Ảnh Freepik.
QUỐC TẾ - Cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu từ cuộc Thương chiến Mỹ - Trung năm 2018, bị gián đoạn vài năm bởi đại dịch COVID - 19 và chiến tranh Nga - Ukraine năm 2022. Đến năm 2023, thế giới lại tập trung vào căng thẳng Mỹ - Trung.
Sau khi bị ám sát hụt, danh tiếng ông Trump tăng cao trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, điều này khiến người ta tự hỏi, liệu cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung có bắt đầu và kết thúc bởi ông Trump hay không?
Đầu năm nay, ông Trump đã nói sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc. Vậy thì nếu bị Mỹ áp thuế 60%, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Vào ngày 16/7, phóng viên Trần Đình của của tờ The Epoch Times tiếng Trung đã có báo cáo tổng hợp về vấn đề này như sau.
Theo báo cáo của các chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn UBS (UBS Group AG) có trụ sở tại Thụy Sĩ vào ngày 15/7, nếu ông Trump thực hiện mức thuế mới là 60%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm 2,5% vào năm tới.
Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị thu hẹp, một nửa là do xuất cảng giảm, nửa còn lại là do tiêu dùng và đầu tư bị ảnh hưởng.
Hiện tại, UBS dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới là 4,6%, và năm 2026 là 4,2%. Các chuyên viên phân tích ước tính rằng, nếu ông Trump thắng cử và áp thuế, ngay cả khi chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp kích thích để cố gắng bù lại tác động của thuế, thì tỷ lệ tăng trưởng trong hai năm này cũng sẽ giảm xuống còn 3%.
Báo cáo cho biết, khi ấy chính quyền Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp tài chính và chính sách tiền tệ nới lỏng để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế đột ngột, nhưng đồng nhân dân tệ có thể sẽ mất giá từ 5% đến 10%.
Trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu, triển vọng việc làm không rõ ràng và ngành bất động sản không thể thoát khỏi khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào sản xuất và xuất cảng.
Vào tháng trước, xuất cảng của Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 15 tháng qua, trong khi nhập cảng lại bất ngờ giảm. Khi nhập cảng giảm, thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng Sáu tăng lên 99,05 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt 31,78 tỷ USD, với EU đạt gần 23 tỷ USD, và với ASEAN là 17 tỷ USD.
Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng, thặng dư thương mại là bằng chứng cho thấy thương mại chỉ có lợi cho Trung Quốc. Sự mất cân bằng này có thể làm gia tăng mối quan ngại về năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, triển vọng nửa cuối năm nay không có lợi cho tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất cảng của Trung Quốc.
Hiện tại, EU đã xác nhận sẽ áp đặt mức thuế chống trợ cấp lên đến 37,6% đối với xe điện của Trung Quốc. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công bố sẽ áp đặt mức thuế gia tăng 40% lên xe điện Trung Quốc, và Canada cũng đang xem xét các biện pháp hạn chế tương tự.
Trong khi đó, Indonesia có kế hoạch áp đặt mức thuế nhập cảng lên đến 200% đối với hàng dệt may của Trung Quốc. Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ thép giá rẻ từ Trung Quốc, và các công ty sản xuất thép Ấn Độ đã kêu gọi tăng thuế lên các sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ và Mexico cũng đã cùng công bố những biện pháp mới để ngăn chặn Trung Quốc dùng đường vòng qua Mexico để xuất cảng sản phẩm thép và nhôm sang Mỹ, đẩy mạnh việc ngăn chặn kim loại giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc tiến vào thị trường Mỹ.
(Theo The Epoch Times tiếng Trung)
(ntdvn.net; Thuần Phong biên dịch)