Ảnh minh họa: Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đứng dưới quốc kỳ Pakistan (T) và lá cờ Ấn Độ tại sân vận động quốc gia ở Karachi, Pakistan, ngày 23/09/2004. AP - SHAKIL ADIL
NAM Á - Nhìn lại lịch sử và học thuyết nguyên tử của Ấn Độ và Pakistan, kênh truyền hình Pháp France 24 phân tích về kho vũ khí nguyên tử của hai nước, trong bối cảnh khu vực Kashmir có tranh chấp trở thành hiện trường của vụ tấn công khủng bố mà New Delhi cáo buộc Islamabad gây ra hồi cuối tháng Tư.
Pakistan phủ nhận mọi cáo buộc và hai bên đã giao tranh với nhau trước khi đạt được một lệnh ngưng bắn hôm 10/05/2025, cho dù tình hình vẫn còn rất căng thẳng.
Đây là một cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng, anh em thù địch, và đặc biệt là giữa hai cường quốc nguyên tử, lý do chính khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Với "Smiling Buddha", Ấn Độ trở thành cường quốc nguyên tử
Năm 1974, Ấn Độ phá vỡ điều cấm kỵ liên quan đến phổ biến vũ khí nguyên tử. Lúc đó, chỉ có P5, nhóm năm quốc gia thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Liên-Xô và Trung Quốc), chính thức sở hữu vũ khí nguyên tử.
Chương trình phát triển nguyên tử của Ấn Độ bắt đầu từ những năm 1950, với cuộc thử nghiệm đầu tiên được cho là "hòa bình", theo ngôn từ chính thức. Mang tên "Smiling Buddha" (Phật cười), cuộc thử nghiệm này diễn ra dưới lòng đất tại khu quân sự Pokhran, Rajasthan, với một quả bom nặng 1.400 kg.
Mặc dù cuộc thử nghiệm bị cộng đồng quốc tế lên án và dẫn đến việc thắt chặt kiểm soát xuất cảng nguyên tử, đây là một màn phô trương sức mạnh chưa từng có đối với các đối thủ khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia mà Ấn Độ đã có xung đột vào năm 1962 về quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ trên dãy Himalaya. Cuộc xung đột này kết thúc bằng một thất bại thảm hại của New Delhi, với hơn 3.000 lính Ấn Độ bị chết hoặc mất tích, trong khi phía Trung Quốc chỉ có hơn 720 người chết. Hơn nữa, gần 4.000 binh sĩ Ấn Độ bị bắt làm tù binh.
Gilles Boquérat, chuyên gia về Nam Á, giải thích: "Cuộc chiến này thực sự là một cú sốc đối với Ấn Độ. Trong những năm sau đó, áp lực trong nước rất lớn, buộc chính quyền tìm biện pháp đối phó với việc Trung Quốc sở hữu vũ khí nguyên tử (từ năm 1964). Ấn Độ luôn định nghĩa chương trình nguyên tử của mình là một phản ứng trước kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc chứ không phải đối với Pakistan, quốc gia họ coi là ở chiếu dưới."
Abdul Qadeer Khan, cha đẻ của nguyên tử Pakistan
Trước việc nước láng giềng trở thành cường quốc nguyên tử, Pakistan quyết định tăng cường nỗ lực để sở hữu vũ khí nguyên tử. Tại Pakistan, nơi quân đội đóng vai trò như một Nhà nước bên trong Nhà nước, Ấn Độ được coi là một mối đe dọa sinh tồn.
Khác với Ấn Độ, chương trình nguyên tử của Pakistan được phát triển thông qua một mạng lưới gián điệp công nghiệp quy mô lớn nhằm đánh cắp công nghệ và chuyên môn từ Tây phương . Người đứng đầu chiến dịch bí mật này là khoa học gia Abdul Qadeer Khan, được coi là "cha đẻ của nguyên tử Pakistan".
Ông không chỉ giúp Pakistan có được công nghệ, mà còn có vai trò trong việc chuyển giao công nghệ một cách bất hợp pháp sang Libya, Iran và Bắc Hàn. Bị Mỹ gây áp lực, ông bị chính quyền Pakistan quay lưng và bị giam lỏng tại Islamabad từ năm 2004.
Gilles Boquérat cho biết thêm : "Abdul Qadeer Khan đã buộc phải nhận tội trên truyền hình quốc gia, một điều khiến nhiều người Pakistan bất bình. Ông là một anh hùng dân tộc, đã giúp Pakistan đạt được sự cân bằng quân sự với Ấn Độ."
Mùa xuân nguyên tử năm 1998
Ngày 06/04/1998 bắt đầu một trong những giai đoạn đáng lo ngại nhất của cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan, một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm giữa chính quyền của thủ tướng Pakistan Mohammad Nawaz Sharif và đồng nhiệm Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee, người đã đánh dấu khởi đầu sự thống trị của đảng Bharatiya Janata Party (BJP) trong chính trường Ấn Độ.
Cuộc leo thang bắt đầu khi Pakistan thử nghiệm các hỏa tiễn tầm trung có thể mang đầu đạn nguyên tử. New Delhi đáp trả vào các ngày 11 và 13/05 với năm cuộc thử nghiệm nguyên tử dưới lòng đất, lần đầu tiên kể từ năm 1974. Hai tuần sau đó, Islamabad thông báo đã thực hiện thành công năm cuộc thử nghiệm nguyên tử dưới lòng đất, trở thành quốc gia Hồi Giáo đầu tiên sở hữu vũ khí nguyên tử.
Trước nguy cơ đối đầu trực diện, các quan chức Tây phương lên án mạnh mẽ hai nước và ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Cuối tháng Bảy, căng thẳng xuống thang với một cuộc gặp giữa Atal Bihari Vajpayee và Mohammad Nawaz Sharif tại Colombo, Sri Lanka, trong một hội nghị khu vực. Trong năm đó, hai quốc gia đã đồng ý về một lệnh cấm thử nghiệm vũ khí nguyên tử và ký hiệp ước cấm thử nghiệm nguyên tử toàn diện, có hiệu lực từ năm 1996. Tuy nhiên, cuộc xung đột Kargil năm 1999 đã dập tắt mọi hy vọng đối với việc duy trì mối quan hệ hữu hảo.
Các kho vũ khí nguyên tử tương đồng
Trong 20 năm qua, hai nước chưa bao giờ ngừng phát triển năng lực nguyên tử. Mặc dù số lượng đầu đạn nguyên tử của Ấn Độ và Pakistan vẫn là một bí mật được giữ kín, các chuyên gia đều nhận định rằng hai quốc gia có một số lượng vũ khí nguyên tử tương đương nhau, với khoảng 170 đầu đạn nguyên tử của Pakistan và 180 của Ấn Độ.
New Delhi và Islamabad không chỉ sở hữu đầu đạn nguyên tử, tức là các đầu đạn nguyên tử mini, mà còn có các phương tiện vận chuyển, hỏa tiễn hoặc máy bay để thực hiện các cuộc tấn công. Chuyên gia Boquérat giải thích: "Ấn Độ có đầy đủ các loại vũ khí từ hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung Prithvi cho đến hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Agni có năng lực tấn công toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, tiêm kích Rafale và gần đây là năng lực hải quân. Điều này cho thấy rõ Ấn Độ đã định nghĩa chương trình nguyên tử của mình dựa trên năng lực của Trung Quốc chứ không phải Pakistan."
Năm 2026, New Delhi dự kiến sẽ mở một căn cứ hải quân chiến lược dành cho các tiềm thủy đỉnh nguyên tử tại tỉnh Andhra Pradesh, ven biển phía đông Ấn Độ.
Về phần mình, khả năng răn đe nguyên tử của Pakistan lại hoàn toàn tập trung vào quốc gia láng giềng. Trong số các phương tiện chính được sử dụng, có thể kể đến các hỏa tiễn Shaheen, các tiêm kích F-16A và F-16B của Mỹ, cùng với các phi cơ JF-17 Thunder của Trung Quốc, kết quả của sự hợp tác quân sự lâu dài với cả Mỹ và Trung Quốc, nước cung cấp vũ khí chính của Pakistan.
Hai học thuyết nguyên tử khác biệt
Về mặt chính thức, Ấn Độ tuân thủ học thuyết không tấn công nguyên tử phủ đầu và chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công nguyên tử khác. Trong khi đó, Pakistan tỏ ra linh hoạt hơn, định nghĩa việc sử dụng vũ khí nguyên tử là để đối mặt với những mối đe dọa "sinh tồn", như một cuộc xâm lược quân sự. Nói cách khác, Islamabad có thể dùng nguyên tử để tấn công phủ đầu, chứ không chỉ để trả đũa.
Theo các dân biểu Pháp Jean-Michel Boucheron và Jacques Myard, "chánh sách này dựa trên một thực tế là quân đội chính quy của Ấn Độ vượt trội hơn hẳn so với Pakistan đi kèm với việc lãnh thổ Pakistan rất hẹp khiến đất nước rất dễ bị tổn thương".
Kể từ khi căng thẳng gia tăng trở lại giữa Ấn Độ và Pakistan, chưa có bất kỳ mối đe dọa rõ ràng nào về việc hai bên sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử, cho thấy năng lực răn đe vẫn đang hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, chuyên gia Boquérat cho rằng "lần này có một vòng xoáy nguy hiểm hơn, đặc biệt là việc một số chiến đấu cơ của New Delhi bị bắn hạ, cho thấy Ấn Độ đã đánh giá thấp năng lực quân sự của Pakistan".
Hậu quả của một cuộc chiến tranh nguyên tử
Các khoa học gia đã nghiên cứu khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 2019. Vào thời điểm đó, căng thẳng giữa hai nước bùng phát trở lại sau khi thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hủy bỏ quyền tự trị của Jammu và Kashmir.
Trong một nghiên cứu công bố trên Science Advances, các chuyên gia nghiên cứu hình dung một cuộc chiến với sự điều động của một phần ba kho vũ khí của cả hai quốc gia. Kết quả là 125 triệu người chết, hậu quả thảm khốc đối với động vật hoang dã và thực vật, gây ra nạn đói và bệnh tật ở Áchâu . Thêm vào đó là khói từ các đám cháy khổng lồ do các vụ nổ sẽ che khuất ánh sáng mặt trời, gây ra một mùa đông nguyên tử toàn cầu kéo dài khoảng 10 năm với những hậu quả tai hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất của viện nghiên cứu Sipri ở Thụy Điển, Ấn Độ đã tăng nhẹ kho vũ khí nguyên tửvào năm 2023. Cũng như Islamabad, New Delhi tiếp tục phát triển các loại phương tiện nguyên tử mới. Hai quốc gia này cũng đang tìm cách trang bị năng lực khai triển nhiều đầu đạn trên hỏa tiễn đạn đạo, một công nghệ đã có sẵn ở Nga, Pháp, Anh, Mỹ và gần đây là Trung Quốc. Dan Smith, giám đốc Sipri, cho biết : "Trong bối cảnh tổng số lượng vũ khí nguyên tử tiếp tục giảm do các vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh đang dần được tháo dỡ, thì đáng tiếc là số lượng đầu đạn nguyên tử hoạt động lại tiếp tục tăng lên từng năm. Xu hướng này có thể tiếp diễn và thậm chí tăng tốc trong những năm tới, một điều rất đáng lo ngại."
(Theo RFI)