Ảnh minh họa: Hạn hán ở Giang Tây, Trung Quốc năm 2013 (ảnh: Shutterstock).
“Chúng tôi không thể bán cái cây đã chặt, chúng tôi chỉ có thể dùng nó làm củi. Dù sao thì, ở Trung Quốc gặp họa luôn là nhân dân“, thôn dân địa phương nói.
Lời kêu gọi hiếm thấy của Tổng bí thư Tập Cận Bình hồi tháng 8 nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm ở Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hoành hành, lũ lụt tàn phá và mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ cùng các nước khác. Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực sắp xảy ra, và nông dân ở nhiều nơi Trung Quốc đã khẳng định rằng chính phủ đang sử dụng các biện pháp nghiêm khắc để buộc họ trồng cây lương thực.
Tạp chí Bitter Winter hôm 13/9 đưa tin rằng, vào tháng 4/2020, chính quyền thị trấn Thạch Lai, thành phố Tân Thái, tỉnh Sơn Đông yêu cầu tất cả các thôn trong vòng 5 năm tới không được trồng cây cối, chỉ được trồng cây lương thực. Cây cối đã trồng trước đó cũng phải chặt bỏ để trồng cây lương thực.
Sau đó, chính quyền thị trấn Thạch Lai đã phái người chặt toàn bộ số cây dương trồng ở thôn Tả Gia Câu mà không thông qua sự đồng ý của người dân. Người dân địa phương đã làm đơn khiếu nại nhưng lại nhận được câu trả lời là “chính quyền không cho trồng cây, chỉ cho trồng lương thực”.
Người dân ở một thị trấn, thành phố Tân Thái tiết lộ rằng, cây cối được trồng ở hơn 10 thôn làng trong thị trấn đã bị phá hủy bởi những kẻ lưu manh do chính phủ thuê vào hồi tháng 7. “Những tên lưu manh đó cầm những cây gậy gỗ dài, ai chống cự sẽ bị chúng đánh, vậy nên không ai dám lên tiếng nữa“.
Chính sách chặt cây lần này mang tính cưỡng chế, không thể thương lượng. “Chúng tôi không thể bán cái cây đã chặt, chúng tôi chỉ có thể dùng nó làm củi. Dù sao thì, ở Trung Quốc gặp họa luôn là nhân dân“, thôn dân địa phương nói.
Ngoài ra, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, chính quyền còn ép buộc những người già không đủ khả năng làm việc nông nghiệp phải trồng lúa. Một người dân địa phương cho biết: “Chính quyền đã ra thông báo kể từ ngày 1/5, tất cả đất ruộng đều phải trồng lúa, không được trồng cây khác, nếu không sẽ thu hồi quyền quản lý sử dụng đất đai”.
Báo cáo chỉ ra rằng, ở Trung Quốc đại lục, đất canh tác thuộc sở hữu tập thể và do nhà nước kiểm soát, nông dân chỉ có quyền ký hợp đồng (nhận thầu) và sử dụng. Do đó, chính phủ hiện đang cưỡng chế người dân trồng cây lương thực bằng cách thu hồi quyền nhận thầu và quyền sử dụng đất.
Ở địa phương, những thanh niên trẻ đều thoát nông ra ngoài làm việc, để lại những người già ở quê nhà. Những người cao tuổi này sợ bị chính quyền thu hồi đất đai, sợ bị bắt làm nông trong khi không còn đủ sức, họ đã phải bỏ tiền ra để thuê người làm ruộng. Thậm chí, một số người đi làm ăn ở nơi khác không còn cách nào khác buộc phải trở về quê nhà để làm ruộng.
“Tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu, đã hơn 10 năm không làm ruộng rồi nhưng bây giờ lại phải trồng lúa”, một người dân xúc động nói.
“Chính phủ kêu gọi trồng cây ăn trái được một thời gian, nay lại yêu cầu trồng lúa, nếu không trồng lúa thì sẽ bị thu hồi đất. Người Trung Quốc không được sở hữu dù chỉ một mảnh đất, tất cả đều do chính phủ định đoạt“, một người dân trung tuổi phàn nàn.
Việc ban hành một thông báo như vậy của chính phủ, đối với những người dân trồng rau và cây ăn quả mà nói, thì tổn thất quả thực không hề nhỏ.
“Những cây vải của tôi đã sắp được thu quả, nhưng nó đã bị xúc đi, tổn thất hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương 34 triệu đồng)“. Một người dân ở Quảng Châu cho biết, chính quyền cũng không hề có bất kỳ bồi thường nào cho cô ấy.
Một người dân bất bình bày tỏ “Tin tức chính phủ nói rằng, quốc gia có rất nhiều lương thực. Vậy mà, bây giờ chúng tôi bị cưỡng chế phải trồng cây lương thực. Đây chẳng phải đã rõ ràng là không hề có lương thực nên mới phải làm vậy hay sao?”
Vào tháng 7, dân làng ở một ngôi làng ở thị trấn Qua Lịch, huyện Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nhận được thông báo từ chính phủ phải làm tốt việc không trồng những cây trồng khác, chỉ trồng cây lương thực. (Ảnh: Chụp màn hình Bitter Winter).
Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng tuyên truyền để cố gắng loại bỏ khủng hoảng về tình trạng thiếu lương thực, nhưng các chuyên gia vẫn liên tục chú ý đến vấn đề này.
Nhà kinh tế Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) cho rằng, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc không ổn định và Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung cấp lương thực từ nước ngoài.
“Tôi e rằng Trung Quốc vẫn cần phải dựa vào tự cung tự cấp trong tương lai, tăng tỷ lệ tự cung tự cấp lên 90%, 95%“, ông Hồ nói trong một cuộc phỏng vấn với Ming Pao.
Hiện tại, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc vào khoảng 80% và quốc gia này vẫn là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới.
Theo Thiên Bình, Secretchina
Tâm Thanh biên dịch
(DKN.TV)