các rạn san hô và đảo chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Philippines.
Năm 2016, Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye và giành chiến thắng. Tuy nhiên phán quyết này không cho thấy Trung Quốc thay đổi hành vi, vì các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Philippines.
Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, ông Jose Manuel Romualdez, đã cảnh báo rằng xung đột giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia vào ngày 7/12.2023, ông cho biết Biển Đông, chứ không phải vấn đề Đài Loan, mới là "điểm nóng căng thẳng nhất" có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh.
Ông Romualdez nói với hãng truyền thông này rằng "Nếu có bất cứ điều gì xảy ra ở khu vực của chúng tôi, thì đó giống như sự khởi đầu của một cuộc chiến khác, một cuộc chiến tranh thế giới".
(Theo The Epoch Times, Huyền Anh biên dịch)
(ntdvn.net)