Các binh sĩ Thụy Điển và Phần Lan thực hiện các bài tập mô phỏng chiến tranh trong Cuộc tập trận quân sự của NATO trong Chiến dịch Baltic (Baltops 22) vào ngày 11 tháng 6 năm 2022 tại quần đảo Stockholm với 30.000 hòn đảo, đảo nhỏ và bãi đá ngoài khơi bờ biển phía đông của Thụy Điển. Mười bốn đồng minh NATO và hai quốc gia đối tác NATO, Phần Lan và Thụy Điển, đang tham gia cuộc tập trận với hơn 45 tàu, 75 máy bay và 7.500 nhân viên. (Ảnh: Jonas Gratzer/Getty Images)

 

ÂU CHÂU  - Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO kể từ khi Bắc Macedonia gia nhập liên minh vào năm 2020. Với sự gia nhập của Phần Lan, khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới sẽ có thêm một đội quân hiện đại được tổ chức với nhiệm vụ cốt lõi là chống lại sự xâm lược của Nga dọc theo tuyến biên giới chung chiến lược hơn 1300 km.

 

Trong nhiều thập niên, Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển cùng theo đuổi chính sách trung lập, không tham gia NATO nhằm tránh gây căng thẳng với Nga - quốc gia coi sự mở rộng NATO là thách thức về an ninh, nhất là khi Phần Lan có biên giới dài hơn 1.300 km với nước láng giềng phía Đông.

 

Trong quá khứ, mặc dù có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với NATO, Phần Lan vẫn coi mình là "không liên kết" về mặt quân sự. Đó là cách Phần Lan tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, giờ đây, Phần Lan cho rằng cần một sự thay đổi chính sách triệt để để có thể thiết lập lại môi trường an ninh ở châu Âu.

 

Đặc biệt, sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hai nước Bắc Âu dường như đã suy nghĩ lại. Với tỷ lệ ủng hộ cao ở cả trong giới chính trị lẫn dân chúng, tới tháng 5/2022, cả Helsinki và Stockholm cùng nộp đơn gia nhập NATO. Quá trình gia nhập của Phần Lan đã được 30 nước thành viên tiến hành phê duyệt trong khoảng chưa đến một năm, một tốc độ kỷ lục của NATO.

 

Tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg cho biết tại Brussels: "Lần đầu tiên chúng tôi sẽ giương cao lá cờ Phần Lan tại trụ sở NATO. Đây sẽ là một ngày tốt lành cho an ninh của Phần Lan, cho an ninh của Bắc Âu và cho toàn bộ NATO".

 

Có thể nói, lý do khiến hầu hết các quốc gia tham gia NATO là bởi Điều 5 trong Hiến chương của liên minh này. Giống như tất cả các thành viên NATO, Phần Lan sẽ được hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh tập thể, theo đó một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.

 

Bằng cách gia nhập một liên minh có quân số tổng cộng 3,3 triệu người và có lượng thiết bị chiến đấu lên tới hàng nghìn, Phần Lan sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ lãnh thổ của mình. Nhưng khi quyết định kết nạp Phần Lan, NATO cũng sẽ có được lợi ích rất lớn. Liên minh này sẽ có thêm một nước thành viên mạnh về quân sự, không tiếc tiền chi tiêu và dĩ nhiên có thêm một chốt khoá cực kỳ an toàn ở vùng Bắc Âu, nơi lâu nay vẫn bị coi là một điểm xung yếu của khối.

 

 

Quân nhân Phần Lan thượng cờ Phần Lan tại trụ sở NATO ở Brussels, vào ngày 4 tháng 4 năm 2023. (Ảnh: KENZO TRIBOUILLARD/AFP via Getty Images)

 

 

Ngân sách quân sự hàng năm của Phần Lan rơi vào khoảng 6 tỷ USD dành cho lực lượng vũ trang thường trực khoảng 23.000 binh sĩ. Nhưng với hệ thống nghĩa vụ quân sự bắt buộc của mình, Helsinki có thể mở rộng quân đội của lên khoảng 280.000 binh sĩ trong thời chiến, chủ yếu tuyển chọn từ 900.000 quân dự bị vốn đang thực hiện các bài tập huấn luyện thường xuyên. Quân đội Phần Lan có kinh nghiệm chiến đấu tương đối phong phúc, với một số ít từng phục vụ trong liên minh phương Tây ở chiến trường Afghanistan.

 

Phần Lan đã chi hơn 2% GDP cho quốc phòng, đáp ứng mục tiêu mà NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên vào năm 2014. Đương nhiên, con số ấy có thể sẽ sớm được điều chỉnh tăng lên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa NATO và Nga.

 

Nói không ngoa, Nga chính là mối đe doạ hàng đầu trong hệ tư tưởng quân sự của Phần Lan. Bảo vệ đường biên giới dài hơn 1300 km đầy rừng và đầm lầy là ưu tiên hàng đầu của đất nước Bắc Âu. Hầu như tất cả 5,6 triệu người Phần Lan đều nhận thức rõ mối nguy hiểm ấy, bởi họ đã từng bị Nga hoặc Liên Xô xâm lược hơn một lần trong thế kỷ 20.

 

Chỉ số sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu xếp quân đội Phần Lan vào vị trí thứ 51 trên thế giới. Nhưng học thuyết và vị trí địa lý độc đáo của Phần Lan (gần Bắc cực) khiến quân đội nước này có nhiều năng lực hơn những đánh giá. Phần Lan có số lượng pháo binh nhiều nhất Tây Âu, nhiều hơn Đức và Pháp cộng lại. Họ cũng có biệt tài sử dụng các đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, cơ động để tiến hành chiến tranh du kích chống lại kẻ xâm lược đông hơn mình gấp nhiều lần.

 

Matti Pesu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, nói với tờ Newsweek rằng: "Phần Lan hoàn toàn đủ năng lực phòng vệ tổng thể nhưng bằng cách cung cấp thêm lãnh thổ cho NATO, Phần Lan sẽ tạo điều kiện bảo vệ toàn bộ khu vực tốt hơn. Quân đội Phần Lan sẽ tạo thành xương sống của các lực lượng trên bộ đồng minh NATO ở Bắc Âu".

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (thứ 2 từ trái sang), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (phải) tới dự buổi lễ thượng cờ Phần Lan tại trụ sở NATO ở Brussels, vào ngày 4 tháng 4 năm 2023. (Ảnh: KENZO TRIBOUILLARD/AFP via Getty Images)

 

 

Phần Lan hiện sở hữu khoảng 239 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó 179 chiếc được cho là sẵn sàng phục vụ. Trong số này có khoảng 100 chiếc Leopard 2A4 và Leopard 2A6 do Đức sản xuất, tương tự như những chiếc xe tăng được gửi đến Ukraine để giúp Kiev trong cuộc phản công mùa xuân được dự đoán trước.

 

Trong số hàng nghìn xe bọc thép bổ sung có hơn 100 xe chiến đấu bộ binh CV-90 do Thụy Điển sản xuất, cũng đang được gửi tới Ukraine và được coi là một trong những IFV mạnh nhất trên thế giới.

 

Helsinki vượt trội về hỏa lực pháo binh. Phần Lan có hơn 100 khẩu pháo tự hành, trong số đó có 39 khẩu K9 Thunders do Hàn Quốc sản xuất, đây là một trong những loại pháo đáng mơ ước nhất trên thị trường. Phần Lan cũng có 29 Hệ thống tên lửa phóng loạt M270. Đây là loại pháo phản lực tương tự như HIMARS, thứ đã tàn phá các lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine.

 

"Chúng tôi có khả năng phòng thủ đáng kể để tiến hành kiểu chiến tranh hiện đang diễn ra ở Ukraine", chỉ huy hàng đầu của Phần Lan, Tướng Timo Kivinen cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12. "Tính theo đầu người, chúng tôi có lẽ có hỏa lực mạnh nhất ở châu Âu", ông nói. Cùng với Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, Phần Lan hiện là một phần cực kỳ quan trọng của chiến tuyến sườn đông NATO với Nga.

 

Phi đội 55 chiếc F/A-18 Hornet do Mỹ sản xuất của Helsinki, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến của bao gồm tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM, từ bây giờ sẽ tuần tiễu liên tục trên bầu trời biên cương phía đông bắc của liên minh.

 

Song những chiếc F/A-18 uy lực ấy của Phần Lan cũng đang nằm trong kế hoạch loại biên dần. Chúng sẽ bắt đầu được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 tối tân của Mỹ vào năm 2026, bàn giao đầy đủ vào năm 2030. Vùng Lapland của Phần Lan hiện cũng là khu vực huấn luyện không chiến lớn nhất châu Âu của NATO.

 

Lính dự bị Phần Lan thuộc Trung đoàn Cận vệ Jaeger đứng tại một trường bắn khi họ tham gia cuộc tập trận quân sự tại căn cứ quân sự Santahamina ở Helsinki, Phần Lan vào ngày 7 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: ALESSANDRO RAMPAZZO/AFP via Getty Images)

 

 

Giới chuyên gia đánh giá, lực lượng không quân hiện đại của Helsinki sẽ trở nên đặc biệt đáng gờm hơn khi kết hợp với không quân các nước láng giềng Bắc Âu của NATO. Vùng trời phía bắc của nước Nga chắc chắn sẽ không còn yên tĩnh nữa.

 

Phần Lan có đường bờ biển dài hơn 4400 km trên biển Baltic. Với việc Helsinki gia nhập và Thụy Điển đang trên đường chờ phê duyệt thành viên, biển Baltic có thể coi là "ao nhà của NATO". Phần Lan có lực lượng hải quân lớn thứ 12 trên thế giới và hạm đội của họ bao gồm 8 tàu tên lửa và 10 tàu quét mìn.

 

GIới chuyên gia đánh giá về lực lượng hải quân của Phần Lan rằng: “Nó tập trung nhiều vào việc kiểm soát các tuyến biên giới và quần đảo, song vẫn được trang bị đủ tốt cho những trận chiến khốc liệt hơn trên biển.

 

Với việc Phần Lan gia nhập, đường biên giới giữa NATO và Nga sẽ tăng gấp đôi kể từ ngày 4/4. Đây có thể coi là một đòn chiến lược về ngoại giao đối với Nga bởi Moscow luôn tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của cuộc chiến tại Ukraine là ngăn NATO mở rộng đến sát biên giới Nga.

 

Và đương nhiên phía Nga không thể ngồi yên. Ngay từ khi Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra tuyên bố đầy hăm doạ: "Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương Nga - Phần Lan. Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về quân sự - kỹ thuật và các lĩnh vực khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nảy sinh trong vấn đề này".

 

Tháng 4 năm ngoái, Nga thậm chí đã cảnh báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở trung tâm châu Âu nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Khi ấy Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã nói rằng, Nga phải tăng cường lực lượng hải-lục-không quân ở biển Baltic nếu hai quốc gia trên tham gia NATO, và khi đó sẽ khó có chuyện khu vực Baltic "phi hạt nhân" được nữa.

 

Sau khi NATO chính thức kết nạp Phần Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "NATO mở rộng là hành động tấn công vào an ninh và các lợi ích quốc gia của Nga. Điện Kremlin cho rằng tình hình đang trầm trọng thêm, và điều này buộc chúng tôi phải có biện pháp đáp trả cả về mặt chiến thuật và chiến lược".

 

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu liền sau đó cũng cảnh báo Phần Lan vào NATO và liên minh có động thái tăng cường sẵn sàng chiến đấu khiến nguy cơ xảy ra xung đột gia tăng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch ở Ukraine.

 

Khi NATO có thêm Phần Lan, các đồng minh sẽ có thêm một cơ hội nâng cấp khả năng chiến đấu của mình. Những cuộc tập trận ở Phần Lan sẽ giúp các binh sĩ NATO quen thuộc hơn với điều kiện khắc nghiệt ở vùng cực bắc. Và khi ấy, "đặc sản" của Phần Lan là những binh sĩ di chuyển thoăn thoắt trong rừng trên ván trượt tuyết có thể sẽ được phổ biến ra toàn NATO.

 

Tất nhiên, Phần Lan cần sự hỗ trợ của NATO trong khả năng phòng không và bảo vệ các tuyến đường biển vận tải quan trọng trên biển Baltic. Việc gia nhập của Phần Lan cũng sẽ giúp NATO thắt chặt sự kiểm soát chiến lược đối với Biển Baltic – nơi được cho là trọng điểm hàng hải của Nga tới thành phố St. Petersburg và vùng Kaliningrad. Nên nhớ St. Petersburg là quê nhà của Tổng thống Nga Putin, còn Kaliningrad lại là vùng lãnh thổ hải ngoại chiến lược của Moscow nằm giữa các nước NATO.

 

Việc gia nhập NATO sẽ giúp tiết kiệm chi phí trong bối cảnh vũ khí quân sự ngày càng đắt đỏ. Phần Lan đang phải đối mặt với những hạn chế chi tiêu quốc phòng đáng kể. Bằng cách gia nhập một tổ chức chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quốc phòng của thế giới, Phần Lan sẽ nhận được những lợi ích nhất định về chi phí. Điều này sẽ mang lại cho Helsinki không gian tài chính cần thiết để tập trung vào các ưu tiên cụ thể, đồng thời tận dụng các tài sản khác sẵn có trong liên minh.

 

Dù ủng hộ tư cách thành viên NATO, người Phần Lan cũng bị chia rẽ về việc các căn cứ của liên minh có thể được triển khai lâu dài ở nước mình. Chính phủ Phần Lan cũng chưa yêu cầu NATO đóng quân trên lãnh thổ của mình. Lý do là bởi Nga, mối đe doạ chính của Phần Lan, chưa có động thái khác lạ nào ở vùng biên giới, bất chấp những lời tuyên bố mạnh bạo từ giới chức Điện Kremlin.

 

Việc phải căng mình hết sức tại Ukraine đã khiến Nga hầu như không thể tăng thêm binh lực tới áp sát biên giới Phần Lan. Hơn nữa, tiềm lực quân sự của Phần Lan rất mạnh, hoàn toàn chưa cần thiết phải "dùng dao mổ trâu để giết thịt gà".

 

Việc Phần Lan và sau này là Thụy Điển gia nhập sẽ giúp NATO bảo vệ sườn đông dễ dàng hơn khi 7 trong số 8 quốc gia Bắc Cực sẽ thuộc liên minh, trong khi biển Baltic sẽ ngày càng trở thành khu vực nằm trong lãnh thổ NATO. Và khi ấy sức ép với Moscow sẽ ngày càng lớn hơn bao giờ hết.

(Theo ntdvn.net)