Dân biểu Mike Gallagher đang phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Hạ viện Mỹ về Trung Quốc tại Washington, ngày 6/3/2024. (Ảnh: Ủy ban Hạ viện Mỹ về Trung Quốc/ Ảnh chụp màn hình qua NTD)
HOA KỲ - Các cuộc điều tra gần đây cho thấy một số cần cẩu xếp hàng do Trung Quốc sản xuất, được sử dụng tại nhiều cảng trên khắp nước Mỹ, được trang bị các thiết bị liên lạc cho phép truy cập từ xa. Điều này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Trước những nỗ lực do thám trong quá khứ và hiện tại của Trung Quốc, các nhà lập pháp đang lên tiếng bày tỏ lo ngại với chính quyền ông Biden về những mối đe dọa tiềm ẩn nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Quốc hội Mỹ đã tiến hành điều tra về các cần cẩu do Trung Quốc sản xuất được lắp đặt tại nhiều cảng trên khắp đất nước. Kết quả điều tra cho thấy những cần cẩu này được trang bị thiết bị liên lạc. Một số thiết bị trong số này không hỗ trợ hoạt động thường xuyên nhưng có thể truy cập từ xa. Phát hiện này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng thiết bị do Trung Quốc sản xuất có thể đe dọa an ninh các cảng của Hoa Kỳ.
Hầu hết các cần cẩu cỡ lớn này (khoảng 80%) được sử dụng tại các cảng biển của Mỹ đều doCông ty Shanghai Zhenhua Heavy Industries Co., Ltd. (ZPMC) sản xuất. Điều này khiến Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo lo ngại về khả năng can thiệp và hoạt động gián điệp tiềm ẩn của chúng.
Thượng nghị sĩ Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, cảnh báo: "[Chính phủ Trung Quốc] đang tìm kiếm mọi cơ hội để thu thập thông tin tình báo có giá trị và định vị để khai thác các lỗ hổng bằng cách thâm nhập có hệ thống vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực hàng hải".
Ngoài ra, còn có lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng tin tặc Trung Quốc sẽ tấn công và gây rối loạn cơ sở hạ tầng của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Để loại trừ những rủi ro này, chính quyền ông Biden đã công bố kế hoạch đầu tư vào Mitsui & Co. (USA) - một công ty con của Tập đoàn Mitsui Nhật Bản - vào tháng trước. Mục đích của kế hoạch là thay thế các cần cẩu do Trung Quốc sản xuất tại các cảng biển của Mỹ.
Trước đó, vào ngày 31/1, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đã báo cáo với Quốc hội rằng tin tặc Trung Quốc thường xuyên nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm lưới điện, hệ thống xử lý nước và giao thông vận tải. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách "gây ra hỗn loạn và gây thiệt hại thực sự cho công dân và cộng đồng Mỹ, nếu hoặc khi Trung Quốc quyết định thời điểm tấn công”.
Phương thức đánh cắp công nghệ tinh vi của Trung Quốc
Những phương thức đánh cắp bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ dừng lại ở tấn công mạng, mà còn bao gồm cả các chiến thuật gián điệp truyền thống.
Vào ngày 6/3, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Đinh Lâm Vỹ (Linwei Ding), một kỹ sư phần mềm người Trung Quốc từng làm việc tại Google, tội đánh cắp bí mật thương mại về trí tuệ nhân tạo (AI) của Google trong thời gian hợp tác bí mật với hai công ty Trung Quốc.
Tại hội nghị của Hiệp hội Luật sư Mỹ ở San Francisco, Tổng chưởng lý Merrick Garland đã công bố cáo trạng truy tố ông Đinh Lâm Vỹ.
Theo cáo trạng do tòa án Quận Bắc California ban hành, ông Đinh được Google tuyển dụng vào năm 2019 và có quyền truy cập vào các thông tin mật từ các trung tâm dữ liệu siêu máy tính của công ty. Hai năm trước, ông đã tải hàng trăm tệp tin lên tài khoản Google Cloud cá nhân và sau đó nghỉ việc tại Google vào cuối năm ngoái.
Các công tố viên tiết lộ rằng vài tuần sau vụ đánh cắp, ông Đinh đã trở thành Giám đốc Công nghệ của một công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Ngoài ra, ông Đinh còn thành lập và giữ chức Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp về AI tại Trung Quốc.
Tháng 1 vừa qua, FBI đã đột kích nơi ở của ông Đinh, tịch thu các thiết bị điện tử và tài khoản cá nhân, bao gồm hơn 500 tệp tin chứa thông tin mật độc quyền bị đánh cắp từ Google.
Rủi ro tiềm ẩn của xe điện Trung Quốc
Xe điện do Trung Quốc sản xuất đang gia tăng nhanh chóng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc và hiện được xuất cảng trên toàn thế giới. Chính hàm lượng công nghệ cao trong những chiếc xe này đang đặt ra rủi ro về an ninh cho Hoa Kỳ, gây ra nhiều lo ngại.
Theo chỉ đạo từ Tòa Bạch Ốc, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành điều tra rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến các "xe kết nối" do Trung Quốc sản xuất.
Các quan chức chức ở Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh công nghệ xe điện phụ thuộc vào internet cho hệ thống định vị và lái tự động. Chúng không chỉ có thể bị lợi dụng làm công cụ do thám mà còn gây ra nguy cơ tê liệt giao thông.
Khi kết nối với các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại di động, xe khác, công ty sản xuất xe hơi và hạ tầng giao thông, những chiếc xe điện này tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia.
Trong sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức vào ngày 28/1, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: "Một chiếc xe điện phức hợp, sau đó là một phương tiện tự hành, được tích hợp hàng nghìn chất bán dẫn và cảm biến. Chúng thu thập một lượng lớn thông tin về người lái, vị trí phương tiện và môi trường xung quanh".
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cảnh báo rằng nếu Trung Quốc có thể thu thập thông tin từ xe điện trên quy mô lớn, điều đó sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh và quyền riêng tư của công dân Mỹ.
Công ty sản xuất xe hơi Trung Quốc, Great Wall Motor (GWM), đã trưng bày mẫu xe điện nhỏ gọn mới "ORA Good Cat 03" tại Triển lãm xe hơi quốc tế Indonesia Gaikindo lần thứ 30 (GIIAS). Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Indonesia (ICE) ở Tangerang vào ngày 10/8/2023. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)
Thỏa thuận Hợp tác Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung
Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 7/3, Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích "các hoạt động kinh tế không công bằng" của Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế xuất cảng công nghệ tiên tiến của Mỹ sang Trung Quốc.
Ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo gia hạn thêm 6 tháng Thỏa thuận Hợp tác Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung (STA) đã hết hạn. Tuy nhiên, Mỹ không cam kết gia hạn lâu hơn và sẽ sử dụng thời gian này để sửa đổi các điều khoản của thỏa thuận.
Quyết định gia hạn tạm thời STA xuất phát từ lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc lợi dụng thỏa thuận này cho mục đích quân sự.
Tháng Sáu năm ngoái, Chủ tịch ủy ban Hạ viện Mỹ về Trung Quốc Mike Gallagher cùng 10 thành viên Đảng Cộng hòa khác đã gửi thư cho Ngoại trưởng Antony Blinken, nêu bật mối liên hệ giữa công nghệ quân sự và dân sự của ĐCSTQ và cách Bắc Kinh lợi dụng STA để thúc đẩy các mục tiêu quân sự. Lá thư kêu gọi chính quyền ông Biden chấm dứt thỏa thuận này.
Được ký kết cách đây hơn bốn thập kỷ, STA là thỏa thuận hợp tác và trao đổi khoa học công nghệ chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc. Thỏa thuận có thời hạn 5 năm và có thể gia hạn khi hết hạn. Lần gia hạn gần đây nhất là vào năm 2018 và hết hiệu lực vào ngày 27/8/2023.
Kể từ đó, Mỹ đã quyết định không gia hạn toàn bộ thỏa thuận mà chỉ gia hạn tạm thời theo từng giai đoạn ngắn. Đây là lần gia hạn thứ hai.
Trung Quốc "phi Mỹ hóa" - Đáp trả hay tự chủ?
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ĐCSTQ không chỉ tìm cách ngăn chặn sự thâm nhập của Mỹ, mà còn đẩy mạnh chiến lược "phi Mỹ hóa" trong nhiều lĩnh vực.
Một ví dụ điển hình là tài liệu mật của ĐCSTQ được tiết lộ gần đây, có từ năm 2022, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc loại bỏ dần phần mềm văn phòng và giao tiếp do Mỹ sản xuất, hay còn gọi là "phi Mỹ hóa" (de-Americanization).
Theo nguồn tin nội bộ, vào tháng 9/2022, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc đã ban hành "Văn bản 79". Văn bản này yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và các ngành khác thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống IT của họ bằng các sản phẩm nội địa Trung Quốc trước năm 2027.
Vào thời điểm đó, Mỹ đang áp đặt các lệnh trừng phạt và thắt chặt hạn chế xuất cảng chip cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Các sản phẩm ngoại quốc bị nhắm mục tiêu không chỉ dừng lại ở phần mềm. Các công ty sản xuất phần cứng của Mỹ như Dell, IBM và Cisco cũng nằm trong danh sách này. Theo đó, nhiều thiết bị của các công ty này đã dần được thay thế bằng sản phẩm Trung Quốc.
Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp từ công nghệ cao đến nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày, giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Các ứng dụng phần mềm trong hệ thống CNTT là một trong những thành trì cuối cùng mà các công ty Mỹ thu được lợi nhuận ở Trung Quốc. Kết quả là các công ty như Microsoft và Oracle đang dần mất đi lợi thế ở Trung Quốc.
Chiến lược "phi Mỹ hóa" của Trung Quốc cho thấy sự tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực, đặt ra thách thức mới cho quan hệ song phương vốn đã căng thẳng.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net; Huyền Anh biên dịch)