Tổng thống Nga Putin và Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tham dự lễ ký kết sau cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 5/6/2019. ( Ảnh MAXIM SHIPENKOV / AFP qua Getty)

 

Nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã không đặt chân ra nước ngoài trong hai năm rưỡi. Ông đã chọn Trung Á cho chuyến thăm đầu tiên của mình sau khi có thông tin rằng ông sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Uzbekistan. Truyền thông Đức chỉ ra rằng cuộc gặp có tính biểu tượng cao.

 

Tờ Handelsblatt của Đức đăng tải một bài báo có tiêu đề “Thỏa thuận chống lại phương Tây - Tập Cận Bình và Putin sẽ gặp nhau ở Uzbekistan”, trong đó giới quan sát chính trị cho rằng cuộc gặp này mang tính biểu tượng cao. Ông Tập Cận Bình đã không rời Trung Quốc trong hơn hai năm. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông để gặp ông Putin được coi là một cam kết rõ ràng đối với Nga.

 

Bài báo viết rằng trong cuộc chiến Ukraine, chính phủ Trung Quốc, vốn tự hào là trung lập, thực sự ủng hộ lập trường của Moscow về nhiều mặt: phản đối sự mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cáo buộc Hoa Kỳ khuấy động căng thẳng, đề cập đến 'những lo ngại an ninh hợp pháp' của Nga và lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp. Ngoài ra, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối gọi hành động của Nga là một cuộc xâm lược và tránh nói về chiến tranh.

 

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8, làm leo thang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nhà quan sát tin rằng điều này càng góp phần khiến Bắc Kinh muốn tăng cường sức mạnh cạnh tranh với phương Tây thông qua liên minh với Nga.

 

Bài báo chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về phương diện chính trị, kinh tế và quân sự. "Và theo các nhà quan sát, hợp tác kinh tế quan trọng hơn hợp tác quân sự. Trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga và Bắc Kinh chủ yếu quan tâm đến Nga với tư cách là nhà cung cấp nguyên liệu thô".

 

Báo cáo của tờ München cũng cho rằng "cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin" là cuộc gặp mang tính biểu tượng cao. Tờ báo chỉ ra rằng trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc không ngừng tăng lên, và kinh tế cũng tiếp tục xích lại gần nhau hơn. Trong khi tăng trưởng thương mại nước ngoài của Trung Quốc trong tháng 8 chậm lại so với tháng trước, thì thương mại với Nga lại tăng trưởng mạnh mẽ.

 

Các chuyên gia cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước là hoạt động "đôi bên cùng có lợi: "Nga có thêm nhiều nguyên liệu thô mà Trung Quốc đang rất cần, trong khi Trung Quốc có bí quyết công nghệ mà Nga hy vọng sẽ được hưởng lợi".

 

"Trên hết, Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn về mặt tư tưởng. Trong nhiều tháng, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng NATO và đặc biệt là Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine. Khi bắt đầu xung đột, Trung Quốc đã lan truyền một số thông tin sai lệch từ Nga, chẳng hạn như cáo buộc rằng Mỹ duy trì một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine. Cho đến nay Bắc Kinh không lên án chiến tranh. Đổi lại, Điện Kremlin đã ủng hộ lập trường cứng rắn của Trung Quốc về cuộc xung đột Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo của bà Pelosi".

 

Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, ngày 07/9, ông Lật Chiến Thư, nhân vật quan trọng thứ ba trong ĐCSTQ và là thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, đã dẫn đầu một phái đoàn lớn tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 do Nga tổ chức tại Vladivostok, vùng Viễn Đông nước Nga, tuyên bố "hợp tác toàn diện" với Moscow.

 

Theo Hãng thông tấn Sputnik của Nga, ông Lật Chiến Thư cho biết “Tiềm năng hợp tác Trung-Nga là rất lớn, và các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước rất rộng lớn”.

Trong cuộc gặp với ông Lật Chiến Thư ngày hôm đó, Tổng thống Nga Putin nói rằng ông mong được gặp ông Tập Cận Bình tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tuần tới. Các nhà quan sát tin rằng, chuyến thăm Nga của ông Lật Chiến Thư là "tiền đề" cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin. Cách đây không lâu, ĐCSTQ đã mua một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, và bắt đầu thanh toán phí khí đốt bằng đồng Nhân dân tệ và đồng rúp.

(ntdvn.net; Thanh Hải - Theo Visiontimes)