Một nhóm du khách Trung Quốc tại quận Ginza, Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/10/2023. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

 

 

Một “influencer” người Trung Quốc sống tại Nhật Bản đã châm ngòi cho những cuộc tranh luận trực tuyến về hành vi có phần hung hăng của anh ấy đối với một chủ nhà hàng ở Tokyo, người đã từ chối phục vụ khách Trung Quốc do lo sợ về làn sóng nhiễm trùng đường hô hấp mới đang bùng phát ở Trung Quốc.

 

“Influencer” (người ảnh hưởng) là những cá nhân nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, có khả năng tạo ra xu thế và dẫn dắt thái độ hay hành vi của một cộng đồng hoặc một nhóm người thuộc một lĩnh vực cụ thể.

 

3 năm đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng, chịu ảnh hưởng nặng nề. Giờ đây, trong bối cảnh một làn sóng nhiễm trùng đường hô hấp bí ẩn khác đang bùng phát tại Trung Quốc, ông chủ của “Chuka Seitaigo” đã dán một thông báo trước cửa tiệm ăn của mình rằng nhà hàng từ chối phục vụ du khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Thông báo này đã khiến một “influencer” người Trung Quốc có tên “Youtou Siliufen” nổi giận và xông vào quán để phàn nàn; anh cũng ghi hình lại vụ việc.

 

Youtou Siliufen sau đó đã gọi điện cho cảnh sát Nhật Bản, nói rằng thông báo của tiệm ăn chứa lời lẽ thù địch (hate speech), mang tính phân biệt đối xử, đồng thời đề nghị cảnh sát yêu cầu chủ nhà hàng gỡ tờ thông báo.

 

Cảnh sát Nhật Bản đã làm rõ rằng quyết định từ chối phục vụ người Trung Quốc của ông chủ Nhật Bản do lo ngại về dịch bệnh không phải là hành vi vi phạm pháp luật, do vậy, cảnh sát không thể can thiệp.

 

Người chủ nhà hàng sau này cho biết, ông đưa ra thông báo đó là để bảo vệ vợ của mình. Sau khi nhiễm COVID-19, hệ thống miễn dịch của vợ ông không còn hoạt động tốt.

 

Youtou Siliufen nổi tiếng với việc chia sẻ các video về Nhật Bản trên mạng xã hội, đặc biệt tập trung vào ẩm thực; anh sở hữu lượng người theo dõi tương đối lớn, lên tới 1,3 triệu người.

 

Sau khi video của Youtou Siliufen lan truyền rộng rãi trên Internet vào ngày 9/12, vụ việc trở nên căng thẳng hơn khi nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã xuất hiện tại tiệm ăn để quấy phá người chủ tiệm ăn.

 

Một số “influencer” và cư dân mạng Trung Quốc đã đến quay video ở nhà hàng và đối đầu một cách thô lỗ với chủ nhà hàng; một số người đã la hét ở nhà hàng. Kể từ khi những video như thế lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, chủ nhà hàng “Chuka Seitaigo” đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa, dẫn đến việc nhà hàng phải tạm thời đóng cửa.

 

 

Đáp trả đầy bất ngờ

Để ngăn chặn sự quấy rối từ những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nhà hàng đã làm theo lời khuyên từ cư dân mạng Đài Loan và Hong Kong. Ông dán các khẩu hiệu như “Hong Kong Độc lập”, “Tây Tạng độc lập”, “Đả đảo ĐCSTQ” và những tấm hình chụp những chiếc xe tăng của vụ thảm sát Thiên An Môn.

 

Ngoài ra, nhiều người Nhật Bản đã dùng bữa tại “Chuka Seitaigo” để thể hiện sự ủng hộ của họ.

 

Khi Youtou Siliufen quay trở lại nhà hàng với mục đích quay một video khác, anh ấy đã vô tình ghi lại những dòng chữ như “Hong Kong Độc lập” và “Tây Tạng độc lập”. Kết quả là cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã xóa các video của anh khỏi mạng xã hội Trung Quốc.

 

Ông Makoto Matsumaru - ủy viên hội đồng quận tại địa phương - đã báo vụ việc lên cảnh sát, yêu cầu cảnh sát Nhật Bản điều tra đầy đủ những gì đã xảy ra và truy tố những người có liên quan đến việc đe dọa và gây rối trật tự.

 

Cảnh sát được cho là đã mở một cuộc điều tra nhằm vào các phong trào của một loạt các nhóm Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc chống Nhật Bản ở Nhật Bản.

 

Vụ việc đã gây ra quan ngại lớn trong xã hội Nhật Bản. Từ các chính trị gia cho đến cả các thành viên Yakuza - thuật ngữ chỉ các nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản - đều bày tỏ sự tức giận đối với các “influencer” Trung Quốc theo dân tộc chủ nghĩa cực đoan và sự ủng hộ dành cho chủ nhà hàng.

 

Ông Mastsumaru cho biết ông có cùng quan điểm với nhiều người Nhật Bản, những người tin rằng Youtou Siliufen và những người theo dõi (follower) của anh ấy đã bị tẩy não bởi các chiến dịch tuyên truyền chống Nhật Bản do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tạo ra và thúc đẩy.

 

Ông Matsumaru viết trên mạng xã hội X vào ngày 14/12 như sau: "Người chụp ảnh cùng tôi là chủ của nhà hàng Chuka Seitaigo - người đã một mình chiến đấu trước sự quấy rối của nhiều cá nhân Trung Quốc. Hôm qua, sau một đợt quấy rối khác, cảnh sát đã lắp đặt camera giám sát và khuyến cáo ông tạm thời đóng cửa nhà hàng để đảm bảo an toàn cho bản thân hoặc gỡ thông báo xuống. Để ngăn chặn những cuộc gọi quấy rối bằng tiếng Trung, điện thoại của nhà hàng đã ngắt kết nối”.

 

 

‘ĐCSTQ là vấn đề’

Ông Hayato Sato đến từ Đại học Tokyo nói với The Epoch Times: “Người chủ cửa hàng đã cố gắng bảo vệ bản thân và gia đình, và [việc bùng phát] đại dịch trên toàn cầu thực sự là do hành vi che đậy của ĐCSTQ gây ra. Vì vậy, cuối cùng thì, ĐCSTQ mới là vấn đề".

 

Ông Sato cho biết những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiểu rất rõ rằng Nhật Bản có nền pháp quyền và họ có thể có quan điểm chống Nhật kể cả khi sống tại Nhật. Ông nói, họ được ĐCSTQ giáo dục để sản sinh ra lòng căm thù, nhưng họ sẽ không làm bất cứ điều gì quá đáng như thế này ở Trung Quốc.

 

Một người phụ nữ trao quốc kỳ Trung Quốc trong cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Quốc khánh Trung Quốc tại Phố Tàu Yokohama ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 1/10/2023. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

 

 

Ông Satoru Hagino - giám đốc một công ty điện tử Nhật Bản - nói với The Epoch Times rằng dù những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã rời khỏi quê hương của họ, nhưng họ vẫn đọc tin tức từ các cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc.

 

Ông nói “Vì vậy, họ vẫn bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ. Thế nên, bất cứ khi nào họ nhìn thấy những ý kiến/quan điểm ​​không phù hợp với những câu chuyện mà ĐCSTQ bịa ra, họ sẽ nổi cơn thịnh nộ và bộc lộ sự thiếu hiểu biết của mình về một xã hội tự do, dân chủ và pháp quyền”.

“Ngoài ra, cũng có những người cố tình gây ra các xung đột để có thêm lượt xem trên mạng xã hội từ những khán giả thiếu hiểu biết ở Trung Quốc. Vì vậy, khi chủ nhà hàng dán các khẩu hiệu ủng hộ Hong Kong và Tây Tạng, họ lập tức ngừng ghi hình".

“Qua sự việc này, người dân Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động kiểm duyệt hà khắc và thông tin sai lệch mà ĐCSTQ đã áp đặt lên chính người dân trong nước. Đây là sự xung đột giữa văn minh và độc tài toàn trị. Tôi hy vọng rằng Nhật Bản cũng có thể học cách tách biệt người Trung Quốc với chính quyền Trung Quốc".

 

(Theo ntdnv.net)