Các hacker Trung Quốc hiện đang bị cáo buộc vì tội ăn cắp bí mật thương mại. Nguồn: AAP

 

 

Hai hacker bị cáo buộc làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, nay đang bị FBI truy nã vì hành vi tấn công các công ty và cá nhân tại 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Úc. Nhóm hacker này bị FBI cáo buộc đã ăn cắp các bí mật thương mại, tài sản trí tuệ cũng như các nghiên cứu vaccine Covid-19 của 10 quốc gia, trị giá hàng trăm triệu đô-la.

 

Li Xiaoyu và Dong Jiazhi từng là bạn học cùng lớp, nay cả hai đều đang bị FBI truy nã.

 

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cáo buộc hai công dân Trung Quốc này đã hoạt động gián điệp trên mạng kéo dài hàng chục năm qua, nhắm vào các nhà thầu về quốc phòng, các nhà nghiên cứu Covid-19 và hàng trăm nạn nhân khác trên thế giới.

 

Phụ tá Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về An ninh Quốc gia, ông John Demers mô tả hai người này hoạt động rất mạnh mẽ.

 

 

‘Những hacker này đã ăn cắp nhiều terabytes dữ liệu, từ hàng trăm nạn nhân khác nhau, khiến chúng trở thành mối đe dọa lớn lao cho Hoa Kỳ và các mạng lưới nước ngoài.’

 

Tuyên bố của FBI cáo buộc hai người này đã tấn công các bản thiết kế vũ khí quân sự, thông tin về thuốc men, mã an ninh phần mềm và dữ liệu cá nhân, của nhiều nạn nhân khác nhau bao gồm những nhà bất đồng chính kiến và các nhân vật đối lập từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.

 

Ông John Demers cáo buộc hai hacker này làm việc cho chính phủ Trung Quốc.

 

‘Trung Quốc nay cùng với Nga, Iran và Bắc Hàn, tạo thành một câu lạc bộ các quốc gia ô danh, đã cung cấp một thiên đường ẩn núp an toàn cho các tội phạm tấn công mạng trên thế giới.’

 

Ông Li và Dong đối mặt với các tội danh bao gồm âm mưu thiết kế các vụ gian lận trên mạng, âm mưu ăn cắp bí mật thương mại và ăn cắp danh tính người khác.

 

FBI cũng cáo buộc hai người này làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc cũng như mưu toan những lợi ích cho bản thân họ, khi họ tìm cách tống tiền điện tử từ ít nhất một nạn nhân.

 

Ông Nigel Phair, Giám đốc Mạng lưới An ninh trường đại học New South Wales Canberra nói các tội danh này rất nghiêm trọng.

 

‘Đây là một tổ chức hacking có phạm vi hoạt động quốc tế rộng lớn và nguy hiểm. Chúng đã nhắm đến các công ty của Úc, Hoa Kỳ và Đức trên khắp thế giới để ăn cắp tài sản trí tuệ ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau.’

 

Hai công dân Trung Quốc này còn bị cáo buộc đã bí mật theo dõi các công ty về công nghệ sinh học của Mỹ, chủ yếu nhắm đến những nhà nghiên cứu tìm kiếm phương pháp chữa trị coronavirus hoặc các nghiên cứu chế tạo vaccine phòng ngừa coronavirus.

Ông Nigel Phair nói hành động của những người này đã phản tác dụng, khi các viện nghiên cứu đều hợp tác với nhau trong đại dịch.

 

‘Đằng nào thì các viện nghiên cứu trên khắp thế giới cũng sẽ chia sẻ thông tin với nhau thôi. Thật đáng thất vọng vì Trung Quốc núp bóng đằng sau hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ này, có lẽ là họ muốn nhảy vọt lên phía trước trong quá trình sản xuất vaccine, hoặc có lẽ họ muốn nắm lấy một vị trí chắc chắn trên thị trường này.’

 

Trong khi đó phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc về những vụ tấn công mạng liên quan đến Covid-19, nói rằng điều đó thật “vô lý”.

 

Liên quan tới Úc, thì một nhà thầu quốc phòng được cho biết là một trong những nạn nhân của hai hacker này, đã bị ăn cắp 320 gigabytes tài liệu trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm ngoái 2019. Bên cạnh đó một công ty về năng lượng mặt trời Úc cũng là mục tiêu của nhóm này cách đây sáu tháng.

 

Chuyên gia về Chính sách An ninh mạng Quốc Tế, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, ông Tom Uren nói những hoạt động tấn công bị cáo buộc này không phức tạp.

 

‘Họ lợi dụng những kiến thức bảo mật vốn đã được phổ biến, nhưng vấn đề là họ hành động thật sự nhanh chóng và hiệu quả, vì vậy khi bảo vệ mạng lưới, chúng tôi cũng cần phải nhanh chóng và hiệu quả hơn họ, và thực hiện chính xác từng hành động bảo mật căn bản nhất.’

 

FBI tố cáo hai hacker này còn thu thập tin tức tình báo tại những nơi mà chúng nhắm đến như các cuộc biểu tình tại Hong Kong, văn phòng của đức Đạt Lai Lạt Ma và một tổ chức Công giáo Trung Quốc phi lợi nhuận.

 

Ông Tom Uren nói khó có thể bắt giữ hai hacker đang bị truy nã này, vì Hoa Kỳ không ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, tuy nhiên việc xác định danh tính hai người này có thể giúp tiến hành một vụ kiện chống lại các hoạt động gián điệp mạng do chính phủ một quốc gia tài trợ.

 

‘Có thể gây áp lực bằng cách phổ biến thông tin thật rộng rãi. Chẳng hạn khi Thủ tướng phát biểu rằng nước chúng ta là mục tiêu của những kẻ tấn công được chính phủ một quốc gia nào đó tài trợ, thì những người dân Úc trong đó có tôi có thể dựa vào cáo trạng của FBI này như một bằng chứng.’

 

Cáo trạng của FBI không chỉ ra ngay lập tức cụ thể thông tin nào liên quan đến nghiên cứu về Covid-19 mà các hacker đã ăn cắp.

 

Trong một tuyên bố, chính phú Úc thể hiện sự lo ngại đối với các cáo buộc của FBI, và nói Cơ quan An ninh mạng Úc đang làm việc với những nạn nhân bị tấn công, và giúp đỡ họ xây dựng một hệ thống phục hồi, cũng như trang bị thêm các khả năng để chống lại hacker.