Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh tại Toà Bạch Ốc (Ảnh: @SantorinisSun/Twitter)

 

HOA KỲ - Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch mới để mở rộng hợp tác hàng hải với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các nhà lãnh đạo ASEAN đang tập trung tại Washington cho một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được coi là sự thể hiện đoàn kết về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

 

Các thành viên ASEAN Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông – một tuyến đường thủy mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn. Trung Quốc đã cải tạo và quân sự hóa một số đảo ở đây trong thập niên qua.

 

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ chi 60 triệu USD cho một sáng kiến ​​hàng hải khu vực mới bao gồm việc chuyển giao các tàu cho các quốc gia Đông Nam Á để cải thiện khả năng của các quốc gia ven biển này trong việc thực thi luật hàng hải và chống lại việc đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát.

 

“Chúng tôi cần đẩy mạnh hoạt động của mình ở Đông Nam Á”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với giới truyền thông. “Chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN”.

 

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm thứ Sáu(13/5), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với khối Đông Nam Á để “thúc đẩy tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

 

Ông Marsudi cho biết Indonesia tuân thủ nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền lãnh thổ” và hy vọng rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Indonesia và Hoa Kỳ sẽ “thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.

 

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng vấn đề Biển Đông là một chủ đề quan trọng của hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

 

“Biển Đông là một vấn đề rất được quan tâm”, phó trợ lý ngoại trưởng Jung Pak cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần này. “Chúng tôi đang chứng kiến ​​những hành động ngày càng gây hấn và cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các nước có tuyên bố chủ quyền. Bạn biết đấy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các đồng minh và đối tác trong khu vực và xa hơn nữa để bảo đảm rằng Biển Đông được tự do và rộng mở”.

 

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN trong một bữa ăn trưa làm việc để thảo luận về an ninh hàng hải và các lĩnh vực khác. Trong một bài phát biểu tại Singapore vào tháng Tám năm ngoái, bà Harris đã lên án “yêu sách phi pháp” của Trung Quốc đối với Biển Đông. Bà nói, hành động của Trung Quốc “phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia”.

 

Chính quyền Biden đang chuẩn bị khai triển một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương toàn diện, đây sẽ là động thái kinh tế và thương mại lớn đầu tiên của Hoa Kỳ trong khu vực kể từ khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Toà Bạch Ốc, hôm ngày 12/5, đã công bố hơn 150 triệu USD trong các kế hoạch mới, bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an ninh y tế và giáo dục của ASEAN.

(dkn.tv - Theo VOA)