------------------------------------------------
THANH TOÁN HỌC PHÍ DU HỌC ÚC DỄ DÀNG VÀ MIỄN PHÍ CÙNG QUÀ TẶNG 300.000 VND!
--------------------------------------------------------------
Nhóm tàu chiến Anh tiến vào Biển Đông, hàm ý đến nước nào?
Tối ngày 27/7, tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh - tàu sân bay Queen Elizabeth cùng với nhóm tàu tác chiến đã tiến vào Biển Đông.
Anh Quốc chưa công bố lịch trình đầy đủ cho “Chiến dịch Fortis” ở Đông Nam Á và Biển Đông. (Nguồn: Hải quân Hoàng gia Anh)
Một số nguồn tin quân sự cho biết, quân đội Trung Quốc đang theo dõi hoạt động của nhóm tàu một cách gắt gao, cả trên biển lẫn trên không.
Nhân sự kiện này, Bill Hayton, chuyên gia nghiên cứu thuộc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) đã có bài viết "Nhóm tàu tác chiến sân bay ở Biển Đông" đăng trên trang tạp chí nghiên cứu Anh The Geostrategy.
“Chiến dịch Fortis”.
Bài báo cho biết, các tàu chiến, dẫn đầu là tàu sân bay Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh, đi từ Singapore đến Nhật Bản và được mời tham gia các cuộc tập trận quân sự. Sau đó, nhóm tàu sẽ thực hiện hành trình quay trở lại.
Việc triển khai nhóm tàu - bao gồm một tàu khu trục, hai khinh hạm, một tàu ngầm tấn công hạt nhân, các tàu phụ trợ, máy bay chiến đấu tàng hình F35B Lightning II, và các tàu chiến của Hà Lan và Mỹ - đã thu hút nhiều bình luận sôi nổi, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Bài viết của chuyên gia Bill Hayton đã cung cấp một số thông tin cơ bản về mục đích của chiến dịch hàng hải mà nhóm tàu thực hiện - chính thức được gọi là “Chiến dịch Fortis”. Đồng thời xem xét các phản ứng có thể của Trung Quốc nếu nhóm tàu của Anh (hoặc các thành phần của nhóm) có hành động khẳng định luật pháp quốc tế nhằm thách thức việc Trung Quốc đặt ra hạn chế đối với các khu vực ở Biển Đông.
Anh chưa công bố lịch trình đầy đủ cho “Chiến dịch Fortis” ở Đông Nam Á và Biển Đông. Nhiều khả năng các tàu riêng lẻ sẽ dừng lại ở các cảng khác nhau và tham gia các cuộc tập trận riêng biệt.
Các hoạt động này có thể bao gồm từ các cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn đến các hoạt động phức tạp hơn. Trong chuyến hành trình trở lại vào tháng 10, Nhóm tàu dự kiến sẽ tham gia các cuộc tập trận của Thỏa thuận Phòng thủ năm cường quốc (Five Power Defence Arrangements - FPDA), bao gồm Malaysia, Singapore, Anh, Úc và Tân Tây Lan.
Trong hải trình của nhóm tàu trên Biển Đông, một hoặc nhiều tàu có thể khẳng định các quyền trên biển theo quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS 1982).
Khó có khả năng (nhưng không phải là không thể) rằng một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh sẽ đi vào khu vực 12 hải lý của một cấu trúc đang tranh chấp.
Nếu tàu của Anh làm như vậy thì đó là vì một trong hai lý do: Thứ nhất là để chứng minh quyền qua lại vô hại qua lãnh hải; thứ hai là để thể hiện rằng Anh không công nhận luật pháp quốc gia nào ngoài UNCLOS điều chỉnh các hoạt động hàng hải gần các cấu trúc cụ thể hoặc bãi cạn lúc nổi lúc chìm, ngay cả những nơi đã được tôn tạo.
Sự hiện diện của tàu chiến và máy bay Mỹ trong Nhóm tàu cũng có thể hiểu rằng việc đi qua Biển Đông sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ.
Những điểm cần làm rõ.
Bài báo cho rằng, để đối phó với việc Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động triển khai của Hải quân Hoàng gia Anh đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, chính phủ Anh nên làm rõ hơn một số điểm nổi bật của “Chiến dịch Fortis”.
Cụ thể, Anh đang thăm khu vực Biển Đông theo yêu cầu của hầu hết các nước ở đó. Việc Nhóm tàu được mời ghé cảng và tham gia các cuộc tập trận hải quân với các quốc gia khu vực chứng tỏ điều này.
Nhóm tàu chỉ đơn giản là đi qua các Vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone - EEZ) và lãnh hải của các quốc gia khác trên đường đến thăm khu vực và tập trận hải quân với các quốc gia.
Khi thực hiện quyền qua lại vô hại và khẳng định quyền tự do hàng hải, Anh đang tôn trọng UNCLOS 1982 và luật biển quốc tế. Hơn nữa, việc duy trì các quy tắc này mang lại lợi ích cho toàn khu vực và thế giới rộng lớn hơn.
Hơn nữa, chính những vi phạm của Trung Quốc với UNCLOS đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong vài thập kỷ qua. Nhóm tàu cần được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nhân đạo nào xảy ra trong thời gian triển khai.