Tính tới 7 giờ ngày 12/7 (giờ GMT +7), thế giới có 12.832.721 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 567.024 trường hợp tử vong và 7.472.707 bệnh nhân bình phục, theo thống kê của trang Wordometers.
Tổng thống Trump cuối cùng đã chịu đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng kể từ khi virus SARS-CoV-2 lây lan khắp nước Mỹ từ đầu năm nay. (Nguồn: AP)
Tổng thống Trump, người cho đến gần đây vẫn từ chối đeo khẩu trang nơi công cộng, cuối cùng đã phải chấp nhận đeo một chiếc khi đến thăm Trung tâm Y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed hôm 11/7. Tại đây, ông Trump đã gặp gỡ các quân nhân bị thương và các nhân viên y tế tuyến đầu.
Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên ông Trump chịu đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng kể từ khi virus SARS-CoV-2 lây lan khắp nước Mỹ từ đầu năm nay.
Trước đó, Tổng thống Mỹ liên tục từ chối đeo khẩu trang và kêu gọi người Mỹ làm theo mình. Ông cho rằng đây là quyền lựa chọn cá nhân, dù công nhận rằng bản thân sẽ đeo nếu có mặt ở nơi đông người và không thể giữ khoảng cách với người khác.
Ông Trump nói với báo giới tại Tòa Bạch Ốc trước khi khởi hành bắt đầu cho chuyến thăm "Tôi nghĩ khi bạn đến một bệnh viện, trong một bối cảnh đặc biệt khi bạn phải nói chuyện với nhiều quân nhân - một số người có thể vừa rời bàn mổ, thì việc đeo khẩu trang là một điều tốt"
Kể từ khi nhiều tiểu bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng giới hạn phòng chống dịch, Covid-19 đã bắt đầu quay trở lại. Số ca nhiễm mới của Mỹ đã tăng hơn 69.000 trong ngày 10-7. Đây là kỷ lục trong ngày thứ 3 liên tiếp của Mỹ.
Nhóm tiền trạm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11/7 đã đến Trung Quốc để bắt đầu cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Theo AFP, nhóm điều tra của WHO gồm một chuyên gia y tế động vật và một chuyên gia dịch tễ học. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết kết quả chuyến đi này sẽ làm nền tảng cho cuộc điều tra quốc tế lớn hơn do WHO dẫn đầu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, hai chuyên gia sẽ làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc để xác định quy mô, lộ trình và thành phần các nhà khoa học tham gia điều tra sau này. Như vậy, chuyến đi lần này được cho chỉ là mở đầu của một cuộc điều tra lâu dài, theo tờ SCMP.
Mặt khác, hai chuyên gia được cử đến Trung Quốc cũng sẽ tìm hiểu về những điều mà phía Trung Quốc biết được về nguồn gốc động vật của SARS-CoV-2, và làm thế nào mầm bệnh nhảy từ động vật sang người.
Bà Harris nói “Chúng tôi đưa chuyên gia y tế động vật đến nhằm tìm hiểu liệu có phải mầm bệnh nhảy từ các loài động vật sang người và từ loài nào chúng nhảy sang. Chúng tôi biết nó rất giống vi rút trên dơi nhưng cần làm rõ có phải nó đã lây qua một loài trung gian nào khác”.
Giới chuyên gia WHO trước đó tuyên bố những bằng chứng đến nay cho thấy SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật và không phải là nhân tạo. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố vi rút có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm ở TP. Vũ Hán, dù cả hai không đưa ra bằng chứng.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi chính quyền Mỹ chính thức kích hoạt quá trình rút khỏi WHO, sau những chỉ trích về việc cơ quan này bị Trung Quốc chi phối.
Hôm qua, Đại sứ Mỹ tại LHQ Andrew Bremberg hoan nghênh cuộc điều tra của WHO, cho rằng đây là động thái cần thiết để có được hiểu biết đầy đủ và minh bạch về cách dịch bệnh lây lan ra toàn cầu. Theo Reuters, ông Bremberg kỳ vọng Bắc Kinh cho phép các nhà khoa học được tiếp cận đầy đủ dữ liệu, mẫu xét nghiệm và nhấn mạnh Washington trông đợi báo cáo kịp thời của WHO sau cuộc điều tra.
Tân Hoa xã cùng ngày dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Mỹ đã tuyên bố rút khỏi WHO, nên không có cơ sở để đưa ra những bình luận không cần thiết về sự hợp tác của Trung Quốc với WHO.
Ngày 11/7, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thực hành và Khoa học Can thiệp của Đại học Sechenov (Nga), ông Sergey Semitko cho biết các tình nguyện viên được tiêm loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 do Viện Dịch tễ học và Vi sinh học Gamalei của Nga sản xuất đang phản ứng với bệnh một cách tích cực, và tình trạng của họ không gây lo ngại.
Loại vaccine này đang được thử nghiệm riêng rẽ trên các tình nguyện viên tại Đại học Sechenov và Bệnh viện quân sự Burdenko. Ông Semitko nói với các phóng viên: "Nhìn chung, vaccine được dung nạp tốt và tình trạng (của các tình nguyện viên) không gây ra bất kỳ lo ngại lâm sàng nào". Theo ông Semitko, kết quả đáng tin cậy của giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng sẽ có vào cuối tháng này.
Ông Vadim Tarasov, Giám đốc Viện Khoa học Dược phẩm và Y học tịnh tiến của Đại học Sechenov cho biết rõ hơn rằng vaccine trên được sản xuất nhân tạo và không chứa virus SARS-CoV-2.
Ông khẳng định: "Thuốc này là vaccine virus gây bệnh viêm đường hô hấp tái tổ hợp, và trên thực tế, được tạo ra theo cách nhân tạo, tuy nhiên nguyên tắc hoạt động của nó là tạo ra miễn dịch, phản ứng miễn dịch tương tự như phản ứng miễn dịch xảy ra với virus SARS-CoV-2".
Ngày 11/7, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết Brazil và các nước Mỹ Latinh khác, vốn có tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cao, sẽ là những nước đầu tiên nhận được thuốc Avifavir điều trị bệnh này do Nga điều chế.
Avifavir, loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên của Nga, đã được Bộ Y tế nước này cấp phép hồi cuối tháng 5. Nó đã chứng minh hiệu quả điều trị Covid-19 trong 90% các cuộc thử nghiệm. Ngày 8/7, RDIF đã yêu cầu Bộ Y tế Nga cho phép sử dụng Avifavir cho các bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Đầu tuần này, Bộ Công thương Nga đã nhận được yêu cầu cung cấp Avifavir từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), các nước Mỹ Latinh, châu Âu và Đông Nam Á.
Ngày 11/7, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã dự báo về một thế giới hậu Covid-19 đầy khó khăn, nơi những bất đồng và vấn đề về lòng tin giữa các quốc gia sẽ gia tăng, cùng với đó là sự nổi lên của cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa sẽ thúc đẩy một xu hướng được chứng kiến thời tiền đại dịch.
Ông Jaishankar đưa ra bình luận trên tại hội nghị trực tuyến Tuần toàn cầu Ấn Độ 2020. Sự kiện này là một nỗ lực nhằm xác định vai trò và vị trí của Ấn Độ trong một trật tự thế giới hậu Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế.
Theo Ngoại trưởng Ấn Độ, thế giới hậu Covid-19 có thể đặt ra một số thách thức, trong đó có vấn đề về chuỗi cung ứng bền vững. Hãng tin ANI dẫn lời ông Jaishankar nói: "Tôi thấy một thế giới nơi những tranh cãi sẽ trở nên gay gắt. Tôi nghĩ sẽ có những vấn đề về lòng tin vốn đã được nêu ra. Sẽ có những câu hỏi về chuỗi cung ứng bền vững. Đây sẽ là một thế giới khó khăn hơn".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh những căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới, trong đó có một vụ xung đột bạo lực khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Mặc dù các lực lượng hai nước đang thực hiện việc lui quân và giảm căng thẳng ở các khu vực đối đầu, cuộc đụng độ đẫm máu hôm 15/6 đã khiến người Ấn Độ ngờ vực sâu sắc nước láng giềng.
Bình luận về động lực toàn cầu đang thay đổi, ông Jaishankar nói thêm một số xu hướng từng được chứng kiến trước đại dịch có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong thế giới hậu Covid-19. Ông nói: "Nhiều xu hướng mà chúng ta đã thấy trước đại dịch có thể tăng tốc trong thế giới hậu Covid-19. Thậm chí cả trong cách phản ứng, chẳng hạn như trong 6 tháng qua, chúng ta đã thấy nhiều quốc gia hành xử mang đậm nét chủ nghĩa dân tộc hơn".
Ngày 11/7, Thống đốc tỉnh Okinawa của Nhật Bản, ông Denny Tamaki cho biết hàng chục quân nhân Mỹ đồn trú tại tỉnh này đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thống đốc Tamaki cho biết ông bị "sốc" bởi báo cáo của lực lượng Mỹ về số ca mắc Covid-19 đã được xác nhận và nhấn mạnh: "Chúng tôi đặc biệt nghi ngờ về các biện pháp (của các binh sĩ Mỹ) nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus".
Cho đến nay đã có báo cáo về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Okinawa, bao gồm căn cứ không quân Kadena, căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ tại Futenma, Trại Hansen và Trại McTureous.
Ngoài các ca lây nhiễm trong quân nhân Mỹ, tỉnh đảo Okianawa ở miền Nam Nhật Bản đã ghi nhận 148 trường hợp mắc Covid-19.
Đặc khu Hành chính Hong Kong chiều 11/7 tiếp tục ghi nhận 29 ca mắc Covid-19, trong đó có 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, có 33 ca xét nghiệm sơ bộ dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các trường hợp nhiễm mới có độ tuổi từ 3 đến 82, trong đó có 9 ca đến từ Viện dưỡng lão ở khu Tsz Wan Shan và 2 nhà hàng, 8 ca còn lại hiện vẫn chưa rõ nguồn lây. Trường trung học Good Hope có thêm 1 học sinh 12 tuổi và 1 phụ huynh ghi nhận mắc Covid-19.
Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sasa cũng có thêm 1 nhân viên mắc COVID-19 và 1 nhân viên xét nghiệm sơ bộ dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, có 12 ca từ các nước Anh, Pháp, Đức, Philippines trở về, bao gồm người giúp việc, thủy thủ và phi hành đoàn.
Người phụ trách Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho biết đợt bùng phát dịch lần này có thể là nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở đặc khu này hồi tháng 1/2020. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng nằm rải rác ở nhiều khu vực, viện dưỡng lão và thậm chí cả trường học. Quan chức này tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động công cộng, tránh đến những nơi tập trung đông người nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận 1.432 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 7 ca tử vong.